Để trở thành kỳ lân, VNPay và VNG đã mất tới 10 năm. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là kỳ tích tại Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp còn đi sau thế giới khá nhiều; cộng với những rào cản khác về thị trường, pháp lý… Như vậy, startup Việt muốn hướng đến tương lai được định giá tỷ đô cũng cần những công thức riêng.
Mới đây, giữa bão dịch Covid toàn cầu, chúng ta vẫn nhận được tin vui: Việt Nam đã có kỳ lân thứ 2 sau VNG, đó là VNPay – lọt danh sách 12 “gã khổng lồ” trong ngành công nghệ khu vực Đông Nam Á.
Năm 2020, bất chấp khủng hoảng kinh tế, VNPay vẫng tăng trưởng 300% so với cùng kỳ năm ngoái. “Tiền bối” VNG cũng ghi nhận doanh thu 4.423,9 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm. Để đạt được sức mạnh như ngày hôm nay, hai doanh nghiệp Việt đã mất tới 10 năm.
Tuy nhiên, đây vẫn được xem là kỳ tích tại Việt Nam, với hệ sinh thái khởi nghiệp còn đi sau thế giới khá nhiều; cộng với những rào cản khác về thị trường, pháp lý… Như vậy, startup Việt muốn hướng đến tương lai được định giá tỷ đô cũng cần những công thức riêng.
Điều gì tạo nên một kỳ lân
Theo nhận định của ông Cris D. Trần – CEO Infinity Blockchain Ventures tại Gala Startup Việt 2020, nếu hướng đến tương lai kỳ lân, các startup không nên đầu tư thật nhiều tiền vào công nghệ tiên tiến ngay trong thời gian đầu. Việc này có thể dẫn đến thua lỗ khi các công ty non trẻ còn chưa tìm được thị trường của mình.
Điểm cân bằng lý tưởng trong giai đoạn khởi đầu nằm ở giữa việc đáp ứng nhu cầu thị trường, chi phí phù hợp khả năng tài chính và tiềm năng về lợi nhuận. Như vậy, bài toán về nghiên cứu và phát triển công nghệ nằm ở dài hạn, khi liệu sức mình đã có thể “bơi” ở một thị trường rộng lớn hơn.
Từ thành công của VNPay và VNG, ông Cris D. Trần cho rằng, một kỳ lân phải mang lại được sản phẩm có tầm “đủ lớn – đủ rộng”.
“Dù sản phẩm đủ lớn đã giải quyết được bài toán khó nhưng không hút được thị trường đủ rộng hoặc quá đặc thù thì vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của một kỳ lân. Một doanh nghiệp trị giá tỷ đô phải có thị trường đủ rộng để mang lại doanh thu xứng tầm.”, ông Cris nói.
Như ở trường hợp VNG, CEO Cris D Trần đánh giá kỳ lân này đã tạo ra hệ sinh thái sản phẩm tích hợp với sản phẩm ban đầu. Ngoài mảnh đất màu mỡ game online họ còn có Zing MP3, Zalo, ZaloPay… Người chơi game có thể mua nhạc hay chuyển tiền tùy thích trong hệ sinh thái này. Từ vị thế đó, VNG đã có thị trường rất lớn cho dòng tiền lưu chuyển trong hệ sinh thái của mình.
Ngoài ra, ông cho rằng một kỳ lân không chỉ là doanh nghiệp tỷ đô có doanh thu khủng ngắn hạn mà còn phải giữ được đà tăng trưởng dài hạn. Những gì họ hứa với nhà đầu tư đều phải thực hiện được và giữ phong độ từ lúc mới được đầu tư cho đến khi lớn mạnh.
Sống trong “bình thường mới”
Với vị thế là CEO một đơn vị chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ, ông Cris cho rằng, việc thay đổi đối với mọi doanh nghiệp là bắt buộc chứ không còn sự lựa chọn nào khác; nếu không muốn tụt hậu và bị đào thải khỏi thị trường đang biến động không ngừng.
Đơn cử các doanh nghiệp ngành tài chính ngân hàng đang thay đổi rất nhanh để khách hàng ở nhà vẫn giao dịch được, đảm bảo bảo mật cao và thuận tiện tối đa. Các ngân hàng vốn dĩ là những doanh nghiệp khổng lồ, tương đối chậm thay đổi, nhưng đã có sự nhìn nhận lại và thay đổi rất nhanh.
Từ đó có thể thấy rằng, “không chạm” hiện là từ khoá quan trọng nhất cho định hướng đổi mới của các doanh nghiệp, khi lần đầu tiên, đồng nghiệp, tiểu thương, nhà phân phối, bạn hàng, đối tác… không thể gặp gỡ nhau do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Nhưng theo ông Cris, Việt Nam ta vẫn rất may mắn khi có thể kiểm soát sớm Covid, trong khi nhiều nước khác như Malaysia, Philippines… thường xuyên trong tình trạng đóng băng, liên tục cách ly xã hội.
Lấy ví dụ về sự đổi mới trong Covid, vị CEO trẻ chia sẻ câu chuyện của một doanh nghiệp phân phối trái cây tại Malaysia. Khi đối mặt với sự cạnh tranh từ các thị trường khác, họ đã tìm đến Blockchain Infinity để phát triển giải pháp truy xuất nguồn gốc như một biện pháp tăng khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành thì dịch Covid ập đến. Giải pháp vốn đã được coi là công nghệ cao vẫn phải thay đổi một lần nữa để thích ứng với giai đoạn cách ly xã hội khá cực đoan tại quốc gia này.
Blockchain Infinity đã đề nghị khách hàng nhìn nhận “nỗi đau” đang xảy ra trong thực tế, bên cạnh câu chuyện truy xuất nguồn gốc. Theo đó, “nỗi đau” lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là tìm hiểu khách hàng đến từ đâu, làm sao biết được những khoản tiền họ chi ra trong thời điểm này hiệu quả hay không… để từ đó có đối sách tương ứng.
Để có thể sống sót qua khủng hoảng này với chi phí hạn chế, CEO Infinity Blockchain Ventures đề xuất giải pháp truy xuất nguồn gốc tiên tiến hơn để khiến khách hàng tin tưởng về chất lượng sản phẩm. Với động tác truy xuất nguồn gốc, các công ty sử dụng dịch vụ này sẽ biết được thông tin về nguồn gốc, dữ liệu khách hàng để nắm bắt thị trường.
Theo ông Cris D. Trần, ngay cả những người nông dân, thường không tiếp xúc nhiều công nghệ, nhưng cũng đang phải thay đổi vì Covid. Ban đầu chỉ là tạo ra sản phẩm, nhưng sau đó đã có những chuyển biến mới hơn nữa.
Bên cạnh đó, ông Cris D. Trần đưa ra những vấn đề mà các công ty khởi nghiệp cần chú ý trong giai đoạn này. Thứ nhất, đây là thời điểm doanh nghiệp cần nghĩ ra thêm những phương pháp marketing cộng hưởng bên cạnh các phương pháp truyền thống, để san sẻ rủi ro, chi phí và các tập khách hàng khác nhau. Thứ hai, Covid-19 là dịp để doanh nghiệp “cắt gọt” những điểm chưa phù hợp,”bồi bổ” những thế mạnh để phát triển mạnh mẽ hơn nữa khi khủng hoảng qua đi. Thứ ba, văn hóa và truyền thông là vấn đề doanh nghiệp cần lưu tâm, nhà lãnh đạo cần minh bạch với đội ngũ về thể trạng và định hướng của công ty, xây dựng tinh thần đồng lòng, gắn bó trong nhân viên để cùng đưa công ty đi lên.
“Trong covid, không có bất kỳ công thức thành công nào cho doanh nghiệp mà cần linh hoạt cũng như áp dụng tất cả các thế mạnh đang có để phát triển doanh nghiệp”, ông Cris D. Trần nói.
Hoàng Anh
Theo Trí Thức Trẻ