Tọa lạc tại xã đảo Vạn Phú (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), khu chế biến có diện tích 2.600 m2 cùng đầy đủ máy móc đánh vảy, tách lọc xương, quết chả, định hình, nén viên…
Nhà xưởng được chị Thuận đầu tư 4 tỷ đồng xây mới từ năm 2015 nhằm hiện đại hóa quy trình sản xuất chả cá truyền thống. Sản phẩm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản lượng lớn, nên mỗi năm cung cấp được 700 tấn cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nữ doanh nhân cho biết, hệ thống này giúp tăng hiệu suất, giảm chi phí nhân công, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất phải tuân thủ các nguyên tắc như mặc đồ bảo hộ chuyên dụng, mang ủng, đeo găng tay…
Ngoài ra, cơ sở còn đầu tư hệ thống xử lý nước thải dung tích 7 m3. Nước thải được lắng lọc, sục khí, xử lý clo kết hợp vi sinh nhằm bảo đảm không còn mùi hôi trước khi thải ra môi trường.
Chả cá sau khi hoàn thành công đoạn chiên. |
Mùa cao điểm, công suất chế biến của nhà máy lên đến 2 tấn mỗi ngày. Với quy trình chế biến nghiêm ngặt, máy móc đầu tư bài bản, sản phẩm sau khi hoàn thành có độ giòn dai, vị ngọt tự nhiên, thơm ngon và đảm bảo sức khỏe người dùng.
Với kinh nghiệm chế biến chả cá 25 năm, đến nay chị Thuận vẫn duy trì những nguyên tắc khắt khe trong tuyển chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến thành phẩm và đóng gói. Nhờ vậy, 700 tấn chả mỗi năm được đảm bảo đầu ra ổn định.
Cá nguyên liệu tươi (mối, đỏ củ, nhồng) đánh bắt từ biển Vạn Ninh, Khánh Hòa. Công nhân nhập từ cảng về đưa ngay vào xưởng, rửa sạch, sơ chế bằng cách chặt bỏ đầu, cạo sạch ruột rồi đưa vào máy tách xương và thịt.
Thịt đem rửa sạch, sau đó đi vào máy quết chả, trộn gia vị (muối, đường, tiêu), sau đó xay nhuyễn. Cuối cùng, thịt cá cho vào khuôn định hình trước khi đem đi hấp hoặc chiên.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn, dầu chiên luôn được kiểm tra độ oxy hóa đạt chuẩn hàng ngày. Chả sau khi chiên vàng, được đem tách dầu lần cuối rồi làm nguội, qua máy dò kim loại rồi mới chuyển đi cấp đông và đóng gói thành phẩm.
Thanh Thủy