Kinh doanh online trong thời buổi hiện nay đang dần chiếm ưu thế hơn so với các mảng kinh doanh khác. Việc kinh doanh online cũng cần phải đăng ký theo trình tự, thủ tục nhất định.
Đối tượng nào phải đăng ký kinh doanh online?
Để thực hiện kinh doanh đúng luật, bán hàng online cũng như các hoạt động kinh doanh khác, trước hết chủ thể kinh doanh cần phải xem xét mô hình kinh doanh của mình có bắt buộc đăng ký hay không.
Theo quy định hiện hành, không bắt buộc đăng ký kinh doanh đối với “cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên”. Như vậy, chủ thể thực hiện bán hàng online không thuộc trường hợp cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh
Thương nhân hoặc tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại hoặc hỗ trợ doanh nghiệp, có website thương mại điện tử trên đó cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ sau:
– Dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.
– Dịch vụ khuyến mại trực tuyến.
– Dịch vụ đấu giá trực tuyến.
Bạn cần đăng ký tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư; nếu đăng ký hộ kinh doanh thì tiến hành thủ tục đăng ký tại Cơ quan đăng ký kinh doanh quận, huyện.
Thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công thương
Khi bán hàng qua website, bạn cần lưu ý trường hợp của mình có hay không phải đăng ký với Bộ Công Thương để làm thủ tục đầy đủ.
– Nếu website của bạn chỉ là website nhánh của mạng xã hội, không sở hữu tên miền riêng, thì sẽ không bắt buộc tiến hành thông báo hay đăng ký. Trách nhiệm thông báo, đăng ký là thuộc chủ sở hữu mạng xã hội nếu họ kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, có hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, hoặc mở Văn phòng đại diện hay thiết lập website dưới tên miền Việt Nam (khoản 1c, Điều 2 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ). Tuy nhiên, hoạt động mua bán trên website của bạn vẫn bị điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật liên quan.
– Nếu bạn lập website với tên miền riêng thì phải tiến hành thông báo với Bộ Công Thương trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn. (theo quy định tại Điều 53, Nghị định 52/2013/NĐ-CP).
Điều kiện đối với tổ chức thiết lập website thương mại điện tử bán hàng là tổ chức đó phải là thương nhân hoặc tổ chức mà trong chức năng, nhiệm vụ có bao gồm việc tổ chức hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc tiến hành các hoạt động thương mại điện tử.
Đối với cá nhân thì cá nhân đã được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân mới được thiết lập website thương mại điện tử bán hàng (Điều 52 Nghị định 52/2013). Trong trường hợp sử dụng dịch vụ của sàn giao dịch thương mại điện tử, cần phải lưu ý rằng sàn giao dịch điện tử đó phải được đăng ký với Bộ Công thương.
Website bán hàng online và những thông tin bắt buộc
Website thương mại điện tử bán hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin về người sở hữu website, hàng hóa, dịch vụ và các điều khoản của hợp đồng mua bán áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website.
Thông tin tối thiểu về chủ sở hữu website phải được công bố trên trang chủ website bao gồm: Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân; số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế thu nhập cá nhân của cá nhân;số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác.
Ngoài ra còn có quy định về thông tin sản phẩm, giá cả, vận chuyển hàng hóa… trên website.
Các mặt hàng không được phép kinh doanh online
Không được sử dụng website thương mại điện tử để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh sau:
– Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ.
– Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác.
– Rượu các loại.
– Thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến.
– Các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác.
Quy định xử phạt
Kể từ ngày 1/1/2014 Nghị định 185/2013 có hiệu lực, khi thiết lập website thương mại điện tử bán hàng, các cá nhân, tổ chức phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước, nếu không sẽ bị xử phạt hành chính.
Đối tượng bị xử phạt: chủ sở hữu website thương mại điện tử bán hàng.
Hình thức xử phạt:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 (Đối với tổ chức thì mức phạt này gấp 2 lần).
– Ngoài ra còn có thể xem xét đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử.