Đổi mới sáng tạo là chìa khóa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

0
773

“Tỷ lệ thất bại khi một ý tưởng mới được áp dụng vào doanh nghiệp là 90%”, đó là nhận định của ông Phạm Duy Hiếu – Phó chủ tịch Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), tổng giám đốc ABBank tại tọa đàm “Đổi mới sáng tạo: Lợi thế cạnh tranh mới của Doanh nghiệp” sáng ngày 29/11.

Chương trình giao lưu mở thu hút gần 200 khách mời là chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), nhà khởi nghiệp tham gia. Tại đây, các đại diện cùng thảo luận nhằm tìm kiếm lối đi về đổi mới sáng tạo cho các SMEs hay startup. Đồng thời, những câu chuyện xoay quanh tiềm năng con người, cách thức kích hoạt khả năng sáng tạo và xây dựng một cộng đồng đổi mới, đột phá cũng được chia sẻ từ thực tiễn vận hành doanh nghiệp của các chuyên gia.

Thời đại của “cá nhanh nuốt cá chậm”

Dẫn nhập bài phát biểu bằng câu hỏi:”Chúng ta đang ở đâu?”, ông Phạm Duy Hiếu khẳng định, trong thời đại 4.0 – kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nào biết khai phá tiềm năng con người, doanh nghiệp đó có lợi thế để dẫn đầu.

Lấy ví dụ từ môi trường làm việc lý tưởng của những “gã khổng lồ” như Google, Apple… khi ứng dụng tâm lý học hành vi để kích thích sự vui vẻ, sáng tạo của nhân viên, phó chủ tịch SVF kết luận: “Đổi mới sáng tạo không phụ thuộc vào năng lực tài chính của doanh nghiệp, hơn hết, đó là yếu tố con người, là việc dẫn dắt, thúc đẩy họ tạo nên ý tưởng”.

ông Phạm Duy Hiếu - Phó chủ tịch Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), tổng giám đốc ABBank
Ông Phạm Duy Hiếu phát biểu tại tọa đàm.

Trong kỷ nguyên công nghệ số, công ty nào biết khai thác tiềm năng con người, ứng dụng sự sáng tạo và công nghệ, sẽ trở thành những “con cá” có tốc độ cực nhanh, được vị chuyên gia hình tượng hóa bằng xu hướng “cá nhanh nuốt cá chậm”. Ông Hiếu khẳng định, tư duy đổi mới sáng tạo chính là cơ hội dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Quy mô nhỏ sẽ trở thành lợi thế của các doanh nghiệp SMEs, bởi sự thay đổi, thích ứng nhanh với biến đổi từ thị trường hơn là các ông lớn vốn có bộ máy cồng kềnh. Điều này sẽ nhanh chóng giúp họ vượt lên và chiếm lĩnh thị phần”.

Theo chuyên gia, các doanh nghiệp SMEs, các công ty khởi nghiệp cũng cần chủ động và sẵn sàng với sự thay đổi, để trở thành “con cá” nhanh, đồng thời học hỏi từ thất bại để trải nghiệm, trưởng thành. “Tỷ lệ thất bại khi một ý tưởng mới được áp dụng vào doanh nghiệp là 90%, có nơi lên tới 99%. Nhưng tỷ lệ thành công của ý tưởng mới lần thứ hai sẽ tăng lên 20%, lần thứ ba là 40%”, ông nói.

Hầu hết khách mời, khán giả tham gia đều là lãnh đạo các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp quan tâm đến đổi mới sáng tạo.
Hầu hết khách mời, khán giả tham gia đều là lãnh đạo các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp quan tâm đến đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp

Nằm trong khuôn khổ sự kiện, buổi tọa đàm và chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thu hút tranh luận sôi nổi. Các chuyên gia hiện là lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, cùng đem đến nhiều câu chuyện từ chính thực tiễn vận hành bộ máy của những người đứng đầu.

Các khách mời đều đồng tình rằng, sáng tạo chính là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp SMEs so với doanh nghiệp lớn. Bởi, doanh nghiệp lớn với bộ máy cồng kềnh, mô hình lâu đời rất khó để thay đổi vì tốn thời gian và chi phí.

Tọa đàm với chủ đề Thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Tọa đàm với chủ đề “Thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp”.

Đề cập đến vai trò của người lãnh đạo, ông Phạm Duy Hiếu chia sẻ: “Sự sáng tạo xuất hiện trong từng thành viên của doanh nghiệp. Vai trò của người lãnh đạo là kích hoạt và tạo nên môi trường nuôi dưỡng sự sáng tạo đó”.

Theo ông, đổi mới sáng tạo có thể đến từ những hành động rất nhỏ, từ thay đổi cách họp, một phương thức bán hàng… Các doanh nghiệp nên “đấu nối” với hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối nguồn lực từ các nhà đầu tư, mentor, quỹ đầu tư…, đồng thời thay đổi tư duy lối mòn sang tư duy mở,

Lấy ví dụ từ ngành ngân hàng, ông cho rằng đổi mới sáng tạo trong ngành này sẽ diễn ra “dữ dội”. Theo đó, sự ứng dụng phổ biến của tiền điện tử, fintech, blockchain đã thay đổi mạnh mẽ ngành ngân hàng toàn thế giới cũng như trên cả nước.

Ông Tuấn Hà – chủ tịch Vinalink nói về đổi mới sáng tạo trong ngành Marketing. Lấy ví dụ từ chính doanh nghiệp mình, chủ tịch Vinalink cho biết đã ứng dụng AI và sức mạnh sáng tạo cộng đồng thông qua các nền tảng mạng xã hội. Vị chuyên gia cũng xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế với hai phương pháp sáng tạo cơ bản là Scamper và TRIZ.

“Hãy làm lạc hậu sản phẩm của bạn ngay lập tức, nếu không đối thủ sẽ làm điều đó thay bạn”, ông chia sẻ.

Ông Đoàn Đức Thuận, Phó tổng giám đốc Owen Fashion (Phu Thai Group) khẳng định: “Sáng tạo ko phải là một ý tưởng, giải pháp mà cần là một tư duy, văn hóa trong doanh nghiệp. Bởi, đó chính là lợi thế cạnh tranh đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ.”

Các chuyên gia và khán giả chụp ảnh lưu niệm kết thúc chương trình.
Các chuyên gia và khán giả chụp ảnh lưu niệm kết thúc chương trình.

Tọa đàm: “Đổi mới sáng tạo: Lợi thế cạnh tranh mới của các doanh nghiệp” được tổ chức bởi Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Startup Vietnam Foundation (SVF), Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và Học viện I.Value.

Startup Vietnam Foundation (SVF) là Quỹ Xã hội hóa và Phi lợi nhuận hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam. Quỹ hỗ trợ những dự án có ý tưởng tốt bằng cách phát triển năng lực lãnh đạo đối với đội ngũ sáng lập, tư vấn công nghệ, kết nối đầu tư, thương mại hóa sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Các chương trình đổi mới sáng tạo cho hệ sinh thái khởi nghiệp của SVF đã tổ chức tại nhiều doanh nghiệp, địa phương, trường đại học, vườn ươm, các không gian làm việc chung…

Phạm Vân

Đổi mới sáng tạo là chìa khóa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here