Vậy thì trước khi lo lắng về việc phát triển thế nào, bán nó được bao nhiêu, sẽ là rất thiết thực để hiểu cái gốc của nó ở đâu.
Nếu tìm hiểu về những startup thành công vang dội trên thế giới sẽ thấy rằng những startup này luôn bắt đầu bằng một “vấn đề” và từ đó cung cấp giải pháp cho nó, như Uber, Grab,… Suy cho cùng, mục đích tối thượng của kinh doanh là giải quyết một vấn đề mà người khác không thể giải hoặc lười giải. Doanh thu tạo ra không phải đến từ việc bán sản phẩm mà thực chất từ việc trao đổi giải pháp, giá trị với người dùng. Người tiêu dùng đầu tư tiền của họ vào giải pháp mà doanh nghiệp tạo ra. Vì thế kinh doanh là một hình thức trao đổi giá trị.
Nếu vẫn đang ở giai đoạn tìm ý tưởng khởi nghiệp, hãy bắt đầu bằng câu hỏi: Vấn đề gì mà khách hàng đang trăn trở? Cần tạo ra giá trị gì trong cuộc sống của họ? Để làm được điều đó, sản phẩm của tôi sẽ là gì?
Thực tế có nhiều người làm kinh doanh theo chiều ngược lại. Họ nghĩ ra một ý tưởng và tin rằng nó tuyệt vời. Họ dành vài tháng nghĩ, tạo ra sản phẩm, dịch vụ sau đó tìm đủ mọi cách để làm marketing, quảng bá, tìm khách hàng. Trong khi đó, kinh doanh và marketing lại bắt đầu từ sự cảm thông và đồng điệu. Doanh nghiệp không bán hàng chỉ để bán hàng mà là tạo ra những mối quan hệ với khách hàng của mình. Và việc họ mua hàng là hệ quả tự nhiên của mối quan hệ này. Nếu không xuất phát từ họ, từ việc hiểu biết, đồng cảm với họ thì mối quan hệ sẽ rất dễ đi vào ngõ cụt.