Bỏ lương 30 triệu đồng về thành lập công ty IT ở làng

0
1597

Sau 5 năm đầu quân tại FPT với mức lương 30 triệu đồng/tháng, Vũ Văn Khôi quyết định bỏ về quê lập nghiệp, ai cũng ngỡ ngàng.

Nói đến môi trường để phát triển công nghệ thông tin, mọi người thường nghĩ ngay tới các thành phố lớn. Nhưng ở xã Việt Hồng (Thanh Hà, Hải Dương) – nơi đa số người dân quanh năm bận rộn với đồng áng lại có một doanh nhân trẻ thành công với công ty giải pháp phần mềm.

Từ bỏ mức lương 30 triệu đồng/tháng

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), anh Vũ Văn Khôi (sinh năm 1984) về đầu quân tại FPT với mức lương 30 triệu đồng/tháng. 5 năm làm việc tại đây đã cho anh Khôi trải nghiệm, học hỏi kỹ năng phát triển phần mềm, đặc biệt là phần mềm “nhúng” và cách đào tạo của người nước ngoài.

Được làm việc trong môi trường tốt với mức lương là mơ ước của nhiều người nên khi anh Khôi quyết định bỏ về quê lập nghiệp, ai cũng ngỡ ngàng. Nhưng anh có lý do riêng của mình.

Thời gian làm việc tại FPT, trong một lần được mời tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để kết nối máy xét nghiệm, anh Khôi đã “bén duyên” với lĩnh vực phần mềm y tế.

Ở thời điểm đó, đa số các bệnh viện chưa có phần mềm quản lý bệnh viện. Từ khâu đón tiếp, lấy số cho bệnh nhân đều thực hiện thủ công. Sau khi bỏ công việc hấp dẫn ở FPT, anh quyết định kết hợp cùng hai người bạn khai phá “mảnh đất” tiềm năng này.

Họ cùng nhau đi sâu nghiên cứu lĩnh vực công nghệ y tế. Đã có lúc phải tự mình làm tất cả các công việc, thấy rằng đây là lĩnh vực cần mở rộng nên Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Medibox Việt Nam (Công ty Medibox) được anh thành lập vào tháng 10/2015. Trụ sở doanh nghiệp đặt ngay tại ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh ở xóm 7, xã Việt Hồng.

Chặng đường khởi nghiệp của anh Khôi bắt đầu với rất nhiều khó khăn. Là công ty phát triển phần mềm tại làng quê nên nhân viên của anh Khôi cũng không phải là những kỹ sư công nghệ thông tin chuyên nghiệp. Họ là bộ đội xuất ngũ, người làm điện tử, người là thợ đóng tàu.

Tất cả được anh tuyển chọn, đào tạo lại bằng sự kiên trì, cầm tay chỉ việc. Mọi thứ ở công ty anh cũng rất đơn giản. Chiếc biển tên công ty được gắn sơ sài trước cổng. Khu nhà ngang nhỏ mới xây được anh và các đồng nghiệp gọi là “nhà xưởng”. “Dàn máy tính mới được chúng tôi trang bị lại chứ trước đây anh em toàn đi mượn máy cũ của bạn bè dùng tạm”, anh Khôi chia sẻ.

Phần mềm quản lý bệnh viện

Sản phẩm của Công ty Medibox là phần mềm quản lý các phòng khám, bệnh viện, kỹ thuật kết nối máy xét nghiệm. Phần mềm tổng hợp nhiều nghiệp vụ khác nhau như quản trị khách hàng, lưu giữ hồ sơ của những người đến khám chữa bệnh; tài chính kế toán, quản lý nguồn tiền, hóa đơn chi trả của bệnh nhân; quản lý xuất nhập tồn kho, kiểm soát nguồn dược, vật tư y tế; quản lý chi trả bảo hiểm y tế (BHYT)…

Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) đang ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện, phòng khám của Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Medibox Việt Nam
Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) đang ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện, phòng khám của Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Medibox Việt Nam

Giá trị lớn nhất mà sản phẩm này mang lại là làm cho khâu quản lý của các bệnh viện, phòng khám chính xác hơn, giảm bớt người làm ở khâu trung gian.

Ông Phạm Hồng Dự, nhân viên Phòng Vật tư thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Trước đây, để làm thủ tục xuất một thiết bị, vật tư, chúng tôi phải chạy từ tầng này sang tầng khác  xin xác nhận của các phòng, ban. Nay, mỗi cán bộ, nhân viên được cấp 1 Use, Password để truy xuất vào cơ sở dữ liệu tập trung của bệnh viện nên ngồi tại vị trí của mình chúng tôi cũng có thể xin các phòng, ban xác nhận trên hệ thống phần mềm”.

Đại diện một số đối tác khác sử dụng phần mềm này còn cho biết trước đây chưa có phần mềm, việc nhập thông tin BHYT được thực hiện bằng tay, hay bị nhầm lẫn, sai sót thì nay việc nhận diện thông tin bệnh nhân được thực hiện tự động qua mã vạch in sẵn trên thẻ BHYT kết nối với phần mềm quản lý bệnh viện. Thông tin đầy đủ, chính xác của từng bệnh nhân sẽ được truy xuất từ kho dữ liệu chung của Bộ Y tế.

Sau khi đăng ký dịch vụ khám chữa bệnh, bệnh nhân được in phiếu khám cùng số thứ tự và hướng dẫn tới từng phòng khám cụ thể để bác sĩ thăm khám. “Bệnh nhân chỉ việc ngồi chờ, theo dõi thứ tự của mình trên màn hình lớn trước cửa phòng”, ông Dự cho biết thêm. Việc xử lý dữ liệu tự động chính xác cũng giúp khâu thanh quyết toán với đơn vị bảo hiểm được thông suốt.

Cùng với chức năng quản lý khám chữa bệnh, theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, để tiện cho việc điều trị, phần mềm còn quản trị cả thông tin về bệnh nhân đã từng điều trị tại các cơ sở y tế thông qua việc kết nối với cơ sở dữ liệu chung của BHYT. Theo đó, hệ thống sẽ lưu trữ hồ sơ, lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân.

Các dữ liệu chi tiết từ họ tên, quê quán, số thẻ BHYT, tình trạng bệnh tật, số lượt thăm khám… đều được lưu giữ. Tính năng này giúp BHYT dễ dàng phát hiện những người cố tình trục lợi BHYT bằng cách thăm khám nhiều lần mặc dù không có bệnh. Cũng nhờ chức năng này, người bệnh ở nhà vẫn có thể đặt lịch khám chữa bệnh thông qua website của bệnh viện.

Ngoài tính tiện dụng, dung lượng phần mềm nhỏ gọn, không cần máy tính cấu hình cao, do dữ liệu trước khi đẩy lên hệ thống mạng đã được mã hóa nên tính bảo mật cao.

“Làm ra sản phẩm đã khó nhưng bán được còn khó hơn”, anh Khôi cho biết. Những lúc đi giới thiệu sản phẩm, ban đầu các đối tác nhìn anh bằng con mắt ngờ vực. Hầu hết họ từ chối hợp tác. Không nản lòng, anh mời các đơn vị này dùng thử sản phẩm để thấy công dụng của phần mềm có thể giúp khắc phục những hạn chế mà họ đang mắc phải.

Mặt khác, anh Khôi xác định, đây cũng chính là cơ hội để sản phẩm mình làm ra “va vấp” với thị trường, tìm ra những hạn chế chưa phù hợp với yêu cầu của thực tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo chỗ đứng trong lòng đối tác. Bản thân anh cũng từng tham gia rất nhiều hội thảo, lắng nghe các đối tác. Có thời gian anh rong ruổi trên khắp mọi miền tìm bạn hàng bằng chiếc xe máy cũ.

Qua thử nghiệm, đến nay công ty của anh Khôi đã trở thành đối tác cung cấp phần mềm tiện ích cho hơn 30 bệnh viện lớn ở miền Bắc như bệnh viện đa khoa các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp (Hải Phòng)…

Khi được hỏi tại sao anh không phát triển sự nghiệp của mình ở thành phố, anh Khôi khẳng định làm công nghệ thông tin không nhất thiết phải ở các thành phố lớn, chỉ cần có mạng internet. “Ở thành phố tuy dễ huy động nguồn nhân lực nhưng chi phí cao. Họ lại không có sự gắn kết, không sẵn sàng cùng tôi đi cả một chặng đường dài. Quan trọng nhất là bán được sản phẩm. Muốn vậy, sản phẩm làm ra phải mang lại giá trị đích thực”, anh Khôi giãi bày.

Công ty Medibox hiện tạo việc làm cho 7 lao động tại địa phương và 3 cộng tác viên ở các tỉnh khác. Anh Phạm Sỹ Tuấn ở xóm 6 (xã Việt Hồng) tốt nghiệp Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông nhưng chưa tìm được việc làm được anh Khôi nhận vào công ty. Anh Tuấn cho biết: “Anh ấy đã kéo tôi về gần với gia đình. Quan trọng nhất, tôi có việc làm với thu nhập ổn định”. Vì nhiều lý do tế nhị, anh Khôi không tiết lộ doanh thu của công ty. Nhưng việc cung cấp phần mềm cho hàng chục đối tác lớn trong nước có thể thấy doanh thu của Công ty Medibox không hề nhỏ.

Một công ty phần mềm xuất hiện ở giữa làng quê những ngày đầu rất lạ lẫm với người dân nơi đây. Do tạo ra việc làm ổn định cho con em địa phương nên mỗi lần cái tên Công ty Medibox được người dân nơi đây nhắc đến lại gắn liền với tên của vợ chồng anh Khôi một cách đầy yêu mến.

Theo Lê Hương/ Báo Hải Dương

Bỏ lương 30 triệu đồng về thành lập công ty IT ở làng
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here