Bà Nguyễn Thị Minh Hà chia sẻ: Năm 2006 Hội Liên Hiệp phụ nữ Hải Phòng thành lập câu lạc bộ nữ doanh nhân. Lúc đại hội năm 2013, chỉ vỏn vẹn có 10 hội viên tham gia.”. Tôi cứ trăn trở mãi về cách thức làm thế nào để có thể phát triển Hội (lúc đó là mô hình câu lạc bộ). Tự mình đặt ra câu hỏi và rồi tự mình đi tìm câu trả lời: Mục đích nữ doanh nhân vào hội để làm gì? Phải chăng họ tham gia là để có thêm bạn bè, có cơ hội xúc tiến thương mại, hoặc cũng có thể đơn giản để … xả stress?
– Bà đã tìm ra câu trả lời như thế nào?
Tôi muốn tập trung nhiều vào khía cạnh xúc tiến thương mại vì theo tôi đây là yếu tố then chốt để thu hút và giữ chân các nữ doanh nhân. Tôi tìm mọi cách để có thể kết nối các cơ hội kinh doanh cho hội viên. Dù công việc kinh doanh riêng ngốn nhiều thời gian, nhưng tôi vẫn dành không ít thời gian và tiền bạc để giúp doanh nghiệp của các hội viên mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại.
Tôi không khỏi tự hào khi mình đã góp sức lực nhỏ bé vào sự thành công của không ít doanh nghiệp hội viên. Điển hình nhất, có thể nhìn thấy sự lớn mạnh không ngừng của thương hiệu Vilaco và thương hiệu Hải đồ cổ. Trước đây, Vilaco chưa được thị trường trong nước biết đến, còn Hải đồ cổ thì đang bên bờ vực phá sản, bây giờ tiếng tăm của hai thương hiệu này giờ đã vượt ra khỏi địa bàn Hải Phòng, được biết đến ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.
Đẩy mạnh xúc tiến giới thiệu sản phẩm của Vilaco đến với các tỉnh thành trong cả nước
Chính ngay từ những việc làm thiết thực như vậy, các hội viên đã thấy được lợi ích của việc gia nhập hội, họ đã trở thành người kết nối giới thiệu các hội viên mới. Cứ thế, từ chỗ năm 2013 câu lạc bộ chỉ có 10 người, đến nay hội đã có tới 400 hội viên. Cuối năm 2019 này, con số dự kiến sẽ lên đến 1.000 hội viên, bởi phong trào thành lập câu lạc bộ nữ doanh nhân các quận huyện cũng đang phát triển lớn mạnh.
Bây giờ, Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng không chỉ là nơi xúc tiến thương mại mà còn là nơi để chị em gặp gỡ chia sẻ tâm tình, giao lưu văn hóa, văn nghệ mà mọi người thường nói vui là “bung lụa” để xả stress (cười).
– Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nhưng được biết, Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng cũng đã có những lúc đóng vai trò của những “hiệp sĩ dưa hấu”, “hiệp sĩ hành tỏi” khi cùng nhau giải cứu hàng nông sản ở Phú Xuyên và một số nơi? Thực tế đó chứng tỏ hoạt động xúc tiến thương mại của chúng ta nói chung ở nhiều nơi vẫn chưa thực sự hiệu quả, thưa bà?
Trong việc giải cứu nông sản thời gian qua, lẽ ra ngành công thương phải là ngành chủ lực trong việc tìm đầu ra giúp nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm thì thay vào đó lại là các “hiệp sĩ dưa hấu”, “hiệp sĩ hành tỏi”… Thực ra, các hiệp sĩ “ra tay” như vậy chỉ là giải pháp tình thế, đó không phải là nhiệm vụ của họ. Tôi không tán thành việc ngành Công Thương ca ngợi quá mức các “hiệp sĩ” này, bởi tôi cảm giác như họ cố tình làm vậy để lấp liếm những yếu kém vì họ chưa làm tròn phận sự của mình. Ngành Công thương cùng các sở ban ngành nên vào cuộc cùng với nông dân để tránh tình trạng “được mùa mất giá” thê thảm như các kịch bản lặp đi lặp lại trong thời gian qua.
Chính chúng tôi đã có những lúc cũng đóng vai trò của những “hiệp sĩ dưa hấu”, “hiệp sĩ hành tỏi”, nhưng phương thức này quả thật không ổn và chúng tôi phải nghĩ đến chuyện tìm đầu ra bền vững cho bà con nông dân.
Rất vui là Hội Nữ Doanh nhân Hải Phòng vừa kết nối thành công cho nông dân 2 huyện Vĩnh Bảo và An Dương ký được hợp đồng xuất khẩu 2 vụ rau sang Nhật Bản. Chúng tôi đang triển khai thêm ở 2 huyện Kiến Thụy và Tiên Lãng, phấn đấu đưa tổng diện tích trồng rau xuất khẩu sang Nhật Bản khoảng 300 ha.
Bà Nguyễn Thị Minh Hà, chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng ký kết biên bản hợp tác với đối tác Thái Lan trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Đó là niềm vui nho nhỏ trong rất nhiều niềm vui từ kết quả thu được trong việc xúc tiến thương mại của Hội năm 2018 với tỷ lệ đạt trên 60%. Việc xúc tiến thương mại trong hội qua các phương tiện như zalo, facebook, viber rất hiệu quả, các hội viên đã tin dùng sản phẩm của nhau. Chúng tôi cũng thường xuyên xúc tiến thương mại tại các tỉnh thành và tham gia hội chợ ở các nước.
– Sâu sát với từng hội viên như vậy, bà nhận thấy những khó khăn của phụ nữ khi khởi nghiệp gì ?
Các bạn trẻ mới khởi nghiệp thường lo lắng về vấn đề vốn nhưng thực ra yếu tố vốn không phải là vấn đề tiên quyết. Quan trọng là các bạn ấy phải biết nắm bắt, tận dụng cơ hội, định hướng đúng và cần phải có sự chuẩn bị cần thiết trước khi quyết định khởi nghiệp. Tôi tin vào giới trẻ ngày nay. Họ rất thông minh, tự tin, giỏi ngoại ngữ, hiểu biết về công nghệ nên rất dễ tiếp cận với thương mại toàn cầu.
Một chút kinh nghiệm của bản thân muốn chia sẻ với các bạn nữ là trước khi quyết định kinh doanh một lĩnh vực gì mình phải tham khảo thị trường, phải luôn xác định là tìm cái thị trường đang cần để bán chứ không phải bán cái mình có. Điều thứ hai là phải có đam mê và tự tin vào bản thân mình. Ngoài ra, họ cũng phải có sự độc lập tương đối về kinh tế vì nếu phụ thuộc vào người khác thì họ sẽ rất khó “quyết”.
Tôi ở quân đội 28 năm, không hề có kinh nghiệm nào trên thương trường, nên khởi nghiệp không phải là chuyện dễ. Tuy nhiên, trong thời gian làm ở bộ đội biên phòng, tôi quan sát thấy việc cung cấp thực phẩm cho các tàu nước ngoài sẽ rất hiệu quả nên trước khi quyết định ra ngoài khởi nghiệp, tôi đã có sự chuẩn bị trước. Tôi đi học Luật, học ngoại ngữ để có thể giao tiếp thuận lợi với các chủ tàu để có thể đàm phán được những hợp đồng, hợp tác hiệu quả. Công ty Du lịch và dịch vụ Hàng hải Hải Phòng của tôi phục vụ đối tượng là người nước ngoài nên hiện tôi có thể giao dịch bằng 3 thứ tiếng là Anh, Nga, Trung. Tôi năm nay 60 tuổi rồi vẫn đang học thêm tiếng Hàn nữa để có thể giao dịch được thuận lợi hơn (cười).