9X Quảng Ngãi bỏ phố về quê khởi nghiệp trồng nấm

0
4044

Cô gái trẻ Nguyễn Thị Hảo (sinh năm 1993, thôn Thạch Thang, xã Đức Phong, Mộ Đức, Quảng Ngãi) từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã luôn tâm niệm rằng nên “về quê khởi nghiệp bằng một mô hình gì đó thay vì bám lấy thành phố làm thuê kiếm sống”.

Chính từ suy nghĩ đó mà 2 năm trước, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, Hảo đã quyết định từ bỏ giấc mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch ở TP HCM để ngược ra Hà Nội, Thái Bình rồi lại lặn lội vào miền Tây tầm sư học nghề trồng nấm.

9X Nguyễn Thị Hảo
9X Nguyễn Thị Hảo

Lúc đầu Hảo chú tâm nghiên cứu nấm linh chi nhưng rồi nhận thấy khởi nghiệp bằng loại nấm nhà giàu này “hơi căng” và đầu ra cũng không hề dễ dàng cho một người khởi nghiệp.

Mô hình trồng nấm linh chi hiện nay đã có nhiều người làm, vốn đầu tư nhiều, nhưng thị trường đầu ra chưa xác định được. Trong khi đó, nhu cầu về nấm ăn trên thị trường ngày càng cao, nhưng nguồn “cung” không đủ.

Dễ bán, dễ thu hồi vốn là suy nghĩ của cô gái con nhà nông. Sau nhiều đêm trăn trở, Hảo quyết định chọn mô hình trồng nấm rơm trên bông vải và bột cưa để tìm lối đi cho riêng mình.

Trồng nấm rơm trên bông vải và bột cưa là một mô hình đầu tư ít, nhưng đem lại lợi nhuận cao bởi toàn bộ nguyên liệu dùng để làm nấm đều là tận dụng phế phẩm như bông vải, bột cưa, bã mía, tro, trấu… Còn meo giống thì có giá rất rẻ. Tính ra chi phí để làm nên 1kg nấm thành phẩm chỉ mất khoảng 16.000 đồng, nhưng thu về gấp 4 – 6 lần.

Bên cạnh đó, quy trình trồng nấm rơm trên bông vải và bột cưa cũng gọn nhẹ hơn. Sau khi meo nấm được cấy xuống các mô đã chuẩn bị sẵn thì dùng bao bố để phủ lên. Thay vì dùng rơm để che đậy, thì dùng bao bố sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí. Cách làm này sẽ tạo độ ẩm và tránh ánh nắng trực tiếp vào các mô nấm, gây ảnh hưởng đến tơ nấm.

Theo đúng kỹ thuật, sau 9 ngày vô meo, nấm sẽ ra quả. Lúc này Hảo bắt đầu thu hoạch nấm. Thời gian thu hoạch là từ 15 – 30 ngày, tùy theo dinh dưỡng có trong nấm và nhu cầu của người trồng. Đặc biệt, sau khi thu hoạch xong nấm, toàn bộ phụ phẩm được Hảo sử dụng để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Lúc mới bắt tay vào công việc, Hảo cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều lần đã cấy meo giống xuống mà đợi mãi chỉ thấy mọc lèo tèo vài cái nấm. Những lúc như thế Hảo lại càng quyết tâm hơn, tìm tòi để khắc phục các nhược điểm.

Để trồng được nấm rơm đạt năng suất cao thì chẳng dễ dàng chút nào. Để có được thành công như ngày hôm nay, Hảo đã trải qua nhiều lần thất bại. Thế nhưng, có thất bại mới thành công; điều quan trọng là Hảo có quyết tâm và lòng đam mê. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho cô chủ nhân 9X.

Cùng với mô hình trồng nấm rơm ở ngoài đồng, Hảo còn đầu tư trang trại nấm trong nhà. Tuy làm nấm trong nhà tốn nhiều chi phí hơn, nhưng tránh được mưa gió. Hơn nữa, với phương pháp làm theo giàn kệ bằng lưới nên tiết kiệm được diện tích, nguyên liệu, mà có thể thu nấm ở cả hai mặt.

Nguyễn Thị Hảo trong trang trại nấm của mình
Nguyễn Thị Hảo trong trang trại nấm của mình

Sau hai năm, giờ Hảo có trong tay năm sào trồng nấm rơm ngoài đồng và một trang trại ở nhà.

Hảo luôn giữ trang trại nấm của mình những sản phẩm sạch nhất bằng phương thức canh tác hữu cơ. Hảo bảo rằng không thể chấp nhận thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất “dính” vào nấm của mình. Đó là cách làm giàu bền vững và hội nhập.

Trung bình mỗi ngày, Hảo thu hoạch từ 50kg đến 1 tạ nấm rơm. Với giá bán dao động từ 60.000 – 80.000 đồng/kg. Riêng những ngày Tết, giá nấm có lúc đội lên tới 240.000 đồng/kg đã đem lại cho Hảo nguồn thu nhập khoảng 60 triệu đồng/tháng. Trang trại nấm của Hảo cũng là nguồn sống của khoảng 10 lao động địa phương.

Hiện sản phẩm nấm rơm của Hảo rất được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh bỏ mối cho các chợ trong tỉnh, nhiều khách hàng ở tỉnh Quảng Nam đã trở thành bạn hàng thân thiết của Hảo.

9X Quảng Ngãi bỏ phố về quê khởi nghiệp trồng nấm
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here