Nuôi mèo ảo là khái niệm khá mới đối với công chúng, dù đến thời điểm hiện tại, phần lớn người dân trên thế giới đã nghe về Bitcoin, loại tiền ảo tăng giá mạnh nhất trong năm 2017.
Bitcoin chỉ là một trong nhiều loại tiền ảo, loại tiền không tồn tại ở dạng giấy hay xu kim loại. Ngân hàng không giám sát nó và các chính phủ không thừa nhận nó. Trong quá trình giao dịch giữa người mua và người bán, Bitcoin tự mã hóa để bảo đảm an toàn.
Tiền ảo ra đời nhờ một phương pháp mang tên “đào tiền thuật toán” do các lập trình viên tạo ra. Trong quá trình đào tiền ảo, con người sử dụng máy tính để ghi lại các giao dịch giống nhau trong một “block” thời gian nhất định. Hoạt động đó được gọi là blockchain (chuỗi khối).
Do tiền ảo và chuỗi khối là khái niệm phức tạp về kỹ thuật nên nhiều người không hiểu chúng. Thực tế ấy khiến nhiều người không muốn sử dụng, đầu tư, giao dịch Bitcoin hay các loại tiền ảo khác.
Axiom Zen, một công ty ở Mỹ, tìm cách thay đổi quan điểm của công chúng với một trò chơi trực tuyến mang tên CriptoKitties. Nó giúp mọi người sử dụng công nghệ chuỗi khối để mua, ban và tạo ra mèo ảo.
CriptoKitties hoạt động nhờ công nghệ chuỗi khối tạo ra tiền ảo Ethereum. Người chơi phải dùng tiền Ethereum để mua mèo ảo.
Sau khi mua Ethereum từ sàn giao dịch tiền ảo nào đó, chẳng hạn như Coinbase, người chơi chuyển tiền vào ví điện tử mang tên MegaMask. Đó là điều kiện để game thủ đăng nhập vào trang CryptoKitties để chơi.
Mỗi con mèo ảo là một cá thể riêng biệt. Chúng có tên và mã số. Cứ sau 15 phút, một mèo ảo ra đời.
Mỗi con mèo ảo trong trò chơi CryptoKitties có tên, mã số và bộ gene riêng biệt. Để bắt đầu trò chơi nuôi mèo ảo, game thủ chỉ cần chi 10 USD. Ảnh: Digital Trends |
Đội ngũ lập trình game lập luận rằng CryptoKitties “gây nghiện” vì mỗi mèo ảo có bộ gene riêng. Khi người chơi tạo ra mèo mới, chúng sẽ thừa hưởng gene của bố và mẹ.
Elsa Wilk là giám đốc tiếp thị của Axiom Zen. Cô nói công chúng khắp thế giới hưởng ứng nhiệt tình CryptoKitties từ khi trò chơi xuất hiện trên mạng. Một trong những mục tiêu của công ty là cung cấp kiến thức cho những người không biết chút gì về tiền ảo.
“Chúng tôi đưa công nghệ chuỗi khối tới công chúng bằng tạo ra sản phẩm dễ hiểu, có khuôn mặt thân thiện và giúp người chơi tạo ra những điểm đặc biệt với chúng”, Wilk lập luận.
Nhưng trò chơi không chỉ cung cấp kiến thức và tạo cảm giác hưng phấn. Nó còn cho phép game thủ tạo ra tiền, thậm chí rất nhiều tiền.
Chẳng hạn, một số mèo ảo rất đắt do nhiều người muốn sở hữu. Chỉ vài ngày sau khi trò chơi xuất hiện vào ngày 28/11/2017, lượng tiền mà người chơi chi để mua mèo ảo đã lên tới hơn 2 triệu USD.
Nhiều người sẵn sàng chi hơn 100.000 USD để mua một con. Hôm 29/12 năm ngoái, giá của con mèo ảo đắt nhất lên tới hơn 191.000 USD.
Mặc dù người chơi có thể tạo ra nhiều tiền bằng cách bán mèo ảo, Elsa Wilk nhấn mạnh rằng game thủ chỉ cần dành một khoản tiền nhỏ để chơi.
“Nếu bạn có 10 USD và một tài khoản tiền ảo Ethereum, bạn có thể mua một con mèo”, cô giải thích.
Vậy kế hoạch của Axiom Zen là gì sau thành công của KryptoKitties?
“Chúng tôi sẽ vạch kế hoạch cho năm 2018. Nhiều khách hàng gợi ý chúng tôi tạo ra trò chơi về chó hay khủng long. Tuy nhiên, chúng tôi chưa ra quyết định cuối cùng”, Wilk phát biểu.
Kim Cương/VOA
Theo Kinh tế & Tiêu dùng