Niềm tin có ảnh hưởng lớn đến lòng trung thành của nhân viên, quyết định việc họ ở lại lâu dài hay rời khỏi công ty.
Sự gắn kết chặt chẽ giúp nhân viên cảm thấy có đóng góp thực sự, có cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp, từ đó dẫn đến kết quả tích cực cho cả cá nhân lẫn tổ chức: năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt hơn và lợi nhuận tăng.
Dưới đây là 8 hành vi nhà quản lý có thể thúc đẩy sự tin tưởng trong doanh nghiệp. Những hành vi này có thể đo lường được và có thể thúc đẩy để cải thiện hiệu suất.
1. Công nhận sự xuất sắc
Niềm tin của một nhân viên gia tăng khi họ được công nhận thành quả từ đồng nghiệp, bạn bè, sự công nhận hữu hình, bất ngờ, và được phổ biến rộng rãi.
Khi cộng đồng công nhận thành tựu của ai đó, sức mạnh của sự chúc mừng từ đám đông sẽ tạo cảm hứng để nhân viên đó tiếp tục đạt được các mục tiêu khác xuất sắc hơn nữa. Và nó mang lại cơ hội để người thành công chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cho những người khác học tập.
2. Tạo ra căng thẳng đúng liều lượng
Khi nhà quản lý giao công việc khó khăn cho nhóm, sự căng thẳng ở mức vừa phải giúp sản sinh ra chất dẫn truyền thần kinh làm tăng cường sự tập trung cũng như mối liên hệ xã hội của con người. Tuy nhiên phải là nhiệm vụ là khả thi và có thời điểm kết thúc cụ thể. Bởi mục tiêu mơ hồ hay bất khả thi là nguyên nhân khiến con người từ bỏ ngay cả khi chưa bắt đầu.
Theo nhiều nghiên cứu, các nhân viên thường sẽ có một ngày tốt lành khi họ hoàn thành được mục tiêu trong ngày. Các lãnh đạo nên thường xuyên đánh giá và điều chỉnh để không có mục tiêu nào quá dễ dàng hay quá khó khăn.
3. Để mọi người toàn quyền trong cách làm việc
Lãnh đạo cần cho phép họ được làm việc theo cách họ muốn, để nhân viên chủ động chọn cách làm việc tốt nhất. Việc tin tưởng đó tạo ra một động lực lớn. Nhiều nhân viên sẽ bỏ việc khi họ bị người quản lý tăng cường kiểm soát.
Sự giám sát và quản lý rủi ro giúp doanh nghiệp giảm thiểu sai sót nhưng sự tự chủ của mỗi nhân viên tạo ra sự đổi mới, bởi sự khác biệt mang đến những cách tiếp cận khác nhau.
4. Bật chế độ “job crafting”
Khái niệm “job crafting” nghĩa là người quản lý cho phép nhân viên linh hoạt thử sức ở những vai trò, vị trí khác nhau, giao phó thêm hay giảm bớt những nhiệm vụ cho nhân viên.
Khi công ty tin tưởng cho nhân viên lựa chọn dự án tham gia làm việc, họ sẽ tập trung năng lượng vào thứ họ quan tâm nhất.
Dù được linh hoạt nhưng nhân viên vẫn phải chịu trách nhiệm với từng nhiệm vụ. Những kỳ vọng rõ ràng được đặt ra khi nhân viên tham gia vào một nhóm mới. Họ phải chịu sự đánh giá toàn diện mỗi khi một dự án kết thúc. Do đó các đóng góp từng cá nhân vẫn có thể được đo lường.
5. Chia sẻ thông tin rộng rãi
Tăng cường chia sẻ thông tin giúp tăng niềm tin trong công ty. Sự không chắc chắn về định hướng của công ty dẫn đến stress mạn tính, ức chế phóng thích oxytocin và phá hoại sự gắn kết của các thành viên.
Sự cởi mở thông tin là “thuốc giải”. Công ty cần chia sẻ kế hoạch với nhân viên để làm giảm sự mông lung, thiếu định hướng rằng tại sao họ phải lưu lại công ty. Điều này cần được truyền thông liên tục.
6. Cố gắng xây dựng mối quan hệ
Khi một người có chủ ý xây dựng mối quan hệ xã hội, hiệu suất làm việc sẽ được cải thiện. Khi nhà quản lý thể hiện sự quan tâm đến thành công và quyền lợi của những thành viên, đội ngũ đó sẽ đạt được sự vượt trội hơn cả về số lượng và chất lượng công việc.
Lãnh đạo có thể giúp mọi người xây dựng mối quan hệ xã hội bằng cách tài trợ bữa trưa, các bữa tiệc sau giờ làm, và các hoạt động xây dựng đội nhóm. Khi họ quan tâm đến nhau, họ sẽ cố gắng làm việc tốt hơn vì không muốn người bạn của mình bị ảnh hưởng xấu.
7. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện
Nếu không phát triển con người, hiệu suất sẽ bị ảnh hưởng. Thông qua phát triển tài năng, một công ty có thể tăng trưởng bền vững.
Người quản lý gặp gỡ nhân viên thường xuyên, nhận báo cáo trực tiếp, đề ra mục tiêu rõ ràng, chủ động tiếp cận vấn đề và cho phản hồi thích hợp giúp nhân viên phát triển cá nhân lẫn nghề nghiệp tốt hơn.
8. Yêu cầu sự trợ giúp
Yêu cầu được giúp đỡ là dấu hiệu của một nhà lãnh đạo vững chắc – người có khả năng đưa tất cả mọi người cùng đạt được mục tiêu. Khi lãnh đạo cởi mở về những vấn đề không hiểu rõ, điều này sẽ giúp họ xây dựng lòng tin nơi nhân viên.
Yêu cầu sự giúp đỡ có hiệu quả vì nó thúc đẩy con người hợp tác với nhau một cách tự nhiên.
Là một lãnh đạo, bạn cần trợ giúp nhân viên của mình hoàn thành công việc, có đời sống tốt hơn, vun đắp niềm tin cho họ, đối xử tử tế với họ và tin tưởng họ.