9X nghỉ việc tại ngân hàng để khởi nghiệp với rau sạch

0
1275

Trần Linh Thùy (SN 1991) đã bỏ ngang công việc là nhân viên ngân hàng ANZ để về quê chồng tại Phước Thuận, Bình Định hiện thực hóa dự định ấp ủ từ lâu, đó là tạo ra việc làm cho bà con nông dân giúp nâng cao đời sống, đồng thời đưa nông sản sạch đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Mô hình rau sạch Chân Nhân được xây dựng theo phương pháp trồng thủy canh, áp dụng công nghệ cao trong tưới tiêu, chăm sóc

Mô hình rau sạch Chân Nhân được xây dựng theo phương pháp trồng thủy canh, áp dụng công nghệ cao trong tưới tiêu, chăm sóc

“Cộng đồng rau sạch Chân Nhân” là dự án cộng đồng, được thực hiện theo mô hình khởi nghiệp “triển khai – đóng hộp – nhân rộng”. Nghĩa là xây dựng mô hình trồng rau sạch công nghệ cao, sau đó, tích lũy lại kỹ năng, kinh nghiệm, hoàn thiện dự án và chia sẻ, nhân rộng mô hình rau sạch ra cộng đồng.

Theo Linh Thùy, khi bắt đầu thực hiện dự án, Cô và cộng sự gặp một số khó khăn do không có sự hỗ trợ về xây dựng nhà kính, kỹ năng trồng, chăm sóc, các nguồn vật tư, hạt giống cho đến khâu thương mại sản phẩm. “Thời điểm bắt đầu thực hiện dự án, mô hình trồng rau thuỷ canh chưa phổ biến nhiều, chúng tôi không được chia sẻ kỹ thuật, kỹ năng, và cần một chi phí tương đối để được chuyển giao công nghệ. Vì thế mất khá nhiều thời gian, nhân lực và vật lực cho những lần tự học lấy kinh nghiệm.” – Linh Thùy chia sẻ và cho biết, đã có lúc Cô và cộng sự cảm thấy nản vì không thể tiếp tục dự án, như thời điểm cuối năm 2017, vừa xây dựng xong nhà giàn, triển khai trồng rau thì bão số 12 đổ vào Bình Định khiến dự án bị ảnh hưởng nặng nề và gần như bị hư hỏng toàn bộ. Nhóm thực hiện dự án với sự ủng hộ của gia đình và những người dân xung quanh lại “lọ mọ” xây dựng lại gần như từ đầu.

Là mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao, ngoài việc theo dõi được các bước phát triển của rau, hạn chế sâu bọ, Linh Thùy và cộng sự còn nghiên cứu cải tiến mô hình trồng rau để giảm chi phí đầu tư xuống chỉ còn bằng 2/3 so với thị trường. Từ đó góp phần giảm giá thành sản phẩm bán ra nhưng vẫn đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu cho người nông dân.

Mô hình mở cửa cho các em thiếu nhi tham quan, trải nghiệm

Mô hình mở cửa cho các em thiếu nhi tham quan, trải nghiệm

Sau khi bước đầu xây dựng mô hình trồng rau thành công, nhóm đã tiếp tục thực hiện kết nối, nhân rộng mô hình. Hiện nay, ngoài Bình Định, mô hình rau sạch Chân Nhân đã lan tỏa đến với 6 tỉnh thành trong cả nước gồm Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên và Bình Dương.

Các mô hình rau sạch Chân Nhân sử dụng chung thương hiệu, nhãn mác, bao bì, slogan, công nghệ sản xuất, thực hiện các tiêu chí chung. Các mô hình trao đổi – chia sẻ – hỗ trợ nhau trong sản xuất, thương mại hóa sản phẩm.

Linh Thùy cho hay, sản phẩm của dự án là các loại rau xanh ngắn ngày (từ 40 – 45 ngày) như cải bó xôi, cải ngọt, cải thìa, xà lách, các loại rau giàu vitamin có nguồn gốc từ Nhật Bản… Hiện những lứa rau đầu tiên đã được đưa ra thị trường với giá dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg và được người tiêu dùng đón nhận. “Dự án nhận được sự ủng hộ của nhiều khách hàng vì không chỉ bởi đây là nơi sản xuất sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn là vì tính nhân văn của dự án. Cùng với đó, so với các mô hình các thì mô hình mới dự án mang lại hiệu quả tốt. Năng suất trung bình theo dự tính ban đầu đều đạt. Chúng tôi bắt đầu hướng dẫn cho các thành viên khác để mở rộng thị trường tại chỗ.” Linh Thùy bộc bạch.

Sắp tới, dự án sẽ tiến hành dán tem QR code để giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cũng như nắm những thông tin cơ bản về loại rau mình tiêu dùng. Song song với đó, dự án sẽ đăng ký tiêu chuẩn VietGap chung cho các thành viên tại cộng đồng rau sau tại Bình Định. Hướng tới tất cả các mô hình rau sạch Chân Nhân trong cả nước đều có chứng nhận VietGap và dán tem truy xuất nguồn gốc.

Linh Thùy bật mí, khi dự án đi vào ổn định, chồng Cô – anh Lê Thanh Hảo (Sn 1976) sẽ nghỉ hẳn công việc hiện tại là Phó Tổng Giám đốc một công ty xây dựng tại Bình Định để về cùng thực hiện dự án cùng vợ. “Tôi may mắn vì có sự đồng hành của gia đình và gặp được những cộng sự có tâm huyết. Chúng tôi chỉ mong muốn sẽ nhân rộng mô hình ra cả nước để những người nông dân làm chủ, họ vẫn làm nghề nông truyền thống, nhưng trong một tâm thế khác – “nông dân 4.0”. Và góp phần để tiêu dùng rau sạch trở thành một thói quen của người dân”. Linh Thùy nói.

9X nghỉ việc tại ngân hàng để khởi nghiệp với rau sạch
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here