Một năm trở lại đây, ông Lee Jea-Woong đến Việt Nam đến 7 lần. Ông là một trong 3 người sáng lập ra Daum Communications (nay là Kakao). Năm 2016, ông rời công ty và lập ra một quỹ đầu tư mạo hiểm, hai vườn ươm khởi nghiệp, đồng thời đang là CEO của Socar.
Daum được lập năm 1995. Giá trị của nó hiện khoảng 10 tỷ USD, với 4.000 nhân viên, vài tỷ phú và nhiều triệu phú USD. Ông Lee nói Việt Nam bây giờ hội đủ điều kiện để sinh ra các “kỳ lân” như Hàn Quốc 20 năm về trước.
“Đã đến lượt Việt Nam có những ‘kỳ lân’ mới xuất hiện”, ông nói tại Forbes Vietnam Tech Summit 2019 sáng ngày 14/3. Hàn Quốc công nghiệp hóa vào những năm 1960, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin vào những năm 2000 và giờ tiến vào thời kỳ cách mạng 4.0.
“Tất cả 3 giai đoạn này đang xuất hiện ở Việt Nam cùng lúc, là cơ sở tốt để phát triển nhảy vọt. Việt Nam có cơ sở hạ tầng, con người tốt, được hỗ trợ của chính phủ”, ông nói.
Ông Lee Jea-Woong – CEO SoCar (cầm mic, bên trái) và ông Nguyễn Bảo Hoàng – Chủ tịch Phoenix Holdings. Ảnh: Viễn Thông |
Khi Daum ra đời, tuổi trung bình của người Hàn là 29,3. Trong khi đó, tuổi trung bình của người Việt đến năm 2015 là 30,4. Năm 1995, GDP đầu người của Hàn Quốc tầm 8.000 USD. Hiện nay, GDP đầu người của TP HCM cũng gần 9.000 USD và Hà Nội cũng không kém. “Việt Nam không đơn thuần trẻ, đông dân và lao động giá rẻ. Đó không phải toàn bộ và mấu chốt. Việt Nam sẽ là trang trại để nuôi những ‘kỳ lân’ cho tương lai”, ông Lee lạc quan cao độ.
Năm ngoái, các startup Việt Nam thu hút được lượng vốn đầu tư gần 900 triệu USD, gấp 3 lần năm 2017, theo số liệu của Topica Founder Institute (TFI). Năm lĩnh vực startup thu hút nhiều vốn đầu tư nhất là Fintech, E-commerce, TravelTech, Logistics và Edtech. Trong đó, Fintech quay lại vị trí dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trong năm 2018 với 8 thương vụ, tổng giá trị 117 triệu USD.
Một số kỳ vọng rằng, ‘kỳ lân’ mới của Việt Nam sẽ xuất hiện từ mảng Fintech. Tuy nhiên, những startup hàng đầu mảng này nói họ không quá đặt nặng vấn đề con số và danh hiệu. Họ đang trong tâm thế hào hứng phát triển thị trường. Tuy nhiên, đó chính lại là sự sung sức mà các quỹ ngoại hứng thú.
“Chúng tôi còn chưa suy nghĩ về IPO. Khi bắt đầu, chúng tôi cũng không nghĩ phải làm ‘kỳ lân’ mà vì giấc mơ thanh toán di động. Nhờ nó, chúng tôi tồn tại gần 10 năm qua, chứ nghĩ mãi về ‘kỳ lân’ có khi đã chết rồi. Tôi tin 3 năm tới, thị trường thanh toán di động sẽ rất phát triển. Nếu đúng thế thì chúng tôi có thể thành ‘kỳ lân’, nhưng nó cũng không quá quan trọng”, Nguyễn Mạnh Tường – Giám đốc điều hành MoMo chia sẻ. Mối quan tâm chính của ông là có ngày người Việt ra đường không mang tiền mặt vẫn chi tiêu thoải mái.
Ông Trần Thanh Nam – Nhà sáng lập Moca và ông Nguyễn Mạnh Tường – Giám đốc điều hành MoMo (cầm mic, bên phải). Ảnh: Viễn Thông |
Sáng lập Moca, gần đây ông Trần Thanh Nam chọn một hướng đi khác là hợp tác với ‘kỳ lân’ của khu vực. Trước khi ‘kết duyên’ với Grab, ông Nam từng giấu vợ bán nhà vì đam mê khởi nghiệp mảng thanh toán.
“Với Moca, chúng tôi không đặt mục tiêu khởi nghiệp để giàu có mà khiến thanh toán di động thành công ở Việt Nam. Xét xu thế thị trường, tôi thấy hợp tác với Grab là hợp lý. Để nhân rộng quy mô đến hàng triệu người dùng nhanh chóng thì tôi không biết phải bán bao nhiêu nhà cho đủ”, ông Nam chia sẻ.
Ngoài nền tảng thị trường, sự sung sức của các startup, giới đầu tư còn thấy thú vị bởi nhiều doanh nghiệp nội địa có khả năng cạnh tranh hơn đối thủ ngoại dù không bằng nguồn lực. “Tôi vừa thấy một công ty Việt Nam, nguồn lực bằng 1/20 đối thủ nước ngoài nhưng tháng trước đã vượt lên dẫn trước”, Bert Kwan – Giám đốc điều hành Northstar Group, một công ty đầu tư tư nhân hàng đầu Đông Nam Á tuyên bố.
Ông Bert Kwan nói thêm rằng, tố chất của những doanh nghiệp khởi nghiệp tại đây ‘rất phi thường và đáng kinh ngạc’. Riêng chính sách mà môi trường đầu tư thì không có điểm trừ nào. Ông đoán rằng, chỉ hơn 2 năm nữa sẽ có startup công nghệ Việt Nam IPO được ở nước ngoài.
Ông Tường còn lạc quan hơn. Ông đoán chỉ trong vòng 2 năm nữa thôi sẽ có startup công nghệ lên sàn nước ngoài. Startup trong nước giờ đang thiếu nhân sự giỏi. Tuy nhiên, tình hình có vẻ lạc quan. “Nhân tài đang quay lại”, ông nói.
Một số đại học hàng đầu trong nước đã bắt đầu đào tạo về khoa học dữ liệu. Khoảng 3 năm tới, nguồn nhân lực này sẽ bớt khan hiếm cho các startup. Vài startup lớn cũng đang thu hút được tài năng khoa học dữ liệu về nước làm việc. Một số đã chấp nhận bỏ mức lương 400.000 USD mỗi năm ở Silicon Valley để về nước với mức lương thấp hơn nhưng sinh hoạt phí rẻ hơn, nhiều cơ hội đóng góp và thi triển năng lực hơn. “20 năm trước, chúng tôi là số ít về Việt Nam còn bây giờ thì càng nhiều sinh viên trẻ muốn về vì thị trường cực kỳ phát triển”, ông Nam nhận xét.
Ông Lee Jea-Woong tin rằng, nuôi dưỡng được nhiều ‘kỳ lân’ sẽ giúp thay đổi nền kinh tế. Ngoài việc tạo ra và tái phân phối của cải, sự hiện diện của ‘kỳ lân’ còn tạo ra nền văn hóa doanh nghiệp ít tầng lớp, minh mạch hơn. “Thứ nhất, hãy xây dựng cơ sở hạ tầng cho họ. Thứ hai, hãy rộng đường cho họ phát triển, hạn chế các thủ tục giấy tờ”, ông khuyến nghị.
Viễn Thông