Tại Lễ khai mạc sự kiện “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” (TechFest Vietnam 2016) do Bộ KHCN tổ chức ngày 12/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt các doanh nghiệp khởi nghiệp (DN KN) nói lên những cảm nhận, mong muốn trước các cơ quan quản lý Nhà nước và các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, nhằm giúp cộng đồng startup có thể bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.
Thứ nhất, điều các DN KN cần là có thật nhiều quỹ đầu tư, các nhà đầu tư thiên thần, có cơ chế tài chính trung gian để thu hút vốn đầu tư vì vì vốn là điều cần nhất đối với các DN KNST. Làm sao thủ tục chứng nhận đầu tư, thủ tục thành lập quỹ, công nhận quỹ được thuận lợi hơn…
Thứ hai là vấn đề về vốn. Các DN mong muốn Chính phủ, Trung ương, ban ngành và các cấp có thể đầu tư song hành với các Quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần để tạo điều kiện cho các DN KN phát triển.
Thứ ba, các DN KNST cũng mong muốn có một môi trường kinh doanh thông thoáng và không có giấy phép con. Bởi đặc thù của các DN KN DMST là thường liên quan đến CNTT và mạng online, trong khi nhiều vấn đề hiện chưa được pháp luật nêu rõ và liên quan đến an ninh an toàn thông tin nên có thể còn gây khó khăn cho các DN.
Thứ tư, các DN mong muốn các thủ tục tra cứu, bảo hộ về sở hữu trí tuệ cần rất nhanh và thông thoáng để giúp DN biết rất nhanh những công nghệ nào, những SHTT nào đã được bảo hộ để DN khỏi mất công tìm kiếm.
Thứ năm, các DN KN rất cần sự hỗ trợ ban đầu để vào được thị trường ví dụ như các ứng dụng, số hóa, truyền hình… Để những sản phẩm ban đầu này có thể vào thị trường và ra được nước ngoài, rất cần trong nước có sự chỉ đạo của Bộ ngành các cấp.
Thứ sáu là chính sách thuế khi chuyển nhượng vốn và cơ chế về thuế để hỗ trợ các DN đầu tư cho nghiên cứu và triển khai.
Thứ bảy, các DN rất muốn được tạo điều kiện để hình thành không gian làm việc sáng tạo chung. Nhà nước cần chỉ đạo bộ ngành hoặc các viện, trường thực hiện, từ đó là nơi cộng đồng DN giao lưu, gặp gỡ các nhà đầu tư thiên thần và các nhà đầu tư tiềm năng, các nhà tư vấn…. Hiện nay, tại một số trường đại học đã bắt đầu triển khai mô hình này nhưng cộng đồng DN KNST luôn mong muốn điều này được triển khai nhanh và mạnh hơn.
Thứ tám, liên quan đến vấn đề tư vấn, cộng đồng KN thường khởi đầu nhỏ, không có tiềm lực, không có kinh nghiệm cọ sát thị trường chứng khoán và luật pháp quốc tế. Chính vì vậy, cộng đồng DN này luôn muốn có sự hỗ trợ tư vấn luật từ phía các Cty luật, nhà nước và VCCI để anh em yên tâm mang ý tưởng của mình ra để KN. Bên cạnh đó, các DN này cũng thiếu kinh nghiệm về vấn đề kế toán vì không có đủ tài chính và khả năng tiếp cận với các Cty chuyên làm dịch vụ kế toán.
Thứ chín, liên quan đến các trường đại học, ngoài việc tạo không gian chung, anh em rất muốn đẩy mạnh nghiên cứu trong trường đại học, kết nối trường đại học với viện, DN; đưa không khí, tinh thần KN chung vào trường đại học từ đó không chỉ cung cấp nguồn nhân lực cho DN KN và là những người KN tiềm năng. Các trường đại học ở VN chủ yếu là các trường công lập, Bộ GDĐT cần có những chỉ đạo cụ thể cho các trường đại học lưu tâm đến vấn đề này.
Thứ mười, các DN KN luôn mong muốn có khách hàng lớn. Ví dụ như ứng dụng giao sản phẩm sạch, kết hợp với sản phẩm dạy nấu ăn thì phải kết hợp với DN có chuỗi phân phối sản phẩm lớn. Nhà nước làm thế nào để khuyến khích có các tập đoàn lớn và điều quan trọng hơn là các các DN sau này sẵn sàng mua lại toàn bộ để các DN KNST có vốn tiếp tục cho ý tưởng KN mới.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan phải cùng hành động, tháo gỡ khó khăn cho cho DN KNST bằng những văn bản thật cụ thể, bằng chính sách cụ thể. Có những yếu tố này, Việt Nam mới trở thành quốc gia KN và đi ra biển lớn, cộng đồng KNST không chỉ là một cộng đồng tiềm năng mà còn trở thành một cộng đồng lớn mạnh thực sự.