POKEMON GO “MƯỢN XÁC TRẢ HỒN” – Đã Chết Chưa Hay Chưa Chết?
Các doanh nghiệp học gì ở hiện tượng Pokemon Go?
Ngày 9 tháng 7 năm 2016, trên đường cùng ba đưa mẹ ra phi trường đi Việt Nam, Levi nói: “ Mẹ ơi, mình bắt đầu đi săn tìm các nhân vật và báu vật dọc đường đi ra phi trường nhe. Cho con mượn phone mẹ để con tải Pokemon Go app.” Về đến Việt nam thì thấy bà con cũng xôn xao đi tìm phần thưởng cho vui thay vì chỉ đơn thuần dùng Google map để tìm đường đi.
Lúc đó, chỉ có một tháng tuổi Pokemon Go đã trở thành app được yêu chuộng nhất hành tinh. Apple nói rằng trong tuần đầu tiên, Pokemon Go có nhiều tải hơn bất cứ các app nào trong lịch sử. Chỉ ở thị trường Mỹ, mỗi ngày gặt hái 6 triệu đô la doanh thu qua in-app. Google đã từng sáng tạo game Ingress rất tương tự nhưng thành công khiêm tốn và không tạo hiệu ứng cao.
Sự kết hợp giữa Google với thương hiệu Pokemon là chiến lược ngoạn mục. Pokemon là thương hiệu đã có khoảng 20 tuổi đời. Tuy hiện giờ Mario và Tetris đứng đầu về game nhưng Pokemon khơi gợi và cuốn hút được nhiều thế hệ trung niên (những người đã từng là 8X, 9X khi Pokemon mới ra đời) và các bạn trẻ 8X, 9X hiện tại. Google sẽ không thể gặt hái sự lan tỏa “viral” nhanh chóng đến thế nếu không có thương hiệu Pokemon.
Pokemon Go cũng là ứng dụng đầy sáng tạo của AR (augmented reality)- tạm dịch là nâng cao thế giới thật qua thế giới ảo.
Tuy Pokemon GO không giữ được phong độ phát triển như trong hai tháng đầu, và gần 70% người tải áp đã ra đi. Vào thời điểm này… tháng 7 năm 2017 thì Pokemon vẫn còn khoảng 65 triệu người chơi mỗi tháng.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa học được gì qua hiện tượng Pokemon Go?
Đôi khi bạn không cần phải đổi mới- chỉ cần làm sống lại những ý tưởng bị lãng quên để giành được lợi thế cạnh tranh. Bạn có thể mượn “ thân xác” nào và thổi sức sống mới vào đó?
• Làm sống lại những ý tưởng cũ bằng cách thổi vào chúng một mục đích mới.
• Sáp nhập, hợp tác, mua lại một doanh nghiệp có tiềm năng và không quá đắt để mua lại.
• Thanh lý hoặc tái cấu trúc một doanh nghiệp hoặc một tổ chức thua lỗ để tái định vị nó theo một cách hoàn toàn mới.
• Thử nghiệm nhiều cái tên, mục đích khác nhau với cùng một nội dung để xem cai tên nào phù hợp nhất và cách thị trường người tiêu dùng phản ứng với nó.
• Sáng tạo lại hoặc làm lại thương hiệu trên những ý tưởng có sẵn.
Lan Phan Bercu – Bài viết đăng trong group QTvKN