Nguyễn Hải Đăng (sinh năm 1991), quê tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là người đã sáng chế ra máy cho tôm ăn đem về hàng trăm triệu mỗi năm.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, từng ước mơ vào bằng được đại học để có một cuộc sống tốt hơn. Năm 2010, Hải Đăng trở thành tân sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, trường ĐH Văn Lang TP Hồ Chí Minh trong sự vui mừng phấn khởi của cả gia đình. Nhưng đến năm 2, Đăng đột ngột quyết định dừng việc học đại học để đi… chơi. Sợ bị gia đình phản đối, Đăng giữ bí mật việc đi phượt xuyên Việt cùng bạn bè.
Chỉ với 3 triệu đồng trong túi, Đăng cùng một vài người bạn đi khắp 50 tỉnh từ TP Hồ Chí Minh ra tận Lũng Cú, Hà Giang. Mỗi nơi đi qua, chàng thanh niên 9x đều tìm việc làm thêm như hái chè, thu hoạch nông sản, rửa bát thuê…
Cũng chính trong thời gian này, Đăng bắt đầu trăn trở về vấn đề khởi nghiệp. Khi đi, Đăng luôn loay hoay với suy nghĩ, làm thế nào để kiếm được tiền, làm giàu với nông nghiệp, nhưng lại chưa biết bắt đầu từ đâu.
Chưa thỏa mãn với chuyến đi xuyên Việt, sẵn có khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt, Đăng quyết định sang Pháp và Đài Loan. Ra nước ngoài, Đăng nhận ra nông dân ở đây đều tự động hóa nông nghiệp, hầu hết rất giàu mà lại không hề vất vả.
Sau chuyến đi dài trở về, nung nấu ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm lao động thực tế, lúc này, Đăng quyết định vào làm thuê cho các trang trại nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Đăng chấp nhận công việc mỗi ngày làm việc đến 12h đêm, sáng lại dậy từ 4h cho tôm, cá ăn với mức lương… ngày ăn 3 bữa.
Sau khoảng gần 1 năm làm việc tại các trang trại, Đăng tích lũy cho mình khá nhiều kiến thức về thủy sản, đặc biệt là con tôm. Anh nhận thấy nông dân mình chủ yếu dùng sức người chứ chẳng có máy móc. Máy vẫn có nhưng giá quá cao, bà con không đủ tiền để mua.
Từ những trải nghiệm thực tế, năm 2013, Đăng cùng sự giúp đỡ của một người bạn, tìm tòi sáng chế ra chiếc máy cho tôm ăn với giá thành rẻ. Khó khăn nhiều vì ban đầu kiến thức cơ khí của Đăng và bạn không có nhiều, phải mày mò trên mạng, lên Sài Gòn học hỏi thêm.
Máy cho tôm ăn của Nguyễn Hải Đăng có sức chứa từ 20-25 kg cám, thanh quăng thức ăn xa từ 10-30m tùy loại. Mỗi chiếc máy chỉ nặng từ 10-15kg.
Điểm mạnh của chiếc máy này là giá thành rẻ, chưa đến 4 triệu một máy, vừa sức với các hộ nuôi trồng tôm ở Việt Nam. Máy được trang bị bộ hẹn giờ, nên không cần phải thức khuya dậy sớm cho tôm ăn, tiết kiệm sức lao động.
Thời gian đầu, Đăng xuất ra thị trường với số lượng dè dặt, chỉ vài máy, nhưng đến nay, cơ sở sản xuất của chàng trai 9x bán từ 100-200 máy mỗi tháng.
Cậu cùng bạn học cũ trên Sài Gòn lập website và các kênh bán hàng, vừa làm vừa tiếp thị sản phẩm. Chất lượng ổn định và giá hợp lý nên nhiều nơi đặt hàng, thị trường tiêu thụ từ Cà Mau ra Quảng Ninh.
Từ một người làm thuê với mức lương 0 đồng, Đăng trở thành ông chủ của cơ sở sản xuất cơ khí, mỗi năm thu lãi gần 400 triệu đồng. Sản phẩm máy cho tôm ăn tự động của Đăng hiện có mặt trên thị trường cả nước. Ngoài việc vận hành xưởng sản xuất máy, chàng thanh niên 9X còn kiêm thêm dịch vụ kiểm định chất lượng giống tôm cho bà con địa phương.
Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp, Đăng bộc bạch: “Tôi chưa từng thấy hối hận về quyết định nghỉ học. Có nhiều cách để học, với tôi việc học từ thực tế phù hợp hơn. Nhưng với những đứa em ở quê, tôi vẫn động viên cố gắng học tập. Chỉ khi nào thực sự cảm thấy việc học không phù hợp thì hãy nghĩ đến con đường khác, bởi nghỉ học giữa chừng chưa bao giờ là lựa chọn tốt nhất.”