Phạm Minh Công và Trần Thanh Long – Sinh viên năm cuối, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng là hai sinh viên nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp bằng dự án làm máng ăn tự động cho heo.
Xuất phát từ ý tưởng giúp đỡ bố mẹ đỡ vất vả trong quá trình chăn nuôi, Công đã nghĩ đến việc làm dự án máng ăn tự động cho heo, nhưng mãi đến đầu 2016 Công cùng Long mới chính thức bắt tay nghiên cứu làm việc.
Công chia sẻ: Gia đình em làm nghề chăn nuôi heo đã hơn 20 năm, trải qua nhiều quá trình từ chăn nuôi thủ công, đến dùng bột công nghiệp, đến dùng máng tự động, nhưng đều không đạt hiệu quả, rồi lại quay về chăn nuôi thủ công. Vì thế, em đã ấp ủ ý tưởng làm một thiết bị tự động giúp ba mẹ em đỡ vất vả hơn trong chăn nuôi.
Máng ăn tự động dành cho heo là sản phẩm kết hợp giữa ý thức, kinh nghiệm, và quy trình chăn nuôi của người nông dân Việt với thiết bị tự động đã có trên thị trường; không những giúp người nông dân giải quyết được những khó khăn đang có, mà còn hướng người nông dân tới quy trình chăn nuôi chuẩn hơn, và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Để người nông dân dễ sử dụng, trên sản phẩm còn được trang bị bàn phím và màn hình LCD; giao diện và cách thức sử dụng thiết bị cực kì đơn giản, người nông dân chỉ cần nhập vào 4 thông số: số bữa ăn, số kg ăn, thời gian ăn đầu tiên, và thời gian ăn cách nhau.
Các thông số này rất thân thuộc với người chăn nuôi và mọi thứ đều được hiển thị trên màn hình LCD.
Ở 2 modem cao cấp hơn của sản phẩm, phục vụ cho đối tượng khách hàng không chỉ là người nông dân nhỏ lẻ, mà còn cho các chủ trang trại lớn, và cho các doanh nghiệp nuôi gia công.
Việc cài đặt và kiểm soát không còn trực tiếp trên máy nữa, mà được thực hiện trên một máy tính chủ bằng cách kết nối tất cả các máng heo vào mạng wifi và internet, từ đó việc quản lý số lượng lớn là rất đơn giản, hơn nữa còn có thể theo dõi giám sát từ xa mà không hề ảnh hưởng vào hoạt động bình thường của trang trại.
Sau gần 10 tháng làm dự án, khó khăn lớn nhất là về vấn đề con người. Đó là việc tìm cho mình những đồng đội thực sự tâm huyết mà có trình độ hiểu biết nhất định.
Khi chia sẻ dự án làm máng ăn tự động cho heo, Công cảm thấy có phần nản khi 100 ứng viên được hỏi, 75 người bỏ đi, 20 người hỏi thêm vài câu “bâng quơ”. Và thực sự đến lúc này, Công cũng có một đồng đội là Long tham gia bắt tay vào nghiên cứu.
Công cũng chia sẻ vấn đề thanh niên khởi nghiệp từ nông nghiệp: Muốn khởi nghiệp nông nghiêp thì phải hiểu được nông nghiệp, phải “ăn nằm” và có đam mê với nó. Nông nghiệp Việt Nam là thị trường rộng lớn cho các bạn trẻ khai thác chứ không quá khó như nhiều bạn trẻ nghĩ. Cần nhất là cái tâm và sự nỗ lực cao.
Với dự án này, nhóm mong muốn hoàn thiện các modem sản phẩm sớm nhất , đồng thời chuẩn bị ở mức tốt nhất các yêu cầu về mặt kinh doanh, để gọi được vốn đầu tư để tiến hành sản xuất, cung cấp giải pháp này đến rộng rãi người nông dân Việt. Trong đó nhóm cũng định hướng thành lập công ty nông nghiệp công nghệ cao mang tên SE.