Bỏ đại học “về vườn” khởi nghiệp

0
1563
Lê Phan Uy Phúc làm việc tại vườn cà phê rộng gần 5 ha, là nơi anh dự định chuyển đổi chăn nuôi gà, heo rừng trong năm 2018. Ảnh: C.T

Lê Phan Uy Phúc làm việc tại vườn cà phê rộng gần 5 ha, là nơi anh dự định chuyển đổi chăn nuôi gà, heo rừng trong năm 2018. Ảnh: C.T

Tới vườn cà phê của Phúc vào ngày đầu năm 2018, chúng tôi chứng kiến anh đang tất bật cùng 10 nam nhân công đang thu hái cà phê vào đợt cuối mùa vụ. Vườn cà phê này rộng gần 5 ha trên đồi cao hình bát úp và lổn nhổn đá sỏi được Phúc mua tại Thôn 10 (xã Lộc Nam) khoảng nửa năm nay. “Mình mua miếng đất xa khu dân cư, đá nhiều là có lý do. Ngoài giá khá mềm, sắp tới mình sẽ chọn nơi đây để chuyển các trang trại gà, heo rừng về nuôi, vừa bảo đảm môi trường chăn nuôi sạch sẽ vừa có diện tích tiếp tục các dự định lớn hơn” – Phúc chia sẻ. Phúc kể: Năm 2006, anh thi đậu vào Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh nhưng học được hơn một năm thì bỏ dở giữa chừng bởi lý do khá đơn giản: “Ở nhà không có ai làm việc nặng thay ba mẹ”. Nhưng về nhà làm vườn tại xã Lộc Thành được 5 năm, lấy vợ rồi sinh con, tới năm 2010, anh vẫn loay hoay với các dự định khởi nghiệp làm giàu của riêng mình. “Công việc vẫn là làm vườn quanh nhà, thu nhập cả năm mới chỉ đủ ăn, không dư dả bao nhiêu. Thấy bức bí quá ba mẹ cho vợ chồng mình ra ở riêng, chia cho 1 ha đất có cả cà phê và chè để tự làm. Sau đó, mình vay bạn bè được 60 triệu đồng rồi xây nhà. Xây nhà xong, số gạch còn thừa mình tự làm chuồng rộng khoảng 30 m2 và vay thêm tiền để mua gà giống nuôi thử” – Phúc chia sẻ ý tưởng rất tình cờ với mô hình nuôi gà ta bán công nghiệp của mình.

Thế nhưng, nuôi gà không phải là công việc dễ dàng, anh đã gặp không ít khó khăn do không tìm được đầu ra và đàn gà nhiều lần bị dịch bệnh. Tự tham khảo kỹ thuật, kinh nghiệm trên sách, báo, Internet…, anh còn lặn lội tìm đến các trại gà ở Đồng Nai để học hỏi kỹ thuật, cách chữa bệnh. Nhờ sự chịu khó học hỏi và biết cách áp dụng kiến thức vào làm nghề, anh đã có những thành công bước đầu. Sau hai năm, gà ta bán công nghiệp do Phúc nuôi đã có đầu ra ổn định tại thị trường trong tỉnh Lâm Đồng. Tới năm 2016, Phúc tiếp tục liên kết với các đoàn viên, thanh niên trong xã Lộc Thành nuôi gia công gà với số lượng từ 100 tới 300 con. Trong đó, giống, thức ăn, thuốc và nơi tiêu thụ do anh chịu trách nhiệm nên đã thu hút nhiều thanh niên tại địa phương tham gia. Từ thành công ban đầu, anh tiếp tục mở thêm 3 trang trại gà ta nuôi bán công nghiệp với số lượng 3.000 con tại địa bàn huyện Đạ Tẻh nhằm tranh thủ lợi thế về nguồn thức ăn rẻ hơn. Với giá bán gà khoảng 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu nhập khoảng hơn 800 triệu đồng/năm. Ngoài nuôi gà, Phúc cũng xây thêm chuồng trại nuôi hơn 10 con heo rừng sinh sản. Hiện, với 10 con heo nái trên anh thu lãi trên 100 triệu đồng/năm sau khi trừ các chi phí phát sinh khác. Trang trại gà, heo và vườn cà phê của Phúc đã tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 15 lao động với mức lương khoảng 4,5 tới 5 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về hướng đi sắp tới, Phúc cho biết: Thị trường nuôi gà, heo bán công nghiệp hiện nay đang có chiều hướng giảm giá, đặc biệt là người tiêu dùng đang ưa chuộng các loại gia súc, gia cầm sạch. Chính vì vậy, anh đang xây dựng kế hoạch chuyển các trang trại gà từ huyện Đạ Tẻh, heo rừng về nuôi tại trang trại mới theo hình thức truyền thống, nuôi tự nhiên 100%. Nói về bí quyết khởi nghiệp thành công, Phúc khiêm tốn: “Mình nghĩ ngoài may mắn thì chịu khó học hỏi, tìm tòi và không sợ thất bại là yếu tố để dẫn tới nhiều việc thành công”. Chị Võ Thị Viết Kha, Bí thư Huyện Đoàn Bảo Lâm cho biết: Anh Lê Phan Uy Phúc là thanh niên làm kinh tế tiêu biểu của huyện trong năm 2017. Ngoài kinh doanh giỏi từ số vốn ít ỏi, hiện anh Phúc còn tạo việc làm cho một số thanh niên tại địa phương. Ngoài ra, Phúc còn tích cực tham gia các hoạt động ở cơ sở, là tấm gương sáng cho các đoàn viên, thanh niên địa phương học tập, noi theo. Theo Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII năm 2017 vừa qua, anh Lê Phan Uy Phúc là thanh niên duy nhất tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng được Trung ương Đoàn trao tặng giấy khen do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương và đơn vị.

Bỏ đại học “về vườn” khởi nghiệp
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here