Bò là vật nuôi ít bị rủi ro, dễ nuôi, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp, chủ yếu lấy công làm lời nên được nhiều nông dân chọn nuôi.
Những năm gần đây, nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng làm trang trại chăn nuôi. Nhu cầu về sữa bò, thịt bò ngày càng gia tăng, thị trường bò thịt giá cao, ổn định, do đó làm trang trại chăn nuôi bò là ý tưởng rất khả thi và cho lãi cao.
Dưới đây là những việc bạn cần chuẩn bị khi muốn làm trang trại chăn nuôi bò.
Tìm hiểu mô hình chăn nuôi bò
Để làm trang trại chăn nuôi bò, bạn cần phải tìm hiểu mô hình chăn nuôi này, về đặc tính của loài bò, bò sữa và bò thịt cần những điều kiện chăn nuôi ra sao, sinh sản và những loại bệnh thường gặp phải…
Bạn có thể đến những trung tâm khuyến nông, viện chăn nuôi hoặc các trang trại chăn nuôi bò khác để tìm hiểu và lấy kinh nghiệm. Ngoài ra bạn có thể học hỏi trên mạng internet, sách báo… cũng có rất nhiều kiến thức ý nghĩa.
Nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm
Khi đã có kiến thức cơ bản về loài bò, mô hình chăn nuôi bò, bạn phải xem thị trường xung quanh ra sao, khách hàng mục tiêu, nhu cầu của thị trường gần nơi bạn sinh sống, muốn kinh doanh để có thể chọn lựa nên nuôi bò sữa hay bò thịt, bò thương phẩm hay cung cấp bò giống…
Chuẩn bị vốn
Vốn để chăn nuôi bò ban đầu cũng không nhỏ, vốn dùng để mua bò giống, làm chuồng trại, trồng cỏ làm thức ăn cho bò, mua thức ăn, phòng bệnh…
Bên cạnh đó bạn cũng cần phải có vốn dự phòng những chi phí phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Ngoài số tiền cá nhân, bạn có thể huy động vốn từ gia đình, vay vốn ngân hàng, các hội quỹ địa phương để làm giàu thoát nghèo.
Làm chuồng trại
Chọn vị trí xây chuồng thích hợp (cao ráo, thoáng…)
– Hướng chuồng: Theo hướng Nam hoặc Đông Nam. Đảm bảo mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông.
– Kiểu chuồng: nuôi với qui mô nhỏ nên dùng kiểu chuồng một mái.
– Trong một trại chăn nuôi thường có các loại bò khác nhau. Như vậy, cần thiết kế các kiểu chuồng riêng cho từng loại bò. Thông thường có các loại chuồng cho bò cái sinh sản, bò tơ, bò đực giống, bê và chuồng cách ly (nhốt gia súc ốm).
– Từ số đầu con mỗi loại và yêu cầu diện tích chuồng nuôi cho mỗi con (tính bằng m2/con) mà tính ra diện tích chuồng nuôi cần xây dựng cho mỗi loại gia súc trong trại và tổng diện tích chuồng nuôi cả trại.
– Máng ăn, máng uống: lòng máng trơn láng tiện cho việc quét dọn ở bên trong. Đáy máng phải cao hơn mặt nền 0,2m. Máng uống có thể bố trí ở phía ngoài để gia súc đi lại uống nước, có thể dùng một phần của máng ăn để làm máng uống.
Mua con giống
Khi chọn bò giống phải chọn bò mập mạp, lưng bò rộng để nuôi, khi lớn bò mới có thịt bán giá cao.
Chọn giống chăn nuôi bò thịt chất lượng cao: Về ngoại hình chọn con có thân hình vạm vỡ, mình tròn, phía mông và vai phát triển, tổng thể nhìn vào bò có hình chữ nhật.
Thức ăn cho bò
Con Bò là động vật nhai lại, có hệ thống tiêu hóa phức tạp. Bò không thích hợp với thức ăn là tinh bột hay chất béo, thức ăn chính của nó là chuyển hóa Xen lu lo (cỏ, rơm và những chất có xơ) thành những Protein cần thiết để nuôi cơ thể.
Nếu bạn nuôi nhốt thì cũng dùng cỏ, rơm, các loại lá và trái cây (mít) có chất xơ bò mới tiêu hóa được, không bị bội thực (chướng hơi dạ cỏ). Các chất tinh bột như cám gạo, cám bắp… và khô dầu là những chất bổ sung.
Trong chăn nuôi gia súc nhai lại nói chung và bò thịt nói riêng kho chứa cỏ khô và rơm khô rất quan trọng. Người ta có thể tính được diện tích kho chứa trên cơ sở số đầu gia súc và lượng cỏ khô, rơm khô cần dự trữ cho mỗi con.
Ví dụ: cần dự trữ cho mỗi con bò trưởng thành 400kg rơm khô, mỗi con bê từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi 200kg. Biết rằng 01 m3 rơm khô có khối lượng 300kg. Như vậy, nhu cầu xây dựng kho chứa rơm khô cho một trại bò 100 con (trong đó có 50 con trưởng thành và 50 bê) là:
Lượng rơm dự trữ: (50 con x 400kg/con) + (50 con x 200kg/con) = 30.000kg
Thể tích kho chứa: 30.000kg : 300kg/m3 = 100 m3
Diện tích kho cần xây được tính toán trên cơ sở kho rơm chất cao bao nhiêu mét. Nếu kho rơm chất cao 4m thì trong trường hợp này diện tích kho chứa là 25m2.
Với bò sữa bạn có thể trồng cỏ voi để làm thức ăn cho bò.
Kỹ thuật chăn nuôi
Trong quá trình chăn nuôi, bạn phải chú ý từng giai đoạn của bò để có kỹ thuật chăm sóc cho tốt. Bên cạnh đó phải luôn vệ sinh chuồng trại thật sạch sẽ, chú ý phòng trừ bệnh cho bò để cho năng suất tốt.