5 loại hình doanh nghiệp nhà khởi nghiệp nên biết

0
1248

Hình thức doanh nghiệp của một công ty rất quan trọng, không những nó phân định quyền lợi, nghĩa vụ của các chủ sở hữu mà còn mang lại ảnh hưởng lâu dài đến hướng đi và tầm nhìn của công ty.

Quyết định thành lập công ty của mình theo hình thức nào là vướng mắc của hầu hết các nhà khởi nghiệp khi bắt đầu dự án của mình.

Dưới đây là 5 loại hình doanh nghiệp phổ biến cùng những ưu và nhược điểm rõ ràng startup cần biết:

1. Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) 2 thành viên trở lên

Là doanh nghiệp trong đó thành viên có thể là tổ chức, cá nhân (ít nhất là 2, không quá 50 thành viên) trong đó thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp. Chế độ chuyển nhượng vốn của loại hình này được điều chỉnh chặt chẽ nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên, hạn chế sự xâm nhập của người lạ vào công ty.

Ưu điểm:

Có tư cách pháp nhân.

Các thành viên của công ty TNHH 2 thành viên trở lên chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp nên ít gây rủi ro cho người góp vốn;

Số lượng thành viên trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên không nhiều (2-50) và các thành viên thường là người cậy nên việc quản lý, điều hành công ty không quá phức tạp;

Do chế độ chuyển nhượng vốn trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên được điều chỉnh chặt chẽ, phải chào bán phần vốn của mình cho các thành viên còn lại trước khi chào bán cho người ngoài nên nhà đầu tư có thể dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên, hạn chế sự gia nhập của người lạ vào công ty.

Nhược điểm

Công ty công ty TNHH 2 thành viên trở lên chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn là công ty hợp danh hay DNTN;

Việc huy động vốn của công ty TNHH 2 thành viên trở lên bị hạn chế do không có quyền phát hành cổ phiếu.

Do chế độ trách nhiệm hữu hạn nên uy tín của công ty TNHH trước đối tác, bạn hàng cũng bị ảnh hưởng, tuy nhiên không đáng kể.

2. Công ty TNHH 1 thành viên

Là do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, trong đó chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận của công ty khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả. Chú ý rằng: khi huy động thêm vốn góp của cá nhân, tổ chức khác, công ty TNHH 1 thành viên sẽ phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty Cổ phần.

Ưu điểm

Rủi ro cho chủ sở hữu của công ty TNHH 1 thành viên không cao do chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty.

Việc quản lý và điều hành công ty TNHH 1 thành viên không phức tạp bời chủ sở hữu công ty có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến các hoạt động của công ty .

Chế độ chuyển nhượng công ty TNHH 1 thành viên dễ dàng.

Có tư cách pháp nhân.

Chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp.

Nhược điểm

Chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn nhiều loại hình khác.

Chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn cho người khác.

Cũng giống như công ty TNHH 2 thành viên, do chế độ trách nhiệm hữu hạn nên uy tín của công ty trước đối tác, khách hàng cũng bị ảnh hưởng tuy nhiên không đáng kể.

Việc huy động vốn của công ty TNHH 1 thành viên hạn bị hạn chế do  công ty không có quyền phát hành cổ phiếu.

3. Công ty cổ phần

Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, và các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Tối thiểu 3 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa. Không như loại hình Công ty TNHH, cổ đông của công ty cổ phần có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. Đa số chủ sở hữu của công ty cổ phần là không trực tiếp tham gia vào hoạt động hàng ngày của công ty.

Ưu điểm

Có tư cách pháp nhân.

Mức độ chịu rủi do của các cổ đông không cao do các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp;

Phạm vi, khả năng hoạt động của công ty cổ phần rất rộng, ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực.

Cơ cấu vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt, hoạt động chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần là tương đối dễ dàng, vì vậy phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng (các cán bộ công chức cũng có quyền được mua cổ phiếu của công ty cổ phần)

Ưu thế mà các loại hình doanh nghiệp khác không có là Khả năng huy động vốn cho công ty cổ phần cao thông qua việc phát hành cổ phiếu.

Nhược điểm

Do bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt về chế độ kế toán, tài chính nên việc thành lập và quản lý công ty cổ phần phức tạp hơn các loại hình công ty khác

Việc quản lý và điều hành công ty cổ phần khá phức tạp do công ty thường có số lượng  lớn các cổ đông, có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ đông có lợi ích đối kháng nhau.

Có nguy cơ dễ bị người khác, công ty khác thôn tính.

4. Công ty hợp danh

Là doanh nghiệp, trong đó có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (thành viên hợp danh). Ngoài thành viên hợp danh, còn có thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Ưu điểm

Có tư cách pháp nhân.

Công ty hợp danh được hình thành dựa trên uy tín cá nhân của nhiều người và chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh nên công ty dễ dàng tạo được sự tin cậy của các đối tác, bạn hàng kinh doanh.

Việc quản lý, điều hành công ty hợp danh không quá phức tạp do thành viên là người có uy tín, tuyệt đối tin tưởng nhau và số lượng thành viên ít.

Ngoài thành viên hợp danh còn có thành viên góp vốn.

Nhược điểm

Bị hạn chế huy động vốn do không có quyền phát hành cổ phiếu.

Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.

Mọi thành viên công ty đều có quyền quản lý công ty như nhau.

Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên mức độ rủi ro của những thành viên hợp danh cao.

5. Doanh nghiệp tư nhân

Là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Ưu điểm

DNTN do 01 cá nhân làm chủ nên DNTN có toàn quyền đưa ra quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ DNTN cũng giúp tạo sự tin tưởng cho khách hàng, đối tác.

Ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình khác.

Nhược điểm

DNTN không có tư cách pháp nhân, chủ DNTN phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của chủ doanh nghiệp nên mức độ chịu rủi ro của chủ DNTN cao.

Vì trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp mà chủ DNTN chỉ được thành lập 01 TNTN, chủ DNTN không được làm thành viên hợp danh công ty hợp danh hoặc làm chủ hộ kinh doanh.

Bị hạn chế huy động vốn do không có quyền phát hành cổ phiếu.

Vậy các startup, nhà khởi nghiệp nên chọn loại hình nào cho công ty của mình?

Theo nhiều lời khuyên, startups nên chọn một trong hai loại hình công ty cổ phần và công ty TNHH do đặc tính giảm thiểu trách nhiệm của các thành viên sở hữu. Đặc biệt hơn là với môi trường và nền kinh tế Việt Nam tại thời điểm hiện tại, bạn có thể thành lập doanh nghiệp theo mô hình công ty TNHH trước, rồi sau đó dần lên kế hoạch chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Các bước thành lập công ty TNHH tại Việt Nam khá đơn giản, mô hình tổ chức và cơ cấu quản lý của loại hình này lại gọn nhẹ, hợp với những nhà khởi nghiệp khi phải tập chung nhiều vào các hoạt động kinh doanh, phát triển công ty.

Khi đã phát triển tốt, xác định đi được đúng hướng hay nhận được tiền đầu tư, các bạn hoàn toàn có thể chuyển đổi công ty của mình sang hình thức công ty cổ phần để huy động và tăng vốn nhanh hơn.

5 loại hình doanh nghiệp nhà khởi nghiệp nên biết
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here