Phụ nữ làm lãnh đạo đã khó, làm lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ lại khó gấp bội. Hai diễn giả là giáo sư Jenny Đặng (Đặng Mỹ Châu), CEO Topica Phillipines và Đoàn Kiều My, founder của YellowBlocks đã chia sẻ những câu chuyện rất thật về các khó khăn trong quá trình trở thành lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ.
Tại diễn đàn Hanoi Innovation Summit được tổ chức tại Hà Nội đầu tuần trước, mặc dù đã là phiên thảo luận cuối cùng của sự kiện và là phiên thảo luận duy nhất trong diễn đàn các diễn giả đều là người Việt, tuy nhiên chủ đề về “Người phụ nữ làm lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đa số người tham dự.
Mặc dù lĩnh vực công nghệ đang phát triển rất mạnh dưới sự tác động của nền công nghiệp 4.0 song thống kê trong năm 2018 chỉ có 20% lãnh đạo tại các công ty công nghệ là nữ giới. Tại Facebook và Google, hai ông lớn ngành công nghệ, các nhân viên trong lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo chỉ có 15% và 10% là nữ giới. Vậy tại sao số lượng nữ giới làm việc trong lĩnh vực công nghệ lại thấp như vậy, họ đang phải đối mặt với những thách thức gì khi lựa chọn nghề nghiệp mà nam giới đang chi phối.
Tiến sỹ Đặng Mỹ Châu – Giám đốc điều hành Topica khu vực
Tiến sĩ Đặng Mỹ Châu, Giám đốc điều hành của TOPICA khu vực Singapore – Philippines và Thái Lan, hiện đang lãnh đạo và quản lý tất cả các hoạt động quan hệ đối tác quốc tế của Topica từ năm 2015 đến nay. Bà Châu làm Giám đốc Học thuật của Trung tâm Hợp tác Quốc tế, Đại học Ngân hàng TP.HCM từ tháng 3 năm 2007 đến tháng 11 năm 2008 và là Trưởng phòng Chương trình Học tập Quốc tế của Đại học Quốc tế TP.HCM từ 2008 đến 2009. Trước đó, bà làm giảng viên của trường trường đại học Ngân hàng và đại học Tôn Đức Thắng.
Tiến sĩ Đặng Mỹ Châu đã tham gia sâu vào các hoạt động ươm tạo ảo, với tư cách là đồng giám đốc của Viện sáng lập Topica Thành phố Hồ Chí Minh, đồng tổ chức của Mobile Monday (được hỗ trợ bởi chương trình ươm tạo ảo của World Bank), đã đào tạo hàng chục nhà quản lý và các quan chức chính phủ về các khóa học quản lý vườn ươm.
Bà đã gắn bó với lĩnh vực công nghệ được 10 năm và tự nhận mình khá lớn tuổi so với các bạn đồng nghiệp. 10 năm trước, khi ở độ tuổi 37, một độ tuổi có thể coi là “sức ỳ lớn”, trong một lần đọc về quảng cáo tìm kiếm trưởng đại diện cho Topica Việt Nam, bà Châu đã suy nghĩ và quyết định “mình cần phải thay đổi, mình không thể ở lì ở đây mãi được”. Đơn xin việc đã được gửi đi và người phỏng vấn là một người rất trẻ.
“Khi tôi gặp sếp, tôi đã nghĩ là đây chỉ là sinh viên chứ không giống những ông sếp to như mình tưởng tượng, nhưng cuối cùng cậu ấy đã hướng dẫn tôi rất nhiều và mình học hỏi được rất nhiều từ một vị lãnh đạo trẻ tuổi”, bà Châu chia sẻ.
“Trong suốt thời gian làm việc ở trường đại học, tôi chỉ làm việc theo thói quen. Khi vượt khỏi bức tường đó, tôi đã phải thích nghi và học được rất nhiều. Tôi là người cao tuổi thứ 2 trong công ty, sau một nam giới. Tôi không có kinh nghiệm gì về startup hay e-learning. Trước đây môi trường khởi nghiệp không phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Chúng tôi đã phải học về telesale, tổ chức rất nhiều các sự kiện và đến các trường để phổ biến về e-learning. Nhưng có rất nhiều cánh cửa đã đóng lại trước mặt chúng tôi khi một số trường cho rằng học trực tiếp trên lớp còn không ăn thua nữa là học qua mạng, và chúng tôi đã phải vượt qua rất nhiều trở ngại để mọi người có thể hiểu và chấp nhận khái niệm học trực tuyến”, bà Châu chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp.
Trong quá trình làm việc, tuần nào bà Châu cũng phải đi công tác Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng. Năm 2014, bà Châu sang Phillipines để thiết lập các mối quan hệ đối tác và tạo cơ sở của Topica ở đó. “Những đồng nghiệp xung quanh hỏi tôi đã li dị chưa, vì tôi đi suốt ngày, tuần nào tôi cũng đi công tác. Nhưng tôi nói với họ tôi mới có 1 chồng duy nhất và hiện chúng tôi vẫn hạnh phúc, tôi phải để ảnh chồng trên Facebook để họ đỡ phải nghĩ tôi đã li dị hay chưa”, bà Châu bật cười khi nhắc về những kỉ niệm khi lãnh đạo một tổ chức mới, ở một đất nước xa lạ.
“Khi học master ở Bangkok, trong một lần đưa chồng con sang chơi, một số bạn bè trong trường đã nói với chồng tôi rằng: “Sao anh để vợ sang đây học một mình, có phải giống để xe ở bờ hồ không khóa không. Có phải anh sang đây để dừng việc học của chị ấy lại không. Tôi đã phải nói với các bạn rằng sao lại hỏi chồng tôi như thế. Và họ nghĩ rằng phụ nữ ở Việt Nam chỉ có việc ở nhà chăm chồng chăm con”, CEO Topica Phillipines chia sẻ.
Tiến sĩ Đặng Mỹ Châu muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, hãy không ngừng học hỏi và thích nghi, đọc thật nhiều và biến nó thành hành động. “Tôi muốn chia sẻ với các chị em, hãy rời khỏi căn bếp và khẳng định bản thân mình. Chúng ta có thể vẫn sống hạnh phúc mà vẫn có thể đóng góp được cho xã hội”.
Đoàn Kiều My – Founder YellowBlock
Đoàn Kiều My – founder của YellowBlocks
Đoàn Kiều My (Kimiko) là một doanh nhân, MC và là cố vấn chiến lược chuyên về các công nghệ mới nổi (AI, Blockchain, Cloud và Data). Năm 2018, Kimiko thành lập YellowBlocks, một nền tảng xây dựng hệ sinh thái dựa trên công nghệ kết nối Việt Nam với thế giới.
Trong vòng 6 tháng, YellowBlocks đã thiết lập quan hệ với hơn 60 đối tác toàn cầu và địa phương và mở rộng phạm vi tiếp cận tới gần 100.000 diễn giả công nghệ. Trước đó, Kimiko phụ trách mảng Marketing và Quan hệ đối tác tại AIM Academy, đại diện độc quyền của Việt Nam cho Cannes Lions và Spike Asia. Cô cũng đã tư vấn cho nhiều chiến dịch tiếp thị trị giá hàng triệu đô la.
Kimiko tốt nghiệp Đại học Công nghệ Helsinki (Phần Lan) về Viễn thông khi đang là thành viên của MENSA UK và mạng tin tặc. Cô cũng có bằng MBA tại Đại học Gloucestershire (Anh).
Chia sẻ tại Hanoi Innovation Summit, Kimiko chia sẻ, cô đã ra nước ngoài học từ năm 16 tuổi nhờ học bổng của Nokia. 10 năm trước, sau khi học xong, Kimiko quay về Việt Nam và gặp cú sốc về văn hóa công ty khi làm trợ lý cho một giám đốc công ty công nghệ cỡ lớn tại Việt Nam. “Ngày đầu đi làm họ đã hỏi tôi, em không chỉ xinh mà còn giỏi nữa nhỉ, tôi đã nghĩ rằng xinh và giỏi đâu có liên quan gì đến nhau. Tôi đã cố chứng minh bằng cách đưa ra nhiều ý tưởng nhưng sau đó một ngày, sếp của tôi nói với tôi rằng mặc dù ông ấy muốn cho tôi một cơ hội thăng tiến nhưng những lãnh đạo cấp cao khác trong công ty sẽ không đồng ý”.
“Tôi đã đi học MBA và chuyển sang ngành marketing và truyền thông. Nhưng tôi đã quay lại ngành công nghệ vào 3 năm trước, tôi muốn tạo ra sự kết nối giữa lĩnh vực công nghệ và marketing. Tôi là người làm game và thích lập trình, đó là sự khác biệt.
Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi “Bạn đã có gia đình chưa”. Tại sao nam giới không bao giờ bị hỏi nhưng câu như vậy trong khi phụ nữ luôn bị hỏi rằng có thời gian chăm sóc con cái và gia đình hay không. Sau này tôi đã nói với họ, ai cũng có gia đình, tôi có một cô con gái và tôi là single mum. Tôi vẫn chăm sóc con tôi tốt mà không cần giúp việc. Và họ đã ồ lên “làm thế nào chị có thể làm được như vậy”.
‘Tôi không buồn khi họ hỏi như vậy nữa. Bạn sẽ phải tự làm chủ cuộc đời mình, vấn đề là mình có tự hào về bản thân mình hay không”, Kimiko đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ.
Theo Châu Cao
Trí thức trẻ