Startup Drybar do Alli Webb sáng lập nên với triết lý hết sức đơn giản – “Không cắt. Không nhuộm. Drybar chỉ làm dịch vụ tiện ích: gội, sấy và tạo kiểu, trong vòng 40 phút” – nhưng đã trở thành hiện tượng trong cộng đồng các bà, các mẹ, những người luôn muốn có vài phút thư giãn trong tuần đầy mệt mỏi.
Alli Webb, 37 tuổi, nhà sáng lập startup, đã từng làm nên doanh nghiệp 20 triệu USD từ dịch vụ đến tận nhà trên chiếc xe Nissan Xterra đời 2001 lái vòng quanh Los Angeles cách đây 8 năm. Cô chưa từng có ý tưởng về tiệm làm đầu. Thế nhưng, ý tưởng đã nảy sinh khi cô rời bỏ sự nghiệp ở New York để ở nhà chăm sóc 2 đứa con.
Chuyện nhà cửa nhiều lúc khiến cô phát điên và chỉ mong có chút thời gian tránh xa chuyện tất bật của bà nội trợ và kiếm thêm được ít tiền.
Khi quá bận để kiếm thêm khách hàng mới, cô mơ hồ nảy ra ý tưởng từ phong cách làm đẹp của thế hệ ông bà mình: họ đến tiệm tóc mỗi tuần để tạo kiểu cho cả tuần đó.
Khi kể ý tưởng cho anh họ Michael Landau và chồng cô Cameron Webb, họ hoài nghi kế hoạch này. Anh họ cho rằng cô quá tự tin khi cho rằng đây là dịch vụ mà phụ nữ muốn, cần và rất thích. Nam giới chẳng thể hiểu nổi phụ nữ sao không thể tự sấy mà lại tốn tiền ra tiệm cho hoạt động đơn giản như vậy.
Nhưng Webb, một phụ nữ bận rộn, hiểu được kiểu tóc nhìn qua thì đơn giản nhưng thực tế lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo tay, điều rất khó thực hiện ở nhà. Chuyên gia làm đầu sẽ chia tóc thành từng phần, sử dụng máy sấy nhiệt độ cao, lược tròn loại lớn cùng lực tay đủ mạnh để chế ngự mái tóc vào lề, vào nếp.
Những tuần đầu tiên trôi qua khiến người anh họ Landau thay đổi suy nghĩ. Ban đầu, họ ước tính phải có 20-30 khách đến sấy mỗi ngày thì mới có thể duy trì được tiệm. Nhưng nhu cầu thực tế cao hơn rất nhiều. Hóa ra, những ngày chỉ có 20-30 khách lại là “ế ẩm” nhất.

Trong vài tuần, công ty quá tải, thiếu người và có nguy cơ không thể kiểm soát được mối kinh doanh. Họ lên kế hoạch trả lời điện thoại ở quầy tiếp tân. Nhưng tiếng sấy tóc lấn át tiếng gọi điện khiến họ bỏ lỡ hàng chục cuộc gọi. Họ phải chuyển sang hệ thống VoIP và thuê nhân viên ở một phòng riêng, rồi liên lạc lập tức với salon yêu cầu thực hiện đơn hàng. Nay thì họ có thêm dịch vụ đặt và trả tiền trực tuyến.
Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, dịch vụ ngày càng mở rộng và phát triển. Khi Drybar bắt đầu mở rộng quy mô, anh họ của Webb lo sợ, cho rằng chỉ phụ nữ Brentwood mới quá rảnh, thừa tiền và thích làm đỏm mới chịu bỏ tiền cho dịch vụ đơn giản như vậy. Hóa ra anh nhầm, đó là hiện tượng phổ quát và phụ nữ ở khắp nơi đều muốn sử dụng dịch vụ thư giãn, sấy gội như vậy.

Chuỗi Drybar do Alli Webb sáng lập đều có tính nhất quán với một đĩa bánh, một bình nước hương vị dễ chịu ở quầy lễ tân, ánh sáng dịu dàng ấm áp, đồ nội thất và thiết kế theo tông trắng, vàng, và xám đen. Khách hàng ngồi đối mặt với quầy chữ U hoặc thanh đơn thẳng, quay lưng vào gương vì không có phụ nữ nào muốn nhìn thấy bản thân cho đến khi thực sự chỉn chu. Họ có thể nghe nhạc hoặc xem phim có phụ đề.
Hành trình trải nghiệm tiệm Drybar như một điệu nhảy vậy. Đến quầy, chọn kiểu tóc, chọn đồ uống. Sau đó, bạn được đưa đến phòng vệ sinh yên tĩnh ở phía sau để gội đầu và được hỏi cặn kẽ có dị ứng nào không. Tiếp đến, các chuyên gia sẽ sấy tạo kiểu một cách cẩn thận. Khi tưởng như đã hoàn thành, họ sẽ hỏi “Bạn đã sẵn sàng?” và rồi họ điều chỉnh một chút, uốn thêm, xịt thêm và giờ họ hỏi người đứng kế bên “Cô ấy trông đã phong cách chưa?”
Tất cả tiện ích đó được gói gọn trong số tiền phải chăng ở Mỹ (nhưng có thể không “phải chăng” với mức sống ở Việt Nam): 40-45 USD cho 45 phút thư giãn và hài lòng.

Nhờ những giá trị độc đáo đó, Drybar đang trên đà thu về 100 triệu USD mỗi năm từ 67 salon ở Mỹ và Canada, tăng từ 70 triệu USD năm 2015 và 20 triệu USD năm 2012.
Khi được hỏi về sự cạnh tranh bởi tính đơn giản, dễ gia nhập thị trường, Landau cho hay: Starbucks vẫn luôn là Starbucks, bất kể có thêm bao nhiều quán cà phê được mở.