Chiến lược giúp Grab ‘xuất ngoại’ thành công tại Đông Nam Á

0
537

Kể từ khi ra mắt thị trường Đông Nam Á vào tháng 6/2012, Grab duy trì mục tiêu là giải quyết những khó khăn, thách thức trong cuộc sống thường ngày của khách hàng. Với tôn chỉ này, ứng dụng mở rộng từ gọi xe sang đặt thức ăn, giao hàng, đặt phòng khách sạn, đặt vé, xem video, thanh toán, dịch vụ tài… Doanh nghiệp cũng liên tục được gọi tên trong các danh sách “siêu kỳ lân” thành công nhất Đông Nam Á, với giá trị vốn hóa đến 14 tỷ USD theo đánh giá của CB Insights.

Cùng với việc phát triển nền tảng đa dịch vụ, doanh nghiệp đồng thời mở rộng lãnh thổ hoạt động. Từ một nhà kho nhỏ tại Kuala Lumpur tại Malaysia, đến nay hãng hiện diện tại 339 thành phố thuộc 8 quốc gia Đông Nam Á, khu vực có tổng dân số lên đến 650 triệu người.

Dưới đây là những yếu tố cốt lõi giúp Grab thâm nhập thành công khu vực Đông Nam Á.

Thấu hiểu thị trường bản địa

Chủ tịch Ming Maa của Grab từng nói về dịch vụ di chuyển của hãng: “Bất kể thứ gì có bánh xe, tôi muốn thấy nó trên nền tảng”.

Câu nói thể hiện quyết tâm sẵn sàng đưa ra từng sản phẩm đặc biệt cho từng thị trường riêng lẻ. Đến nay, người dùng tại một số quốc gia đã có thể thông qua ứng dụng Grab để đặt xe taxi, xe ô tô, xe máy, xe bus, shuttle, tuk tuk, e-scooter, xe đạp…

Theo quan điểm của những người lãnh đạo Grab, chỉ khi doanh nghiệp thấu hiểu thị trường bản địa để mạnh dạn tiếp cận với sản phẩm khác biệt, thành công mới tìm đến. “Bước đầu tiên để chiếm cảm tình của khách hàng ở thị trường mới chính là thấu hiểu được họ đang cần gì và đáp ứng đúng điều đó”, ông Theo Vassilakis, Giám đốc Công nghệ (CTO) của Grab từng nói.

GrabBike - sản phẩm xe ôm công nghệ mang đến thành công cho Grab tại thị trường Việt Nam và Indonesia.

GrabBike – sản phẩm “xe ôm” công nghệ mang đến thành công cho Grab tại thị trường Việt Nam và Indonesia.

Mới đây, tại buổi đào tạo top 40 startup xuất sắc Startup Việt 2019 – sân chơi khởi nghiệp do báo VnExpress tổ chức cuối tháng 9 tại TP HCM, ông Nguyễn Tuấn Anh – Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam và là một trong những nhân sự thời kỳ đầu của Grab tại thị trường Việt Nam cũng nêu GrabBike làm ví dụ về chiến lược thấu hiểu bản địa của doanh nghiệp.

Ông Tuấn Anh cho biết, ngay sau khi vào thị trường Việt Nam vào năm 2014, đội ngũ lãnh đạo Grab lúc đó dù còn non trẻ nhưng đã quyết định “đánh cược” với dịch vụ xe ôm công nghệ. Theo đánh giá của Grab, tại Việt Nam, xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân. Tài xế “xe ôm” còn có lợi thế lớn là thông thuộc đường sá và có thể đưa đón khách hàng đến tận cửa nhà hay vào các ngõ hẻm.

“Chúng tôi bàn luận và lập tức điều chỉnh mô hình đặt xe taxi để phù hợp với xe ôm công nghệ. GrabBike ra đời trong thời gian chưa đến một tháng”, ông Tuấn Anh cho biết.

Thành công của GrabBike trở thành đòn bẩy để “ông lớn” mảng gọi xe tăng nhanh số lượng đối tác tài xế. Đến nay, Grab đang có hàng trăm ngàn đối tác, đây là nền tảng để hãng nhanh chóng mở rộng và giành thị phần lĩnh vực giao thức ăn, giao hàng…, trở thành siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu Việt Nam.

Đáp ứng đúng nhu cầu người dùng

Nếu sự đa dạng trong dịch vụ giúp Grab tiếp cận khách hàng thì thứ khiến họ giành lợi thế so với đối thủ chính là sự linh hoạt trong việc tùy chỉnh, cải tiến các tính năng của sản phẩm theo đúng nhu cầu thực tế của người dùng. Việc cải tiến dịch vụ không đến từ nhận định chủ quan của nhân sự nào, mà xuất phát từ bảy trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D với hơn 2.000 kỹ sư và lập trình viên khắp thế giới. Một trong số đó đang đặt tại TP HCM.

Đơn cử, tính năng GrabNow ra đời tại Việt Nam hay Indonesia nhằm giúp khách hàng đặt xe trực tiếp và ngay lập tức với đối tác tài xế GrabBike gần nhất hoặc phù hợp với mình nhất. Khách hàng và tài xế sẽ thực hiện lệnh đặt xe qua ứng dụng bằng một mã PIN 6 chữ số được tạo từ ứng dụng Grab của tài xế.

Việc cho thanh toán bằng tiền mặt tại thị trường Đông Nam Á cũng là giải pháp để “ông lớn” mảng gọi xe thu hút được một lượng người dùng đông đảo.Tại Việt Nam, trở lại thời điểm năm 2014, đối thủ chính của Grab lúc đó chỉ có lựa chọn thanh toán bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Grab “nhanh chân” hơn khi có thêm lựa chọn phương thức thanh toán tiền mặt, tạo ra sự thuận tiện cho cả các tài xế lẫn hành khách.

Giám đốc Grab Financial Group Việt Nam trực tiếp gặp gỡ các đội thi của Startup Việt.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (phải) chia sẻ chiến lược giúp startup mở rộng thị trường. Ảnh:Thành Nguyễn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, mục tiêu của Grab là trở thành một siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu, do đó việc hiểu đúng nhu cầu của người dùng trong cuộc sống hàng ngày là rất quan trọng. Sau di chuyển, startup hướng đến giao hàng, ăn uống…

GrabExpress hiện là một trong những dịch vụ đặt giao nhận hàng hóa theo yêu cầu có mạng lưới rộng nhất cả nước. GrabFood cũng đang dẫn đầu thị trường chỉ sau một năm hoạt động. Tháng 9/2018, doanh nghiệp hợp tác với Moca triển khai ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab để đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt. Sau một năm triển khai, Moca cũng đang là một trong những ví điện tử dẫn đầu thị trường thanh toán di động.

Đại diện từ Grab Việt Nam khẳng định, tạo ra cuộc sống tiết kiệm hơn, thông minh hơn và an toàn hơn luôn là tầm nhìn của Grab khi đặt chân vào bất kỳ thị trường nào.

“Dù là 3, 5 hay 10 năm tới, chúng tôi vẫn sẽ giữ vững tầm nhìn này để phục vụ mọi người ngày một tốt hơn”, đại diện Grab Việt Nam nói.

Bảo An

Chiến lược giúp Grab xuất ngoại thành công tại Đông Nam Á - 2
Chiến lược giúp Grab ‘xuất ngoại’ thành công tại Đông Nam Á
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here