Con đường khởi nghiệp thành công của chàng trai gốc Việt

0
786

Năm 1978, anh David Chiem cùng bố mẹ và hai chị gái rời Rạch Giá, Việt Nam đến Australia. Hầu như không còn của cải gì mang theo, bố mẹ anh tìm việc làm công nhân trong nhà máy còn cậu con trai 9 tuổi vào học một trường ở ngoại ô Sydney.

“Tôi không nói được một từ tiếng Anh nào, dù là hello”, anh kể. “Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên vào lớp. Khi cô giáo hỏi, tôi ngơ ngác vì không hiểu gì và chẳng biết trả lời sao. Lúc ấy, có một bạn gái trong lớp tiến tới chỗ tôi và nói bằng tiếng Việt: ‘Cô giáo hỏi cậu tên là gì đó. Đồ ngốc!’. Tôi đã rất sốc”.

Theo Straitstimes, từ giây phút đó, David Chiem đã quyết tâm học thật giỏi để không ai gọi mình như thế nữa. Năm học đó, anh đứng đầu lớp.

Vài năm sau, anh trở thành học sinh đầu tiên của trường giành được giải thưởng về tiếng Anh, toán và nghệ thuật trong hệ thống trung học khu vực.

David Chiem (mặc áo xám ngồi giữa) khi đóng vai chính trong phim truyền hình Australia. Ảnh: Straitstimes.

David Chiem (mặc áo xám ngồi giữa) khi đóng vai chính trong phim truyền hình Australia. Ảnh: Straitstimes.

Là gia đình coi trọng sự giáo dục, bố mẹ Chiem đã động viên và tạo điều kiện cho con cố gắng học tập. “Cha mẹ tôi luôn nói rằng có một thứ không ai có thể cướp được của mình, đó là học thức”, anh kể lại.

Bố mẹ Chiem định hướng cho anh theo đuổi ngành y nhưng khi anh 13 tuổi, một sự việc xảy ra đã làm thay đổi hoàn toàn quỹ đạo dự định đó.

Một lần, chị gái Chiem nghe đài phát thanh Australia thông báo đang tìm một cậu bé châu Á, có khả năng bơi lội, tầm 13-14 tuổi, làm diễn viên cho một bộ phim truyền hình dài tập.

Người chị nói đùa rằng Chiem đến dự tuyển biết đâu trúng. Đêm đó, khi đi ngủ, Chiem nghĩ về cơ hội này và trong đầu anh tự hỏi – tại sao không?

Cuối cùng, đánh bại cả ngàn đối thủ, Chiem đã được chọn làm diễn viên chính trong phim Butterfly Island và xuất hiện trên màn hình TV khắp thế giới.

Cậu bé vào vai một người tị nạn bước vào cuộc sống của một gia đình đang chật vật điều hành một khu nghỉ dưỡng trên đảo. Cũng nhờ khoản thù lao đóng phim này, Chiem giúp bố mẹ mở được một sạp vải nhỏ và sau đó phát triển lên thành vài cửa hàng lớn.

Sau lần đóng phim, được truyền cảm hứng từ sức mạnh của nghệ thuật điện ảnh, anh đã viết kịch bản cho một số chương trình khác. Rồi anh chia sẻ với bố mẹ rằng mình sẽ không trở thành bác sĩ mà chọn nghiên cứu về làm phim và diễn xuất.

Tôi biết ơn bố mẹ vì đã luôn tạo cơ hội để tôi được theo đuổi giấc mơ của mình“, Chiem chia sẻ.

David Chiem và các học sinh trường MindChamps. Ảnh: The Sundaytimes.

David Chiem và các học sinh trường MindChamps. Ảnh: The Sundaytimes.

Theo News, trong những ngày đầu học tại trường phát thanh và truyền hình, điện ảnh Australia, Chiem đã gây bất ngờ khi đứng trước trường nói với các sinh viên mới rằng trong khi hàng triệu người có tài năng, chỉ việc nỗ lực học hỏi, nghiên cứu mới giúp họ thực sự toả sáng.

Và anh cho rằng quy tắc này cũng áp dụng cho giáo dục. Anh tâm đắc với ý tưởng rằng có một phương pháp khác để giáo dục bên cạnh mô hình học vẹt và bắt chước, đó là giúp học sinh hiểu về nghệ thuật và các kỹ năng của việc làm thế nào để học và tập trung tâm trí.

Mặc dù bản thân học tốt ở trường, tôi luôn tò mò tự hỏi tại sao rất nhiều sinh viên không thích học và học không tốt – đó không phải vì họ kém thông minh mà bởi việc học không thu hút tâm trí họ“, anh nói.

Năm 1998, Chiem thành lập MindChamps ở Sydney – một tổ chức giáo dục sớm về học tập đột phá dựa trên các chiến lược xây dựng từ các nghiên cứu về khoa học thần kinh, tâm lý, giáo dục và sân khấu.

Năm 2002, anh đưa MindChamps tới Singapore vì cho rằng đây là nơi giao thoa giữa phương Đông với phương tây và có tiêu chuẩn giáo dục cao. Từ đó tới nay, MindChamps luôn là hệ thống giáo dục mầm non hàng đầu ở Singapore.

Hiện tại, MindChamps phát triển thành công ty trị giá 18,7 triệu đôla, có 11 trung tâm giáo dục ở bang New South Wales và dự định mở rộng hoạt động tại tất cả các bang ở Australia thông qua mô hình mua lại và nhượng quyền kết hợp.

Chiem cũng đã viết 7 cuốn sách và được công nhận là Doanh nhân tiêu biểu tại Giải thưởng các doanh nhân châu Á Thái Bình Dương năm 2010.

Theo VnExpress
Bạn đang đọc bài viết Con đường khởi nghiệp thành công của chàng trai gốc Việt tại chuyên mục Khởi nghiệp của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,
Con đường khởi nghiệp thành công của chàng trai gốc Việt
5 (100%) 1 vote

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here