Cái duyên đến với cây dừa, cây bưởi của thầy Thuận (50 tuổi, ngụ ấp Phú Hòa, xã Phú Ninh, giáo viên Trường THCS – THPT Phú Thịnh) khá tình cờ. Thầy kể đất vườn trước đây chủ yếu trồng cây tạp nên năng suất không cao, thu nhập ít ỏi. Trong khi đó lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống và nuôi con cái ăn học, khiến thầy luôn trăn trở tìm cách tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Năm 2012, thông qua sách báo, biết trồng dừa dứa cho thu nhập cao, nhẹ công chăm sóc, phù hợp thổ nhưỡng tại địa phương, có thể vừa dạy học vừa làm kinh tế nên thầy quyết định mua 115 cây dừa dứa giống về trồng.
Tận dụng các khoảng đất trống giữa các gốc dừa, thầy Thuận trồng xen canh chuối cau, nhằm lấy ngắn nuôi dài. Đến năm 2013, thầy đốn bỏ chuối cau và trồng xen 50 gốc bưởi da xanh. “Theo suy nghĩ của nhiều nhà vườn, trồng xen cây bưởi với dừa trên cùng một diện tích đất thì khó thành công, vì cây bưởi không cạnh tranh lại cây dừa cao có tán bao phủ hết khoảng trống không cho cây bưởi phát triển. Tuy nhiên, giữa cây dừa và bưởi không có sự cạnh tranh về dinh dưỡng. Không những vậy, tán dừa còn làm mát cho bưởi nên cây nào cũng phát triển tốt, trái to, no tròn”, thầy Thuận nói.
Chia sẻ bí quyết thành công, thầy Thuận cho biết vườn cần thiết kế hệ thống mương dẫn nước theo hệ thống hở, cấp nước ở đầu nguồn, thoát nước ở cuối nguồn để tránh bị dồn phèn, mặn, độc chất ở cuối vườn; thiết kế hệ thống bơm tưới chủ động, đảm bảo tưới nước trong mùa nắng tối thiểu khoảng 10 ngày/lần. Bên cạnh đó, cần có hệ thống đê bao chủ động được nước, hạn chế vườn bị úng ngập trong thời kỳ mưa lũ, nhằm tránh dừa bị rụng trái non. Đặc biệt, thầy Thuận cho xẻ rãnh rất nhỏ, khoảng 60 cm để dẫn nước sông vào phục vụ cho hệ thống bơm tưới tự động cho vườn cây trái. Với cách làm này tiết kiệm gần 1.000 m2 đất làm mương để dư ra trồng thêm được cây trái.
Theo thầy Thuận, để dừa dứa đạt năng suất cao, thơm mùi dứa, người trồng phải bón phân, tưới nước đều đặn. Điều quan trọng hàng đầu là phải thường xuyên xịt thuốc trừ bọ cánh cứng chuyên làm hại đọt dừa, nếu không cây sẽ chết. Bên cạnh đó, để bưởi da xanh xen dừa tươi tốt, năng suất cao, thầy Thuận cho biết nên xử lý đất trước khi trồng, sử dụng phân bón hóa học có liều lượng hợp lý, sử dụng nấm đối kháng trộn với phân chuồng vun cho cây 6 tháng/lần (hoặc pha nước với nấm đối kháng tưới dưới gốc cây) vừa giúp cây phát triển tốt nhờ phân hữu cơ, đồng thời tiêu diệt nấm dại để bảo vệ cây bưởi. Bên cạnh đó, kết hợp nhử kiến vàng về cây bưởi để phòng trừ dịch hại trên cây.
Thầy Thuận cho biết dừa dứa sau 2 năm trồng bắt đầu cho trái. Mỗi cây có thể thu hoạch 180 – 200 trái/năm, thương lái từ TP.HCM đến đặt hàng thường xuyên nhưng không đủ để bán. Với giá bán dừa tại vườn vào mùa nắng 18.000 đồng/trái, mùa mưa 10.000 đồng/trái, sau khi trừ hết chi phí chăm sóc, mỗi năm thầy Thuận thu lãi trên 250 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm thầy còn bán trên 1.000 cây dừa dứa giống với giá khoảng 30.000 đồng/cây. Riêng 50 gốc bưởi da xanh, dù mới cho trái đã mang về lợi nhuận cho thầy trên 50 triệu đồng/năm.
Nhận thấy dừa dứa luôn hút hàng nên thầy Thuận đang có kế hoạch mua thêm đất để trồng xen canh bưởi da xanh và dừa dứa. Bên cạnh đó, thầy sẵn sàng hướng dẫn kinh nghiệm cho bà con nhà vườn tại địa phương muốn chuyển đổi sang mô hình xen canh này.