Nếu bạn ở vùng quê có nhiều rau đảm bảo uy tín, rau sạch, tươi ngon nhưng việc bán hàng trực tiếp không thu lại lợi nhuận cao, không được nhiều người biết đến thì hãy nghĩ đến ý tưởng kinh doanh rau sạch qua mạng.
Nhu cầu rau sạch hiện nay khá lớn, nhất là tại các thành phố đông dân, muốn tiếp cận thị trường rộng lớn đó bạn phải bán hàng online qua mạng.
Tuy nhiên không phải bán rau sạch qua mạng lúc nào cũng thành công, có rất nhiều khó khăn đặt ra cũng như vô số đối thủ trong lĩnh vực tiềm năng này.
Nếu đang có ý định kinh doanh rau sạch online thì bạn có thể tham khảo những bước cơ bản dưới đây.
1. Chuẩn bị vốn
Vốn luôn là vấn đề đầu tiên để kinh doanh bất kỳ 1 lĩnh vực nào đó. Khi kinh doanh rau sạch, bạn cần có vốn để nhập rau sạch bán cho khách. Vốn có thể nhiều hoặc ít tùy thuộc vào việc bạn tìm được nguồn hàng phải trả tiền trước hoặc sau.
Nhiều bạn ở vùng quê trồng rau sạch, nhờ quen biết có thể lấy hàng bán trước và trả tiền sau khi đã bán xong. Đó cũng là lợi thế giúp vốn ban đầu ít hơn. Nếu chính nhà bạn trồng rau sạch thì số vốn bỏ ra cũng sẽ nhỏ hơn. Bạn chỉ cần bỏ tiền cho việc xây dựng website, quảng cáo và vận chuyển hàng hóa, ship hàng cho khách.
2. Nguồn rau sạch
Đây được coi là khâu quan trọng nhất trong kinh doanh rau sạch.
Nếu ở quê, bạn có thể trực tiếp xây dựng hệ thống sản xuất rau quả sạch. Nếu bạn không sống ở 1 vùng quê trồng rau sạch xanh mướt thì bạn phải tìm kiếm nguồn hàng kinh doanh cho mình.
Để giải quyết vấn đề này bạn cần tìm về những vùng quê, các nhà vườn cung cấp rau sạch, đặc biệt cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng bởi rất nhiều nơi vẫn sử dụng thuốc trừ sâu.
Để công việc làm ăn thực sự ổn định, bạn cần tạo mối quan hệ lâu dài và tin tưởng với từng nơi cung cấp hàng cũng như có nguồn hàng ổn định vì việc thiếu hàng là khó khăn thường gặp phải khi rau bị sâu bệnh, nghịch mùa…
Để người mua tin tưởng rau sạch, rau an toàn bạn cần có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, giấy kiểm tra chất lượng.
Phải tạo được sự tin tưởng cho khách hàng, để khách biết rau của mình sạch thực sự chứ không nhập rau củ quả từ chợ hay các vườn rau không đảm bảo.
Bên cạnh đó, nguồn rau sạch phải phong phú, nhiều loại rau củ quả để đáp ứng nhu cầu phong phú của nhiều khách hàng.
3. Tìm hiểu thị trường
Trước khi kinh doanh bạn nên phân tích thị trường, lựa chọn đối tượng khách hàng.
Đối tượng khách hàng của rau sạch chủ yếu là chị em phụ nữ, những bà nội trợ gia đình có thu nhập, có mong muốn sử dụng thực phẩm an toàn cũng như có ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bạn có thể khảo sát thử tìm hiểu xem mức độ quan tâm của những người ở khu vực mình định kinh doanh xem họ có thực sự quan tâm không, khảo sát online trên các diễn đàn, các group, facebook… xem liệu họ có sẵn sàng bỏ chi phí cao hơn để mua rau sạch hay không…
Không chỉ có vậy, bạn nên xem xung quanh khu vực bạn sống có cửa hàng rau sạch nào chưa, giá cả thế nào, chuyên cung cấp mặt hàng nào, sức mua ra sao… để qua đó khảo sát tình hình thị trường kinh doanh.
4. Tìm hiểu giá bán
Thông thường rau sạch là mặt hàng có giá cao hơn ở ngoài chợ bình dân vì nó có uy tín hơn. Và người mua khi tìm đến sản phẩm của bạn cũng là những đối tượng đã sẵn sàng trả giá gấp 1,5-2 lần để được tiêu dùng rau sạch.
Do vậy điều quan trọng nhất là làm sao khách hàng tin rau bán online của bạn là rau sạch. Sau đó họ mới chi tiền để mua về.
Bạn cũng có thể áp dụng bán rau sạch theo combo, nhiều loại rau mix chung 1 giỏ hoặc nhiều loại rau dùng cho gia đình đủ 1 tuần… với mức giá hấp dẫn để thu hút khách hàng.
5. Xây dựng website, fanpage bán hàng
Bán hàng online là hình thức bạn lập fanpage hoặc website, cung cấp thông tin cá nhân, thông tin sản phẩm để mọi người khi có nhu cầu mua hàng sẽ trực tiếp gọi điện.
Bạn nên thiết kế giao diện đơn giản, dễ sử dụng, dễ quan sát cũng như cập nhật nội dung, hình ảnh, giá cả rau sạch update từng ngày. Ảnh nên đầu tư đẹp, xanh và tươi ngon bắt mắt, nội dung cụ thể, chi tiết và thông tin rõ ràng.
Ngoài ra bạn có thể chia sẻ những câu chuyện của các nhà vườn, câu chuyện trồng rau sạch, khó khăn gặp phải và nguồn gốc sản phẩm sạch để tạo sự tin cậy, hứng thú cho khách hàng…
Chia sẻ những món ăn ngon từ nguyên liệu sản phẩm sạch hay công dụng của các loại rau, gia vị… cũng được khá nhiều người hưởng ứng.

6. Tăng tương tác với khách hàng
Ngoài việc tư vấn nhiệt tình cho khách hàng, giao hàng nhanh, cân hàng chuẩn… để khách hàng tin tưởng vào nguồn rau sạch, bạn có thể mời khách hàng thân thiết đi tham quan vườn rau sạch (nếu gần), nơi cửa hàng thường nhập hàng. Việc này tăng sự gắn bó và giúp khách hàng tin yêu cửa hàng của bạn hơn.
Bạn cũng nên theo dõi, trả lời nhanh các câu hỏi, phản ánh của khách hàng, tránh tình trạng cả ngày khách hỏi mà không có câu trả lời. Sự thiếu nhiệt tình sẽ khiến khách bỏ bạn mà mua ở cửa hàng khác.
Để thu hút khách hơn, với những khách hàng thân thiết, bạn có thể khuyến mãi để tăng sự gắn bó.
Bạn có thể tặng kèm 1 gói muối iot, sách nấu ăn hay gói lá thơm dùng để tắm, gội đầu cho những khách hàng mua nhiều rau, thường xuyên của cửa hàng… Hãy áp dụng những chiêu riêng để thân thiện với khách hàng hơn nhé.
7. Khâu vận chuyển
Rau sạch cần tươi ngon nên khâu vận chuyển cũng khá quan trọng, bạn phải lựa chọn ship hàng nhanh cho khách, với những đơn hàng gần bạn có thể giao nhanh, với những đơn hàng xa, bạn có thể gửi xe.
Tuy nhiên quan trọng là khâu đóng gói cẩn thận để rau không bị nát khi vận chuyển và vẫn giữ sự tươi ngon đến tay khách hàng.
Dù sử dụng nhiều “chiêu” bán hàng hay ho nào đi nữa nhưng quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm của bạn là yếu tố đầu tiên, rau phải sạch, đảm bảo uy tín thì khách sẽ thường xuyên đến mua và quay lại với bạn.