Bài viết của bà Bùi Lê Mỹ Dung, Founder & Manager “Xưởng Content – Xưởng Sáng Tạo” – Đơn vị truyền thông thương hiệu & xây dựng nội dung digital marketing đăng trên Group Facebook Quản trị và Khởi nghiệp.
Lưu ý: Điều tôi sẽ nói trong bài này, là “nội dung SÁNG TẠO” – chứ không phải là nội dung copy paste, xào nấu, đạo hay thậm chí là text chữ đơn giản chứa thông tin…
1. Nội dung sáng tạo là gì?
Nội dung được tạo ra trong quá trình xây dựng thương hiệu không đơn thuần là bài viết, hình ảnh, âm thanh mà nó là tổng hòa của tất cả hình thức về nội dung phục vụ cho việc nghe, thấy, đọc, cảm nhận của công chúng.
Trong đó nội dung sáng tạo là những nội dung được tạo ra một cách dụng công, đầu tư chất xám, có ý tưởng mới lạ, mang lại sự thu hút đặc biệt mang giá trị tinh thần của thương hiệu. Tuy nhiên, nó có thể đi ngược lại số đông nhưng tuyệt đối không đi ngược lại những giá trị đạo đức, pháp luật nhằm đánh bóng một cách thô kệch. Sự tuyệt đối của nội dung sáng tạo chính là sức hấp dẫn tự nhiên nằm ở tinh thần nhân bản của thương hiệu.
2. Nội dung sáng tạo dành cho ai?
Nội dung sáng tạo của một thương hiệu không dành cho đại đa số công chúng. Bởi lẽ, tinh thần, giá trị, thông điệp của một thương hiệu chỉ dành cho đúng một nhóm đối tượng công chúng mục tiêu mà thương hiệu muốn xây dựng hình ảnh trong mắt họ.
Nghĩa là nội dung sáng tạo chỉ dành để hấp dẫn riêng một nhóm đối tượng, đánh vào đúng điểm nhạy cảm trong cảm xúc của họ, lôi cuốn tinh thần họ, hấp dẫn cảm xúc họ, từ từ dẫn dụ họ vào sự say mê mà tinh thần thương hiệu muốn truyền tải. Họ thực sự cho rằng thương hiệu đó là một thương hiệu giá trị, đáng tin cậy, tốt đẹp và dần dần biến họ trở thành tín đồ trung thành.
3. Ai là người tạo ra nội dung sáng tạo?
Người tạo ra nội dung sáng tạo không nhất thiết phải là người của chính thương hiệu đó. Họ có thể đứng ở góc nhìn của thương hiệu để đánh giá sự dụng công tạo ra một sản phẩm, sự say mê của người tạo ra thương hiệu bằng sự đồng cảm. Tuy nhiên họ cũng có thể đứng ở góc nhìn công chúng – là một khách hàng để tạo nên sự khách quan cần thiết.
Tuy nhiên, điều bất di bất dịch, là người sáng tạo nội dung thương hiệu phải là người yêu mến thương hiệu bằng sự nhiệt thành của mình. Say mê nghiên cứu từng chi tiết của một sản phẩm, bố cục sự sắp đặt của một cửa hàng, hay câu chuyện của người sáng lập ra thương hiệu. Họ phải thực sự thấu hiểu được LINH HỒN của thương hiệu và điều mà thương hiệu muốn truyền tải tới công chúng và khách hàng của họ.
4. Nội dung sáng tạo để làm gì?
Tôi cho rằng đây là câu hỏi được mong chờ nhất. Vậy chúng ta dụng công nghiên cứu về nội dung sáng tạo, vậy rốt cuộc nó để làm gì?
➣ Nó tăng giá trị của thương hiệu và sản phẩm
Giá trị thật của một sản phẩm nằm ở số cân nguyên liệu tạo ra và số giờ nhân công hoàn thiện. Tuy nhiên – giá trị sản phẩm đó bán ra trên thị thường lại không được tính bằng giá trị thật đó mà nó còn được cộng thêm 1 giá trị gọi là GIÁ TRỊ THƯƠNG HIỆU. Không phải ngẫu nhiên mà người ta mua Iphone chứ không phải Oppo, người ta mua son MAC chứ không phải một dòng son handmade nào đó. Vấn đề nằm giá trị thương hiệu – và khách hàng sẵn sang dốc hết túi tiền của mình chỉ vì 1 sản phẩm có biểu tượng táo cắn dở – chứ không phải bất kỳ sản phẩm nào na ná như vậy.
Tất nhiên, đó là ở tầm các công ty lớn – nhưng sự thật là bất cứ một doanh nghiệp nào cũng có thể làm tăng Giá Trị Thương Hiệu của mình lên bằng những nội dung sáng tạo. Bởi không chỉ truyền tải các nội dung lý tính – mà nội dung sáng tạo còn truyền tải được cả tinh thần, cảm xúc, thông điệp từ những sản phẩm nhỏ nhất – và nâng tầm lên là thương hiệu.
➣ Nó tạo ra nhóm khách hàng trung thành
Nhóm khách hàng trung thành là nhóm khách hàng gắn bó với thương hiệu, thường xuyên quay trở lại mua hàng, là 1 kênh marketing truyền miệng vì họ sẵn sang giới thiệu thương hiệu với bất kỳ ai.
Việc tạo ra nội dung sáng tạo – đồng nghĩa với việc tạo ra dấu ấn riêng của thương hiệu, tác động đến cảm xúc của nhóm khách hàng mục tiêu và biến họ thành khách hàng trung thành. Nghĩa là thứ khách hàng trung thành – không đơn thuần là sản phẩm hay bản thaan thương hiệu đó – mà chính là CẢM XÚC THƯƠNG HIỆU ĐEN ĐẾN: VD sự “tin tưởng”, “tự hào”, “đẳng cấp”, “phong cách” “sự nam tính” “sự tinh tế”…
➣ Tăng sức cạnh tranh trên thị trường
Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc các thương hiệu chạy đua để dành từng milimet thị phần của thị trường hoặc từng tế bào trong bộ nhớ của khách hàng mục tiêu. Thì SỰ KHÁC BIỆT chính là điều cốt lõi để thương hiệu chiếm ưu thế cạnh tranh. Không có cách nào ngoài việc đầu tư vào nội dung sáng tạo để tạo ra sự khác biệt đó.
Về góc nhìn cá nhân tôi cho rằng: Ở thời điểm bùng nổ của social media và kỷ nguyên của truyền thông 3.0 thì các thương hiệu thực sự muốn bền vững sẽ phải cần đến nội dung sáng tạo. Bởi nó là xu hướng và quy luật, nếu không bắt kịp xu hướng, hoặc sẽ bị bật ra khỏi quỹ đạo, hoặc sẽ thụt lùi trước những cơn bão sắp tới.
Một người trẻ làm công việc sáng tạo không biết góp sức gì ngoài việc chia sẻ chút kinh nghiệm nghiên cứu trong ngành. Hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp anh chị có hướng đi đúng đắn.