Huấn luyện viên Park Hang-seo của đội tuyển bóng đá nam được chuyên gia đánh giá kế thừa tinh thần chính nghĩa cùng những nét cá tính và con người của đại tướng Võ Nguyên Giáp, mang lại nhiều bài học giá trị cho những người đứng đầu doanh nghiệp trong thế kỉ XXI.
Tối ngày 20/1 vừa qua, người hâm mộ bóng đá cả nước hồi hộp đón chờ trận đấu thuộc vòng 1/8 Asian Cup 2019 giữa Việt Nam và Jordan. Mặc dù chỉ ghi tên vào vòng đấu này nhờ tấm “vé vớt”, tấm vé cho các đội xếp thứ ba có thành tích tốt, những chiến binh áo đỏ vẫn làm nên kì tích khi giành chiến thắng thuyết phục trước đội bóng từng đứng đầu bảng B sau loạt sút luân lưu đầy bản lĩnh.
Việc đánh bại Jordan khiến nhiều chuyên gia, bình luận viên, người hâm mộ bất ngờ và được đánh giá là một trong những đỉnh cao của bóng đá nước nhà. Không chỉ là gói gọn trong bóng đá, bài học rộng hơn cho kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam khi lòng yêu nước đang dâng cao nhờ bóng đá là điều không ít người nhắc tới.
Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa (Chuyên gia chiến lược, Giám đốc trung tâm Khoa học tư duy, Bộ Khoa học và Công nghệ), thế hệ bóng đá hiện nay nói chung và trận đấu với Jordan nói riêng mang những điểm cực kì khác biệt về chiến lược và nghệ thuật quản trị cấp cao.
“Trận thắng Jordan thể hiện đúng triết lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam là “Yếu có thể thắng mạnh”. Tư duy này nằm trong truyền thống của lịch sử, thể hiện tinh thần “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn”,“Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có” từ thời Nguyễn Trãi (Cáo Bình Ngô) và tinh thần “tấn công thần tốc” của Quang Trung Nguyễn Huệ đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xây dựng trong chiến thắng chống Mỹ. Cách thể hiện của đội bóng trong hiệp hai đã làm đối thủ đi từ bị bất ngờ đến sợ hãi”.
“Khi yếu muốn thắng mạnh thì chỉ có cách đánh thật nhanh. Diễn biến thần tốc của Việt Nam trong hiệp hai đã thực sự gây choáng cho đội bạn khi họ không thể ngờ Việt Nam có thể đá tới tấp như vậy”, ông Hòa phân tích chiến lược của thầy Park.
Điều đáng chú ý là mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, đội bóng hiện nay “lại có tuổi nghề cao nhất trong lịch sử bóng đá”. Họ là những chàng trai đôi mươi nhưng đẳng cấp đã được thầy Park truyền được ngọn lửa khát vọng, tu rèn, tuân thủ và độ chuyên nghiệp của nghề bước vào độ chín từ các giải U23, Á vận hội Asiad, AFF Cup tới Asian Cup. “Chúng ta tràn đầy cơ hội để kỳ vọng vào thế hệ này sẽ làm nên chuyện cho vòng loại World Cup 2022”, vị chuyên gia chiến lược đầy hy vọng.
Chiến thắng trước Jordan không chỉ là trái ngọt dành cho đoàn quân áo đỏ quả cảm mà còn vinh danh người cầm quân tài tình, người được gọi là “thầy phù thủy” với nền bóng đá Việt Park Hang-seo – một con người hết sức đáng trân trọng, khiêm tốn và tử tế với nghề, với đời.
“Ông Park đã có một chiến thuật rất chi tiết và xuất sắc khi tổ chức phòng thủ chặt trong hiệp một trước sự tràn lên của đội mạnh. Thế nhưng diễn biến tràn lên tấn công của Việt Nam trong hiệp hai thật sự gây sốc đến ngỡ ngàng và không ngờ rằng, ông Park dám chơi một cuộc chơi tất tay như thế”.
Không chỉ mang lại những kết quả đáng ngưỡng mộ, vị huấn luyện viên người Hàn còn âm thầm mài giũa tài năng, biến những chàng trai trước đây không mấy người quan tâm trở thành những cái tên được tìm kiếm hàng đầu vì lối đá hay, kĩ thuật cao và đặc biệt, kéo niềm tin với bóng đá nước nhà quay trở lại và dâng cao.
Với ánh mắt lấp lánh niềm vui trong vị thế một người hâm mộ và nhà phân tích, ông Thái Hòa cho rằng: “Điều đặc điểm ở vị huấn luyện viên này chính là đẩy cao tài năng của từng vị trí. Chưa bao giờ, Việt Nam có một đội hình hậu vệ tài năng như vậy cũng như hàng loạt cái tên sáng đã được phát hiện như Trọng Hoàng (vốn đá trái kèo), Văn Hậu hay Văn Đức vốn vô danh lên tuyển”.
Không ai có thể phủ nhận thành công của bóng đá nam nước nhà trong hơn một năm trở lại đây khi những kì tích liên tục được tạo ra và ở đó, ông Park Hang-seo thật sự là một mảnh ghép lớn vào bức tranh tinh thần không chỉ trong bóng đá. Sự thành công đã vượt ra ngoài thể thao để trở thành một điểm tựa niềm tin và lòng yêu nước của người Việt Nam.
Người phù thủy đến từ xứ sở kim chi đang đẩy đội tuyển Việt Nam lên 1 đỉnh cao, kéo động lực trong các cầu thủ tăng lên nhiều lần. Kết quả ấy đến từ chính sự hy sinh, tận tụy, tận tâm, thậm chí là lao động 200% của một người huấn luyện viên nhận lương tháng hàng thấp nhất, của một ông già ở tuổi 60 tưởng chừng như đã hết thời tại Hàn Quốc.
Dù mang về những thành tích không tưởng và chưa từng có cho Việt Nam, ông Park lại luôn khiêm tốn và từ chối nhận bất cứ công trạng nào cho mình. Cách ông từ chối khéo 2 tỷ thưởng riêng HLV trưởng của Thaco Trường Hải sau AFF Cup, và cách ông không tham vào các thu nhập đãi ngộ cũng như tiền thưởng của đội tuyển đã đem lại sự kính trọng cao nhất trong mắt mọi người.
Ông vẫn kiên trì, nhiệt huyết truyền lửa tới đội tuyển, tham gia trong từng sinh hoạt nhỏ nhất và tạo ra mối liên kết như một gia đình, thúc đẩy đội tuyển chinh phục những đỉnh cao không giới hạn.
Ông Park xuất hiện giữa lúc Việt Nam rơi vào thứ khủng hoảng quan trọng nhất – khủng hoảng niềm tin, giữa lúc người ta không còn hào hứng với môn thể thao vua vì những thông tin tiêu cực. Thế nhưng, niềm hân hoan với bóng đá quay trở lại và thậm chí mãnh liệt hơn bao giờ, lan tỏa đến từng ngõ phố, con đường.
Có lẽ chưa bao giờ, cả dân tộc Việt Nam lại hướng đến bóng đá mạnh mẽ như vậy và chắc chắn, hình ảnh đoàn xe, đoàn người cùng âm thanh của còi, của trống và sắc cờ đỏ thắm trên khắp các con phố sẽ là kí ức rất đẹp trong tiềm thức của người dân Việt.
Nhân vật điển hình cho CEO thế kỉ XXI
Ông Thái Hòa nhận định: “Trong bối cảnh kinh tế khoa khăn, khủng hoảng niềm tin giữa bối cảnh thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay, hình ảnh ông Park xuất hiện như một nhân vật điển hình cho CEO thế kỉ XXI, hội tụ tất cả các yếu tố của một nhà lãnh đạo bản lĩnh và tận tâm”.
“Trong nghệ thuật cầm quân, Việt Nam có những mô hình rất hay, tiềm tàng trong người Việt như chiến tranh nhân dân mà đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm rất thành công. Ông Park Hang-seo gần giống với đại tướng khi người cũng nhỏ con, hiền lành, đầy tình yêu thương, khiêm tốn trước thế giới nhưng vào công việc lại cực kì chi tiết và dám đột phá liều lĩnh”.
Vị huấn luyện viên người Hàn được đánh giá mang tố chất của một nhà lãnh đạo thành công trong thế kỉ XXI khi cực kì chi tiết, nắm được chân tơ kẽ tóc trong đội tuyển; khi sở hữu suy nghĩ khác người, tư duy đột phá và đặc biệt là rất vô tư, hồn nhiên.
“Ông Park cực kì khác biệt đến mức quái và rất khó có thể đoán được đội hình ra sân. Mỗi trận đấu là một sự bất ngờ đối với đối thủ về một nhân vật nào đó trong đội. Đây là điển hình cho tư duy sang tạo chiến lược, chiến thuật cực quái của một người CEO”, ông Hòa phân tích.
Theo vị chuyên gia này, người phù thủy Park Hang-seo sở hữu 5 yếu tố cần thiết với một nhà lãnh đạo để thành công, bao gồm: khả năng tư duy tự ngẫm, khả năng tham gia vào cuộc rất chi tiết, sự hợp tình hợp lý và chính trực không thiên vị, sử dụng trực giác để ra quyết định và cuối cùng là tràn đày tình yêu thương trong sinh hoạt với cả đội.
Hình ảnh đội tuyển Việt Nam trong năm qua cũng giống như nhiều doanh nghiệp Việt đang rơi vào tình thế phải thay đổi “chuyển yếu thành mạnh”, cạnh tranh từ “thế yếu chống mạnh” trước các đối thủ, nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam, bắt đầu từ tình huống khủng hoảng và cần sinh tồn. “Tình thế sinh tồn đó sẽ là nền tảng để xây dựng tương lai. Trong lúc khủng hoảng nhất, công ty, doanh nghiệp hay đội bóng sẽ phát hiện ra những điểm yếu nhất của chính mình”, ông Hòa nhấn mạnh.
Ông Park nhận lại đội tuyển từ huấn luyện viên Hữu Thắng với ba tử huyệt cố hữu lâu nay của bóng đá Việt Nam là: thủ môn không ổn định, hậu vệ bị tâm lý và khủng hoảng niềm tin vào huấn luyện viên không công bằng.
Chính những thành công ngày hôm nay lại được ông Park xây dựng từ những điểm yếu này như kiên định giữ Văn Lâm và bồi dưỡng chuyên môn từ nền tảng chuyên nghiệp, tuyển chọn và xây dựng dàn hậu vệ từ kém tâm lý thành khát vọng, lì lợm, đá lăn xả nhất vì toàn đội và tỏa sáng vì sự công bằng của người đứng đầu.
“Mặc dù được bầu Đức trả lương nhưng trong nhiều trận bóng, ông không nhất thiết đưa bất cứ cầu thủ nào của Hoàng Anh Gia Lai vào nhiều trận đấu. Ngôi sao lớn nhất là đội tuyển chứ không lệ thuộc Công Phượng, Quang Hải hay Anh Đức. Tuy nhiên, khi nhận thấy thời điểm phù hợp, nhà cầm quân người Hàn vẫn tung vào sân những chân sút đến từ câu lạc bộ này”.
Trong công cụ quản trị doanh nghiệp, cách tốt nhất vượt qua khủng hoảng là triển khai truyền thông nội bộ và đào tạo bằng cái Tâm.
“Khi chúng ta khủng hoảng nhất về tinh thần, mất niềm tin thì càng cần đẩy mạnh truyền thông nội bộ bằng tình yêu thương và rõ ràng, thầy Park làm đúng nguyên lý này”, ông Thái Hòa nhận xét.
“Trong truyền thông nội bộ, điều quan trọng nhất là phải vẽ ra được viễn cảnh tốt đẹp. Ngày hôm qua dù rất tệ nhưng nếu sống trong sợ hãi, đau buồn, khủng hoảng thì không ai ngẩng đầu lên được. Do đó, người chủ doanh nghiệp cần đẩy mạnh viễn cảnh tốt đẹp và cần dấn thân thay đổi”.
Bên cạnh đó, kiến tạo tư duy phụng sự cũng là phương thức giúp vượt qua khủng hoảng. “Thầy Park đang làm việc với tư duy phụng sự cả hai dân tộc Việt, Hàn. Ông từng xem mình là một người Đại sứ văn hóa Việt – Hàn chứ không đơn thuần là một người huấn luyện viên làm công ăn lương. Dù nhận lương không cao so với các nước, ông Park vẫn đang tạo ra những giá trị vô hình cực kì lớn và để làm được điều tương tự, truyền thông nội bộ cần dương cao ngọn cờ chính nghĩa và cái tâm sáng”.
Cuối cùng, giá trị của một người CEO cần phải tiến tới vô ngã, nghĩa là bỏ bớt cái tôi để luôn luôn vượt lên trên. Ông Park để lại những di sản cho bóng đá Việt Nam để từ đó phát triển và “tôi liên tưởng đến hình ảnh kế thừa từ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp ở tinh thần bất khuất, khát vọng quốc tế nhưng vẫn rất nhân văn dựa trên truyền thống dân tộc Việt Nam”, vị chuyên gia trầm ngâm.
Chia sẻ về sự may mắn và niềm hạnh phúc từ bóng đá và ông Park mang lại suốt thời gian qua, Giám đốc trung tâm Khoa học tư duy nhấn mạnh: “Tôi cho rằng ông Park đang đóng vai trò một thiên sứ trong bóng đá và doanh nhân cần học tập ông như “người phù thủy” chiến lược, vạch ra một lối đi trong nghệ thuật quản trị doanh nghiệp và vượt qua khủng hoảng”.