6 năm trước, khi Foley lần đầu trình bày ý tưởng về một startup chuyên cung cấp máy chạy bộ mang tên Peloton với các các nhà đầu tư, họ đã tỏ ra rất dè chừng. Thậm chí, mặc dù nhiều nhà đầu tư tỏ ra quan tâm đến việc sở hữu một chiếc xe đạp thể dục trong nhà Peloton, họ vẫn còn rất do dự khi quyết định cấp vốn.
Kế hoạch của Peloton đưa ra có vẻ rất đắt đỏ và phức tạp: Sản phẩm của Peloton là những chiếc xe đạp thể dục trong nhà có kết nối Internet, được bày bán tại các cửa hàng bán lẻ hàng hiệu và kèm theo đó là cung cấp nhiều khóa học thể dục online có tính phí.
Foley cho biết, hầu hết các nhà đầu tư đều kêu trời với ý tưởng này. Họ cho rằng nó rất khó trở thành hiện thực và không thể tìm được đầu ra cho sản phẩm. Và, mặc dù nhận không ít những lời phản đối, thậm chí dè bỉu, song tinh thần của Foley vẫn không hề bị chuyển lay. Bởi vì, vị doanh nhân này tin chắc vào tầm nhìn của bản thân: Peloton sẽ là tương lai của dụng cụ thể hình.
“Tại sao mọi người lại không muốn được trải nghiệm cảm giác tham gia một lớp học có đầy đủ huấn luyện viên, và những người đồng hành bên cạnh ngay tại nhà của họ cơ chứ?”, Foley đặt câu hỏi.
Có thể nói, nếu đem so sánh tham vọng của Peloton với các thiết bị tập thể dục tại nhà cũng như các khóa học thể dục online có tính phí khác như SoulCycle hay ClassPass là không chính xác cho lắm. Peloton hoàn toàn không hướng đến việc tạo ra một cơn sốt tập thể dục. Đối với Foley, nguyện vọng của ông lớn hơn nhiều: Peloton muốn định hình lại hoàn toàn cách mọi người tập thể dục, thể hình. Tuy nhiên, tham vọng này ban đầu không gây được nhiều ấn tượng với các nhà đầu tư.
“Theo ước lượng của tôi, trong 3 năm đầu tiên, tôi đã trình bày ý tưởng với khoảng 400 nhà đầu tư. Và, 400 câu trả lời mà tôi nhận được đều là ‘Tôi không đầu tư’. Đáng nói, nhiều người còn muốn tôi quay lại 4, 5 lần và yêu cầu tôi gặp thêm nhiều đối tác cũng như các đơn vị quảng cáo khác, song cuối cùng vẫn nói ‘Không’. Tổng cộng, tôi đã nhận được khoảng 5.000 – 6.000 lời từ chối”, Foley nhớ lại.
Dẫu vậy, Foley vẫn không bỏ cuộc. May mắn thay, cuối cùng, Peloton đã nhận được tài trợ, nhưng không phải thông qua các đối tác liên doanh lớn như bản thân Foley đã kỳ vọng. Thay vào đó, startup của ông đã chuyển sang nhận các khoản đầu tư nhỏ lẻ từ hơn 200 nhà đầu tư cá nhân với mỗi tấm séc trị giá khoảng 100.000 USD.
Sáu năm sau, câu chuyện của Peloton giờ đã trở thành ký tích. Hiện, startup này có giá trị 4 tỷ USD và đã nhận được những khoản đầu tư từ các quỹ đầu tư lớn, trong đó có quỹ đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins Caufield & Byers. “Phải mất khoảng 5 năm để có được những khoản đầu tư lớn. Khi Mary Meeker [nhà đầu tư mạo hiểm tại Kleiner Perkins Caufield & Byers] gọi cho bạn và nói: ‘Này, tôi muốn đầu tư’ – cảm giác đó thật tuyệt”, Foley chia sẻ.
Tuy nhiên, Foley thừa nhận rằng, những năm tháng liên tục bị các nhà đầu tư từ chối đã khiến ông thay đổi khá nhiều. “Tôi từng là một chàng trai vui vẻ. Tôi vẫn là một chàng trai vô tư, nhưng sau nhiều năm tháng và những vết sẹo của những ngày đầu gây dựng Peloton, tôi đã trở thành một con người dễ hoài nghi hơn, chai sạn hơn”.
Foley ghi nhận những thành công gần đây của Peloton có một phần công lao của các thành viên sáng lập của công ty, nhưng cũng không thể phủ nhận sự kiên trì và niềm tin của ông đối với ý tưởng của mình. “Khi bạn nảy ra một ý tưởng, bạn phải chấp nhận hoặc là sẽ kiếm được nhiều tiền hơn từ nó và xây dựng một công ty lớn, hoặc là bạn sẽ mất hết tiền”, Foley nói.
“Thất bại không có trong từ điển của tôi. Tôi quyết định sẽ kêu gọi tiền đầu tư, và tôi biết, nếu tôi tiếp tục tiến lên, tôi có thể làm được”, ông nói thêm.
(Theo Bizlive – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)