Vườn của chị Trịnh Thị Thơm (thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) nằm ngay cạnh QL 3C hướng đi hồ Ba Bể đoạn Km70+300 (ngã ba Nà Tùm). Vừa đặt chân đến cổng, ánh mắt chúng tôi đã chạm ngay mảnh vườn với bạt ngàn cà pháo, cà tím, rau bí, rau ngót cùng vô số loại rau khác.
Khi chúng tôi đến, chủ nhân khu vườn đang quần xắn móng lợn, hì hục đánh vật với những xô vữa để hoàn thiện nốt chiếc chuồng lợn cùng hệ thống nước để phục vụ chăn nuôi.
Đặt xô vữa xuống, ngang tay quệt mồ hôi trán, chị Thơm cười bảo, tranh thủ làm cho xong cái chuồng lợn rồi còn làm việc khác. Cách chuồng lợn không xa là chuồng trâu, trong chuồng, 4 con trâu bình yên chóp chép nhai cỏ. Đây chính là “nhà máy sản xuất phân” chất lượng cao để nuôi giun quế của gia đình chị.
Chỉ tay về phía vườn trồng đủ thứ rau màu của mình, chị Thơm bảo, dù đã cuối mùa, nhưng vườn bí nhà chị vẫn cho thu hoạch khá đều. Các loại rau màu đều được chị dùng phân giun quế chăm sóc nên rất tốt, được khách hàng ưa chuộng và đến tận vườn hái.
Chị thơm cho biết, đất trong này cũng hẹp, chỉ có 4000m2 thôi mà cái gì cũng muốn trồng, con gì cũng muốn nuôi nên phải tính toán kỹ mới đủ diện tích. Riêng chuồng lợn, chuồng trâu, chuồng nuôi giun quế đã chiếm kha khá diện tích vườn.
Theo chị Thơm, việc trồng màu tuy thu nhập không cao nhưng đều, mùa nào thức nấy mà tiêu thụ cũng dễ. Thêm thắt vào cùng đàn lợn, đàn gà và những thứ khác nữa cũng tạm gọi là có đồng ra đồng vào dù không giàu được.
“Khi tôi thực hiện trồng màu, nuôi lợn, nuôi giun quế đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ Hội Nông dân như tạo điều kiện cho vay Quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ Hội làm vườn…
Tôi mua trâu, làm chuồng để lấy phân nuôi giun quế cũng một phần nhờ vào các nguồn Quỹ cho vay đó. Khi chưa có trâu, trung bình mỗi vụ tôi phải mua hơn 40 xe phân, giờ thì có “nhà máy sản xuất phân” tại vườn luôn. Phân trâu dành nuôi giun quế, giun quế lại làm thức ăn cung cấp đạm cho lợn, gà, cho phân sạch bón cho rau màu, giun quế cũng bán được nữa”, chị Thơm chia sẻ.
Ngoài vườn rau, chị Thơm còn luôn duy trì hơn 100 con gà mái lấy trứng cùng 20-30 con lợn trong chuồng. Chị Thơm cho biết, trung bình mỗi năm, gia đình chị bán ra thị trường được 5 tấn lợn hơi. Cộng các loại thu nhập từ rau màu, lợn gà cùng thu nhập từ cửa hàng, gia đình chị mỗi năm cũng dành được một khoản tiền kha khá.
Nói về mô hình làm kinh tế của chị Thơm, ông Trịnh Văn Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho biết, mô hình chăn nuôi trồng trọt khép kín của chị Trịnh Thị Thơm đang thực hiện rất hiệu quả. Tại địa phương rất hiếm có những gương làm kinh tế giỏi như chị Thơm.
“Năm nay, chúng tôi vừa trình đề nghị trao danh hiệu Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh cho gia đình chị Thơm, gia đình có thu nhập những 675 triệu đồng/năm. Hiện nay, tại địa phương, nhiều hộ chủ yếu vẫn chỉ làm một thứ, chưa có sự kết hợp chắn nuôi trồng trọt khép kín, lấy ngắn nuôi dài, tận dụng các ưu thế như cách làm của chị Trịnh Thị Thơm nên nguồn thu chưa cao.
Từ mô hình của hội viên Trịnh Thị Thơm, chúng tôi sẽ tuyên truyền đến các hội viên nông dân trên địa bàn xã để học tập và nhận rộng mô hình”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Phái thông tin.
Trao đổi với PV, ông Lý Ngọc Bằng, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Phái cho biết, chị Trịnh Thị Thơm là một điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương. Mô hình nuôi lợn, trâu, giun quế lấy phân trồng màu là ý tưởng tốt và thực tế đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho gia đình.
“Một mình chị xoay xở mà làm được thế thực rất đáng nể (chồng chị Thơm làm nghề sửa chữa xe máy nên không có nhiều thời gian phụ giúp vợ – PV). Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa những gương điển hình trong làm kinh tế như chị Thơm để có thể giải quyết vấn đề thu nhập, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương”, ông Bằng cho biết thêm.