Doanh nhân 7X tự vỡ đất trồng chè trên đỉnh núi Cao Bằng
Chè là một mặt hàng xuất khẩu thế mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, có những vùng đất có điều kiện thuận lợi phát triển cho giống cây này như Phja Đén chưa được phát hiện và tận dụng. Khám phá ra tiềm năng của vùng đất, doanh nhân Mạnh Ngọc cùng bà con Cao Bằng đã thực hiện canh tác chè, cho ra sản phẩm có hương vị riêng biệt.
– Cơ duyên nào giúp ông tìm ra mảnh đất Phja Đén này?
– Trước đây tôi làm cho đơn vị thi công tuyến đường qua Phja Oắc, Phja Đén. Qua quá trình thi công, tôi đã phát hiện ra vùng đất này.
Năm 2001, sau khi thí nghiệm với đất, khảo sát độ ẩm không khí và một số điều kiện khác, tôi thành lập công ty Kolia, triển khai dự án trồng chè hữu cơ tại Phja Đén.
Doanh nhân 7x (áo trắng) trong ngày đầu lên trồng chè tại Phja Đén. |
– Tại sao ông lại có ý định trồng chè tại đây?
– Trước khi tôi triển khai, đã có một đề tài khoa học của viện Khoa học Nông nghiệp miền núi phía Bắc. Trong đó, các giống chè được đưa lên thử nghiệm trên Phja Oắc, sản phẩm cho hương vị rất tốt. Bởi vậy, công ty đã kế thừa đề tài đó.
Đồng thời, một số người bạn Đài Loan đã đưa tôi đến thăm vùng núi Ali Shan với những đồi chè nổi tiếng tại xứ sở này. Qua các chuyến khảo sát, tôi thấy mảnh đất này có sự tương đồng với Phja Oắc, Phja Đén, vùng tiểu khí hậu Á nhiệt đới duy nhất tại Cao Bằng và việt Nam.
Đặc thù kiểu khí hậu này là biên độ nhiệt chênh lệch ngày đêm rất lớn, tạo điều kiện lý tưởng để tạo ra những loại chè núi cao ngon, trồng cây dược liệu hay các loại rau ôn đới.
Bên cạnh đó, độ pH ở đây, trong khoảng 4,5-5,5, thích hợp cho cây chè. Các cây chỉ thị cho cây là sim, mua ở đây rất nhiều, cũng là điều kiện để công ty bắt đầu triển khai trồng chè. Bởi vậy, tôi đã nghĩ đến việc áp dụng mô hình Ali Shan để canh tác với mong muốn tạo được hương vị núi cao riêng biệt.
Hiện tại, Kolia đã phát triển được vùng đồi 20 ha, kết hợp với trồng trong dân khoảng 30 ha, tổng là 50ha. Những cây chè 6 năm tuổi đã khép tán và phát triển rất tốt, sản phẩm bước đầu nhận được sự công nhận từ thị trường nước ngoài.
Đồi chè Kolia trên núi Phja Đén. Ảnh: Bizmedia |
– Những ngày đầu, ông gặp khó khăn gì?
– Vùng đất 30 ha này trước đây là đất trống, đồi trọc chưa từng có sự tác động của con người nên phải vỡ hoang rất vất vả. Nguồn nước không có sẵn mà phải đẩy 7 km về. Ngoài ra, tôi phải tự thi công đường và kéo một đường dây 3 pha lên để phục vụ điện.
Tuy nhiên, nhờ kết quả từ dụ án của Viện chè, tôi nhận được sự giúp đỡ lớn từ bà con. Dân bản cũng chuyển từ ngô, cây màu sang trồng chè để có thu nhập cao hơn.
Thời điểm chúng tôi bắt đầu là mùa đông, thời tiết tương đối lạnh, có băng tuyết. Nhiều đêm phải đốt lửa để chuẩn bị đất trồng chè trong mùa đông, xuân sang đúng theo quy trình.
Mặc dù vậy, mùa đông càng lạnh thì chè mùa xuân càng ngon, vì nhiệt độ thấp giúp cây tích lũy sinh trưởng chất lại. Quá trình tích lũy này càng kéo dài thì sản phẩm thu hoạch có chất lượng càng tốt.
– Tại sao ông lại chọn trồng chè hữu cơ?
– Trước nhất là vì đất ở đây rất sạch, chưa canh tác nên không có sự tác động của con người hay phân bón vô cơ. Thứ hai là kông khí núi cao rất tốt. Thứ ba, nguồn nước từ trên núi chảy xuống rất tinh khiết
Bên cạnh đó, quan trọng nhất với sản xuất hữu cơ là vùng đệm cách ly. Ở đây diện tích rừng cách ly rất đảm bảo. Khi cấp chứng nhận hữu cơ cho một sản phẩm, các tổ chức nước ngoài phải kiểm tra, thí nghiệm rất kỹ về đất, thực địa, nguồn nước trong vùng.
Yếu tố quan trọng khác là nguồn phân hữu cơ. Ban đầu, nguồn phân không ổn định do công ty phải đi gom từng kg từ những làng bản xa xôi nằm quanh khu vực núi Phja Đén.
Sau khi đi qua nhiều nơi, tôi nảy ra sáng kiến là áp dụng làm những mô hình chăn nuôi: bò, gà, lợn trong hàng rào công ty để tự chủ. Ngoài ra, Kolia còn thu gom đặc sản của vùng Phja Đén là miến dong và bã miến dong để trộn cùng phân chuồng, chế phẩm sinh học và men ủ. Hỗn hợp này tạo thành phân bón cho cây chè, là nguồn cải tạo, bồi bổ đất rất tốt.
Cũng nhờ nguồn phân này mà hệ sinh thái ở quanh gốc chè tái sinh hiệu quả hơn.
– Hệ sinh thái tốt giúp ích thế nào cho cây chè?
– Khi hệ sinh thái đã tốt rồi, côn trùng xuất hiện nhiều và tự cân bằng. Lúc này, con người hầu như không cần tác động thuốc trừ sâu hay biện pháp bảo vệ thực vật nào. Ví dụ như đến mùa có rầy cắn búp chè, khi rầy cắn chè đến một mức độ nào đấy, loài bọ cánh cứng là thiên địch của rầy tự xuất hiện để tiêu diệt rầy, đó là sự tự cân bằng sinh thái.
Đối với những búp đã bị rầy cắn, chúng tôi sử dụng để làm ra chè Đông phương Mỹ nhân. Sản phẩm đem lại hương vị đặc biệt mà không thể sản xuất búp chè khỏe mạnh.
– Ông dự định phát triển chè Kolia như thế nào?
Các sư phụ có nói một câu mà tôi không bao giờ quên: “Nếu anh muốn làm trà, thứ nhất phải có tâm, thứ hai phải quên đi cái lợi nhuận trước mắt, làm được chè thật tốt trước tự nhiên kết quả sẽ đến”.
Năm qua, tôi cũng đã chứng kiến nhiều câu chuyện buồn của các bạn làm chè. Bởi vậy, tôi mong muốn nâng cao chất lượng và thương hiệu chè trong nước và trên trường quốc tế.
Về dự định với Kolia, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, thực hiện nghiêm túc để phát triển vùng chè hữu cơ chất lượng tốt, đáp ứng được mong muốn của khách hàng trong và ngoài nước.
Hương Giang