Xu hướng đầu tư của các startup
Năm 2018 chứng kiến những thay đổi căn bản trong hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó công nghệ mới là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thay đổi và xu hướng khởi nghiệp. Năm 2018, 95% startup đã có kế hoạch kinh doanh kỹ thuật số, 55% startup áp dụng chiến lược kinh doanh kỹ thuật số so với chỉ 38% doanh nghiệp truyền thống, theo thống kê của Forbes.
Các chuyên gia nhận định, nền kinh tế thế giới bước vào kỷ nguyên thứ ba của của sự đổi mới công nghệ tài chính (fintech), khi đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 cùng với sự ra mắt của điện thoại thông minh. Với xu hướng đó, fintech đã trở thành con cưng của nhóm các công ty khởi nghiệp, các công ty liên doanh và các chủ đầu tư trong nhiều năm qua. Chỉ trong đầu năm 2019, cộng đồng khởi nghiệp đã chứng kiến vô số các tổ chức gây quỹ fintech trị giá hàng trăm USD.
Riêng thị trường Đông Nam Á, được ca ngợi là nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới, khu vực này tiếp tục là trọng tâm cho các nhà đầu tư và các công ty đa quốc gia đầu tư vào fintech. Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba và Tencent đã đặt cược lớn vào thị trường, rót hàng tỷ USD và bắt đầu một cuộc chiến đối đầu để thống trị khu vực. Các nhà đầu tư Mỹ cũng bắt đầu tham gia tích cực hơn là một dấu hiệu tích cực giúp hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á sôi động hơn bao giờ hết.
Trong số 400 triệu người trưởng thành ở Đông Nam Á, chỉ có 104 triệu người hoàn toàn có quyền truy cập đầy đủ vào các dịch vụ tài chính, trong khi có đến 198 triệu người không sở hữu tài khoản ngân hàng. Với phần lớn dân số chưa được đưa vào các dịch vụ tài chính cùng sức mạnh chi tiêu của tầng lớp trung lưu mới nổi và thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng, không khó để thấy fintech là hướng đi vững chắc của các startup.
Ví điện tử – thị trường tiềm năng trong hệ sinh thái fintech
Trong nghiên cứu chung của Google, Temasek và Bain & Co cho thấy, ngành công nghiệp fintech của Đông Nam Á đã sẵn sàng đạt mốc 1.000 tỷ đô la. Trong đó, thị trường ví điện tử dự kiến sẽ còn tăng nhanh hơn nữa, từ 22 tỷ USD năm 2019, lên tới 114 tỷ USD vào năm 2025. Sự phát triển của các công ty fintech trong nhiều năm qua đã thúc đẩy sự tiến bộ trong công nghệ, tốc độ thâm nhập Internet được kích hoạt bởi mạng 5G, giúp mô hình ví điện tử (e-wallet) phát triển nhanh chóng.
Thống kê của Statista ghi nhận từ quý I/2016 đến quý I/2019, tổng số người dùng ví tiền điện tử đã tăng từ 6,7 triệu lên hơn 34,6 triệu. Khác biệt giữa hai con số cho thấy câu chuyện về sự tăng trưởng theo cấp số nhân của ví tiền điện tử trong những năm qua bất chấp mọi rào cản, là thị trường tiềm năng của các startup trong hệ sinh thái fintech.
Tại Việt Nam, thị trường fintech dự kiến đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020 theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance. Trong đó, phân khúc giải pháp thanh toán chính là lĩnh vực thu hút đầu tư và các startup nhất với sự ra đời ngày càng nhiều của ví điện tử. Lợi thế cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế phát triển nhanh, phân khúc trung lưu ngày càng gia tăng giúp thị trường thanh toán điện tử, điển hình là e-wallet có tiềm năng phát triển mạnh nhất trong các mô hình fintech.
Việt Nam hiện có khoảng 23 ví điện tử đang hoạt động, trong đó có sự góp phần của các nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ đầu tư lớn. Đây sẽ là một cơ hội cho các nhà khởi nghiệp, nhưng cũng là một thách thức cạnh tranh không nhỏ từ thị trường nếu gia nhập muộn.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng dựa trên nền tảng công nghệ, fintech nói chung và cụm khu vực ví điện tử nói riêng là cơ hội cho các nhà startup khởi động các dự án của mình.
Hiền Trang