QUẢN LÝ và LÃNH ĐẠO

0
4080

Trong các lớp đào tạo CEO của tôi, khi hỏi về sự khác nhau giữa Quản lý & Lãnh đạo, thì hầu như đa số đều trả lời Quản lý là Quản lý các phòng ban, còn lãnh đạo là CEO, là Giám đốc điều hành hay Tổng giám đốc của doanh nghiệp. Thật ra, nói như vậy là chúng ta đang nghĩ đến chức danh của họ, chớ không phải là chức năng, chức trách của họ.

Phạm vi bài viết này sẽ bàn về sự khác nhau giữa Quản lý & Lãnh đạo dưới góc nhìn về chức năng, chức trách của người đứng đầu một nhóm.

NHẬN ĐỊNH CỦA CÁC CHUYÊN GIA

Peter Drucker từng nói: “Quản lý là làm việc đúng, Lãnh đạo là làm đúng việc” (Management is doing things right; Leadership is doing the right things). Làm việc đúng tạo ra hiệu năng (Efficiency), còn làm đúng việc thì tạo ra hiệu quả (Effectiveness). Một người thầy có kinh nghiệm dạy vi tính giỏi vài chục năm, sẽ có khả năng truyền đạt cho rất nhiều học viên những tri thức về vi tính (dạy tốt – hiệu năng), nhưng với tri thức đó, khi học viên đi xin việc và được yêu cầu ứng dụng vào những phần mềm mới nhất thì lại không làm được (làm không đạt – không hiệu quả). Cũng như nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền là đa số các trường đại học đào tạo ra sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, tất cả đều phải đào tạo lại. Theo cách nói của Peter thì trường đại học chỉ mới làm việc đúng, nhưng chưa đúng việc.

John C. Maxwell thì nói: “Quản lý là quá trình đảm bảo các chương trình & mục tiêu của tổ chức được thực hiện, còn Lãnh đạo là vấn đề xác định tầm nhìn và động viên con người (Management is the process of assuring that the programs and objectives of the organization are implemented. Leadership on the other hand has to do with casting vision and motivating people). Lưu ý các bạn sẽ thấy, ông dùng từ Management và Leadership, chớ không dùng từ Manager hay Leader, cho thấy ông đang nói đến chức năng (function) chớ không phải là vị trí (position) của người đứng đầu một nhóm.

Trong quyển sách Nhà lãnh đạo 360 độ, khi phân biệt giữa quản lý và lãnh đạo, John C. Maxwell viết: “Để hiểu rõ hơn hai khái niệm này, các bạn hãy nghĩ đến ví dụ về một con tàu chiến. Để hoạt động tốt, con tàu phải được điều khiển, cung cấp nhiên liệu & tiếp tế. Các hệ thống vũ khí đòi hỏi phải được sắp xếp đúng quy trình làm việc. Con tàu phải được bảo trì liên tục và tuân thủ theo hàng chục quy trình liên quan đến nhiều vị trí trên tàu… Nếu thiếu người quản lý, những hoạt động sẽ rất khó diễn ra. Và nếu không được quản lý, các mục tiêu sẽ không thể hoàn thành… Lãnh đạo là chỉ huy những người quản lý các quy trình. Nếu tất cả các công việc trong một tổ chức được thực hiện toàn bộ trên máy, tổ chức sẽ không cần lãnh đạo. Nhưng những người làm công việc và quản lý các quy trình không hoạt động như máy móc. Họ có cảm xúc, suy nghĩ, những khó khăn, hy vọng và ước mơ. Mặc dù có thể áp dụng hình thức quản lý với con người, song hình thức lãnh đạo luôn đem lại hiệu quả cao hơn…”

Stephen Covey trong quyển sách Thói quen thứ 8 thì cho rằng chúng ta chỉ có thể quản lý sự vật, vì chúng không có khả năng tự do lựa chọn. Theo ông, các sự vật đó là: Cơ cấu, Hệ thống, Quy trình, Hàng tồn kho, Các nguồn vật liệu, Các phương tiện, Các loại công cụ, Tiền bạc, Chi phí, Thông tin và Thời gian. Còn con người thì có khả năng tự do lựa chọn, chúng ta phải lãnh đạo chớ không thể quản lý họ.

CÁCH NHÌN CỦA TÔI

Quản lý và lãnh đạo là hai khái niệm khác nhau và có chức năng bổ sung cho nhau trong hoạt động quản trị kinh doanh. Tôi xin tóm lược lại sự khác biệt này như sau:

• Quản lý là xây dựng, tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các hệ thống, quy trình làm việc trong tổ chức.

• Lãnh đạo là tạo ra môi trường, dẫn dắt hành vi của tập thể nhân viên cùng nhau thực hiện công việc một cách tự nguyện tự giác để đạt mục tiêu chung của tổ chức.

Chúng ta có thể tóm gọn lại thành 8 từ: QUẢN LÝ CÔNG VIỆC, LÃNH ĐẠO CON NGƯỜI

Một tổ chức muốn vận hành chuyên nghiệp, đầu tiên cần phải có hạ tầng đầy đủ và thống nhất, đó chính là hệ thống cơ cấu tổ chức, hệ thống các công việc, các quy trình công việc,… làm nền tảng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức. Chúng ta có thể ví von nó như “phần cứng” của máy tính vậy. Tiếp đến là cần phải bố trí con người vào phụ trách vận hành hệ thống đã được thiết lập. đây giống như là “Phần mềm” của máy tính. Con người tuy có thể thực hiện theo quy trình đã định, nhưng do có sự tự do lựa chọn, con người chỉ cống hiến hết mình khi họ cảm thấy họ được quan tâm, tôn trọng, khi họ yêu thích nơi làm việc, yêu thích công việc và sẵn sàng cống hiến, điều này đòi hỏi sự lãnh đạo đủ tầm, có tâm và có tài của cấp trên. Nếu như trong máy tính, phần cứng và phần mềm đều quan trọng và cần thiết để máy vận hành tốt, thì trong quản trị, quản lý và lãnh đạo đều quan trọng như nhau trong việc đảm bảo tổ chức hoạt động hiệu quả. Tiến sĩ Paul Miesing đã từng nói: “ Nếu chỉ quản lý, bạn có thể là một Nhà quản lý hiệu quả, nhưng đề ra nhiều quyết định sai lầm cho tương lai của tổ chức bạn; Nếu chỉ là nhà lãnh đạo, Bạn có thể là một Nhà lãnh đạo có tầm nhìn, nhưng không nhận ra giá trị của những công cụ quản lý để mang tổ chức theo cùng bạn”. Như vậy, chúng ta phải vừa biết quản lý, vừa biết lãnh đạo!

Thật ra, khái niệm lãnh đạo không xa lạ gì với chúng ta, nó chính là phần chuyển đổi của nội dung CHỈ HUY (Command) hay CHỈ ĐẠO (Direct) mà chúng ta thường được nghe trong quản trị học. Trong quản trị học truyền thống, người ta đã định nghĩa quản lý là: Hoạch định – Tổ chức – Chỉ huy – Kiểm soát. Trong đó đối tượng của Hoạch định, tổ chức và kiểm soát chính là hệ thống và quy trình công việc; Và đối tượng của Chỉ huy chính là con người. Tuy nhiên, theo sự tiến bộ của nền văn minh, dần dà hành động chỉ huy, ra lệnh, có ý bắt buộc, độc đoán đã mất dần tính hiệu quả, và đã được thay thế bằng khái niệm Lãnh đạo, khi phong cách dân chủ, tự do thay thế dần phong cách quyền lực, độc đoán. Dưới đây là sơ đồ tóm tắt lại hai nội dung của Quản lý & Lãnh đạo của diễn giả Nidhi Arora, mời các bạn cùng tham khảo. Trong đó, các bạn sẽ thấy phần lãnh đạo đi liền với hai năng lực quan trọng nhất, đó là giao tiếp và động viên. Giao tiếp bao hàm khả năng gây ảnh hưởng, thuyết phục, giải quyết vấn đề & ra quyết định, huấn luyện kèm cặp,… Động viên bao hàm khả năng nêu gương, tự động viên, truyền cảm hứng,…

Ngoài ra, nhiều người cũng cho rằng việc lãnh đạo là của quản lý cấp cao, còn cấp thấp thì không cần thiết. Thực tế thì cấp nào làm việc càng nhiều với con người càng cần phải biết lãnh đạo nhiều hơn là quản lý. Trong sơ đồ dưới đây các bạn sẽ thấy sự phân chia giữa thời gian dành cho quản lý hay lãnh đạo của quản lý các cấp để biết phải sắp xếp thứ tự ưu tiên vào phần nào cho đúng việc.

Anthony Mỹ – Chuyên gia đào tạo & tư vấn doanh nghiệp (Freelancer)

Bài viết đăng trên group QTvKN

QUẢN LÝ và LÃNH ĐẠO
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here