Tháng 3 là lúc nhót chín rộ, người dân tại Hoài Đức, Hà Nội tất bật thu hoạch, bán với giá 20.000 – 30.000 đồng một kg. Tuy nhiên, khi vận chuyển vào Nam giá trái cây này tăng gấp 8 – 10 lần.
Tại các con đường Nguyễn Oanh, Phan Văn Trị (Gò Vấp), Phạm Văn Đồng (Thủ Đức), Xa Lộ Hà Nội (quận 9)…, chỉ một đoạn chừng 150 m đã có tới 3-4 xe đẩy bán nhót Hà Nội.
100 gram nhót đỏ có giá 15.000 đồng. Ảnh: Hồng Châu |
Anh Thắng, chủ xe đẩy trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp) cho biết, mỗi ngày bán 5 – 7 kg nhót Hà Nội, mỗi kg có giá 150.000 đồng. Nhót được anh nhập về từ các mối bán sỉ. Theo anh Thắng, sở dĩ nhót bán chạy vì quả này ăn giải nhiệt tốt cho mùa hè. Mặt khác, khách hàng có thể đem về làm mứt, nấu canh chua, làm gỏi, trộn muối ớt.
Cũng bán được chục kg nhót mỗi ngày, anh Thảo trên đường Phạm Văn Đồng cho biết, nhót này chỉ rộ trong thời gian ngắn nên nếu không mua thì sang tháng 4, 5 sẽ không còn hàng và muốn ăn phải trả giá cao gấp nhiều lần vì chỉ có hàng nhập.
“Tôi bán 15.000 đồng 100 gram để khách dễ mua tùy theo nhu cầu. Vốn dĩ giá cao vì tôi chọn những trái nhót có màu đỏ đậm, chắc quả, to bằng ngón tay cái, đều tăm tắp chứ không chọn loại vàng, trái nhỏ hoặc loại xô như thông thường”, anh Thảo giải thích.
Nhót không chỉ bán đầy đường mà trên mạng xã hội cũng được rao bán với giá dao động 200.000 đồng một kg, gấp 10 lần so với giá tại vườn.
Chị Hạnh, chuyên vận chuyển nhót từ Hà Nội vào TP HCM cho biết, vụ này chị bán gần cả tạ nhót. Năm nay giá nhót tăng vọt vì nhu cầu khách đặt mua nhiều. Mỗi kg nhót chín chị bán với giá 200.000 đồng, còn nhót xanh giá 170.000 đồng.
“Thay vì mua xô cả cây như thương lái thì tôi chỉ tuyển chọn những trái ngon với giá cao gấp đôi người buôn trả cho nhà vườn, thêm vào đó, vận chuyển bằng đường hàng không để hàng hóa tươi ngon nên giá bị đội lên mạnh. Mặt khác, nhót chín đỏ nhập về dễ bị nát nên hao hụt nhiều”, chị Hạnh nói và cho biết dù giá cao nhưng đơn đặt mua hàng đã chiếm tới 80% sản lượng nhập.
Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết không nhập nhót. Mặt hàng này được giới buôn vận chuyển vào Nam bằng nhiều đường khác nhau nên giá và chất lượng khó kiểm soát.
Hồng Châu