Vay vốn ngân hàng để khởi nghiệp, dễ hay khó?

1
2930

Bài viết “chạm” đúng vấn đề được rất nhiều người quan tâm của anh Nguyễn Tuấn Anh đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.

Đầu tiên tôi chia sẻ là khá khó cho các bạn mới khởi nghiệp trong vòng 1 năm. Lý do, báo cáo tài chính phần nhiều chưa có gì, khách hàng ít, và quan trọng hơn là phương án kinh doanh để sinh lợi nhuận và kinh nghiệm vay vốn là yếu.

Trên quan điểm thị trường, vay ngân hàng khó nên mới tồn tại nhiều cửa hàng cầm đồ. Lợi ích của việc vay ngân hàng là lãi suất thấp hơn so với vay tín chấp của các công ty tài chính tiêu dùng và cầm đồ. Sau đây là trải nghiệm vay vốn của bản thân:

ĐỘC LẬP TỰ DO NHƯNG ÁP LỰC KHÔNG NHỎ

Tôi bắt đầu việc kinh doanh riêng của mình với 80 triệu tiền tích lũy được trong quá trình đi làm và người thân ủng hộ. Với xu hướng phát triển nhanh của ứng dụng di động mạng 3G năm 2010, tôi cũng bắt đầu với công việc viết ứng dụng đẩy lên kho ứng dụng của Google play, và lập công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo Google Adword, làm website.

Giai đoạn đầu thu không bù chi, mỗi tháng qua đi là lỗ 9 triệu, chả mấy chốc số tiền ban đầu đã bay hết và vòng xoáy tiền bạc bắt đầu.

HỎI VAY KHẮP NƠI

Thế là tôi về nhà thuyết phục bố mẹ cho mượn đất để đi thế chấp tiền vay ngân hàng, với suy nghĩ rất đơn giản là có miếng đất 300m2 tính ra cũng phải được hơn 1 tỷ rồi, vay có 300 triệu quá đơn giản. Nhưng gõ cửa khắp các ngân hàng từ anh nông nghiệp nông thôn Agribank, đến ngân hàng ngoại thương Vietcombank, biết bao lần hy vọng rồi lại tắt ngụm. Chỉ đến một ngày gặp được đứa bạn thân làm bên SHB mới vay được vốn để tiếp tục duy trì công ty, chờ trời sáng.

Việc vay vốn ngân hàng không đơn giản như tôi nghĩ, không phải cứ có tài sản thế chấp là vay được vốn. Tài sản thế chấp đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là công ty hoạt động tốt và có phương án kinh doanh và sử dụng nguồn vốn hợp lý.

QUAN ĐIỂM CHO VAY CỦA NGÂN HÀNG

Tất cả các ngân hàng từ cổ phần như ACB, Sacombank, VPBank, VIB, techcombank, SHB, MB,… tới các ngân hàng nhà nước như BIDV, Vietinbank, Agribank cũng như nhà đầu tư, họ thường quan tâm đến 3 vấn đề chính:

+ Nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích.
+ Có khả năng thu hồi được nợ vay theo dự kiến.
+ Trong trường hợp xấu không có được nguồn thu dự kiến từ phương án kinh doanh thì có thể xử lý được tài sản của khách hàng để thu hồi vốn.

Nên Ngân hàng thường xem xét hồ sơ vay vốn như sau:

1. Phương án kinh doanh
2. Tình hình tài chính: để đánh giá tình hình thực tế của khách hàng và có cơ sở đánh giá phương án kinh doanh dự kiến.
3. Tài sản đảm bảo.

Vì vậy họ cần doanh nghiệp cung cấp:

+ Phương án kinh doanh hay chính là Mục đích vay vốn và cách sử dụng vốn, thời gian thu hồi vốn. Để xem mục đích vay vốn có hợp lý không, như bổ sung vào vốn lưu động để nhập hàng hay đầu tư dây truyền sản xuất.

+ Báo cáo tài chính: có thể sử dụng báo cáo nội bộ hoặc báo cáo thuế. Để đánh giá xem doanh thu có khớp với tiền về trên sổ phụ ngân hàng không.

+ Sổ phụ ngân hàng: Mục đích là để nhìn được dòng tiền về tài khoản của công ty.

+ Hợp đồng đầu ra, hợp đồng đầu vào: cung cấp các hợp đồng đầu ra đầu vào có giá trị lớn để chứng minh khả năng của Công ty trong việc thực hiện phương án kinh doanh dự kiến.

+ Tài sản thế chấp có khả năng thanh lý, và thường được duyệt vay khoảng 70-80% giá trị tài sản. Thứ tự ưu tiên như sau BĐS/ Phương tiện vận chuyển/ hàng hóa/ tín chấp.

CÁCH CHUẨN BỊ HỒ SƠ ĐỂ VAY ĐƯỢC VỐN

– Phương án kinh doanh rõ ràng thuyết phục có khả năng hoàn vốn, và để đầu tư vào kinh doanh của doanh nghiệp ví dụ như chi lương nhân công, nhập dây truyền sản xuất, nhập nguyên vật liệu. Mục này các bạn cần chú ý về phương thức giải ngân:

+ Thông thường là giải ngân chuyển khỏan trực tiếp cho đối tác ví dụ: chuyển khỏan trực tiếp vào tài khỏan của công nhân viên, chuyển khỏan vào tài khỏan ngân hàng của đối tác đầu vào của khách hàng.

+ Ngân hàng thường hạn chế giải ngân tiền mặt đối với Công ty do có rủi ro cao về việc sử dụng vốn không đúng mục đích nên khó kiểm soát được dòng tiền từ phương án dự kiến.

– Báo cáo tài chính (nội bộ) cần phải để lãi, để ngân hàng đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Vì vậy các bạn khởi nghiệp ngay khi khởi nghiệp cần quan tâm đến kế toán để có thể khi cần là có báo cáo tài chính, và cần có báo cáo có lãi.

– Dòng tiền về tài khoản công ty phải đều đặn hàng tháng, ngân hàng thường quan tâm đến dòng tiền về doanh nghiệp, qua tài khoản ngân hàng, họ sẽ yêu cầu sổ phụ được trích xuất từ tài khoản của công ty tại ngân hàng. Để xem doanh thu có khớp với tiền về trên sổ phụ ngân hàng không

– Tài sản thế chấp có khả năng thanh lý: ngân hàng thích nhất là bất động sản, nhưng BĐS thông thường thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc người thân ( bố, mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột) của cổ đông Công ty.

– Còn nếu vay ít khoảng dưới 500 triệu thì vay cá nhân sẽ đơn giản hơn.

TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN ĐƯỢC NHỜ MÔN “NHẤT DƯƠNG CHỈ”

Thế là những ngày tháng thiếu vốn để lùi xa, khi có nguồn vốn vay tôi đã có thể chuyên tâm vào xây dựng sản phẩm. Qua 2 năm ôm đồm quá nhiều dịch vụ từ thiết kế web, viết ứng dụng điện thoại, và quảng cáo trực tuyến, dẫn đến không chuyên sâu và hiệu quả. Tôi đã thay đổi và chỉ làm một dịch vụ duy nhất đó là quảng cáo trực tuyến Google Ads, với sức tăng trưởng của thị trường quảng cáo gần 100% năm liên tục từ 2011 đến nay.

Hiện tại doanh thu mỗi tháng của công ty tôi đã rất ổn định phục vụ thường xuyên cho khoảng 60 khách hàng là các công ty, và khoảng 50 khách hàng là các hộ kinh doanh cá thể. Với phương châm tập trung toàn bộ nguồn lực vào một lĩnh vực để làm ra được một sản phẩm ra hồn, tròn trịa.

Vay vốn ngân hàng để khởi nghiệp, dễ hay khó?
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here