Bối cảnh nền kinh tế toàn cầu
Nền kinh tế toàn cầu đang chững lại sau gần một thập kỷ tăng trưởng khá vững chắc. Cùng lúc, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang địa hạt mới, trong đó có Đông Nam Á.
Trong hội nghị Tech in Asia 2019 mới đây tại Jakarta, các nhà đầu tư nhận định startup Đông Nam Á sẽ hưởng lợi từ bối cảnh kinh tế toàn cầu. Cơ hội nhận vốn còn đến từ động lực nội tại của Đông Nam Á, nơi có số lượng tầng lớp trung lưu và GDP gia tăng nhanh chóng.
Các nhà đầu tư khởi nghiệp tại hội nghị “Tech in Asia 2019” đồng ý rằng công ty khởi nghiệp sẽ gặp nhiều cơ hội tốt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và tình hình kinh tế vĩ mô rộng lớn tương lai. Ảnh: Tech in Asia. |
“Tại khu vực này, giá trị đầu tư đang tăng rất nhanh với số lượng cung lớn hơn cầu”, Willson Cuaca – Giám đốc điều hành tại East Ventures có trụ sở tại Jakarta cho biết.
Theo nghiên cứu từ Pricewaterhouse Coopers và CB Insights, lượng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý III/2019 giảm 7% so với quý trước. Bắc Mỹ chứng kiến số lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm thấp nhất trong hai năm. Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á lại nhận những dấu hiệu tích cực. Trong 7 tháng đầu năm 2019, các nhà đầu tư đã cam kết khoản vốn lên đến 2,62 tỷ USD rót vào các “kỳ lân” và startup tiềm năng trong khu vực.
Dữ liệu từ DealStreetAsia cũng cho thấy các công ty Đông Nam Á đã nhận tổng cộng 15,18 tỷ USD từ những khoản rót vốn và mua bán, sáp nhập trong 7 tháng đầu năm.
Tiềm năng thị trường Đông Nam Á
Thị trường đầu tư hấp dẫn tại ASEAN cùng với môi trường kỹ thuật số mở rộng kéo theo sự xuất hiện của hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động trên toàn khu vực. Theo báo cáo của Bain & Company, sự gia tăng của các nhà đầu tư mạo hiểm trong khu vực giúp tạo ra những kỳ lân đầu tiên.
Tính đến năm 2018, ASEAN có 10 công ty kỳ lân khởi nghiệp. Dự kiến con số này sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới. Một trong những kỳ lân nổi trội nhất tại khu vực này có thể kể đến Grab – doanh nghiệp ứng dụng đặt xe lớn nhất khu vực sau khi mua lại đối thủ Uber vào năm 2018. Bên cạnh đó là Go-Jek đến từ Indonesia, VNG Corporation đến từ Việt Nam và Tiki đang là cái tên đầy hứa hẹn.
Là thị trường đang phát triển mạnh, đến nay Đông Nam Á vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác cả về nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường lao động, tạo ra không gian khai thác cho các doanh nghiệp mới.
Các công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính (fintech), thương mại điện tử và dịch vụ theo yêu cầu đang tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ. Trong đó, với lĩnh vực thương mại điện tử, doanh thu được dự kiến sẽ vượt 25 tỷ USD vào năm 2020.
Sự phát triển nhanh chóng tại ASEAN cùng với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư đã khiến nhiều doanh nhân cân nhắc mở rộng kinh doanh trong khu vực. Trong đó, Indonesia và Việt Nam được 90% các nhà đầu tư tin rằng sẽ là thị trường mạnh nhất sau Singapore và 60% dự đoán rằng công nghệ sẽ là lĩnh vực đầu tư hàng đầu trong năm 2019, theo Bain & Company.
Bên cạnh, thị trường có đến 64% dưới 40 tuổi có hiểu biết về công nghệ, có thể xử lý lĩnh vực công nghệ tài chính đang bùng nổ, là một trong những lợi thế giúp các startup công nghệ phát triển tốt trong tương lai.
Giấc mơ “thung lũng Silicon” châu Á
Kỳ lân Đông Nam Á đều bắt đầu từ những khởi điểm khiêm tốn, nhưng với đà phát triển nhanh chóng, tổng giá trị các kỳ lân tại đây đã lên đến 34 tỷ USD, đứng thứ ba ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Datamart – quán quân Startup Việt 2018 là một trong những startup nổi bật trong lĩnh vực thương mại điện tử hiện chinh phục được thị trường Việt Nam, Philippines và sắp tới là những thị trường khác trong khu vực. |
Theo Ardi Wirdana của DealStreetAsia, các kỳ lân như Grab, Go-Jek và Traveloka phải trải qua hơn 40 vụ sáp nhập và mua lại với các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn trong khu vực. Grab và Go-Jek đang tìm cách trở thành nhà đầu tư mạo hiểm ở giai đoạn đầu, trong khi Tokopedia đang đàm phán để có được nhiều công ty khởi nghiệp.
Đối với một số doanh nghiệp mới thành lập, việc gia nhập công ty tỷ đô là một triển vọng lớn. Agung Nugroho, đồng sáng lập Kudo, công ty được Grab mua lại vào năm 2017, nói rằng việc gia nhập Grab giống như một giấc mơ ở Thung lũng Silicon.
Tuy nhiên, một số startup khác lại mong muốn phát triển độc lập dự án khởi nghiệp của mình khỏi các kỳ lân lớn trong khu vực.
“Đối với người sáng lập, thành tựu không nhất thiết là phải bán công ty cho một doanh nghiệp kỳ lân”, Akshay Garg, CEO và đồng sáng lập của Kredivo cho biết.
Theo đánh giá của các VC tại hội nghị “Tech in Asia 2019”, trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đông Nam Á, các nhà đầu tư đang tập trung vào các chiến lược, lĩnh vực cụ thể với các đối tác tại khu vực này để nuôi dưỡng các startup trẻ, có tiềm năng phát triển thành kỳ lân tương lai.
Cùng với những chính sách khuyến khích của phía chính phủ và dân số ngày càng tăng, khởi nghiệp kỳ lân dự kiến sẽ tăng nhanh trong ASEAN.
Hiền Trang
“Nuôi dưỡng kỳ lân tỷ đô” là nội dung quan trọng trong Gala Startup Việt 2019 diễn ra vào ngày 2/12 tại TP HCM. Với mong muốn thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt, gala chung kết Startup Việt 2019 gồm nhiều hoạt động nổi bật. Trong đó hội thảo “Startup Việt – Unicorn to be” sẽ cung cấp góc nhìn, đánh giá và bình luận từ các chuyên gia hàng đầu về năng lực của startup Việt và cách thức nâng tầm giá trị của startup Việt trong hành trình vươn ra thế giới. Chương trình Startup Việt 2019 có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp như Tiki với vai trò nhà tài trợ kim cương, Grab là nhà tài trợ vàng, IMAP nhà tài trợ bạc, Sun*Startup cùng LG là nhà tài trợ đồng. Về đối tác đồng hành có AIM và Zone Startups Việt Nam. Độc giả đăng ký tham dự tại đây. Đăng ký tại đây để gặp gỡ trực tiếp cố vấn, nhà đầu tư. |