Chuyện đưa vũ nữ lên sàn đấu giá ở đất nước mặt trời mọc của ông Huỳnh Tấn Sơn ghi một dấu ấn lớn trong giới chơi lan trong nước. Không chỉ mang lại cho ông thu nhập tiền tỉ, mà còn giúp hàng chục nông hộ khác cũng có thu nhập cao qua chuỗi liên kết trồng lan vũ nữ. Mô hình sản xuất của ông đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của nhiều lãnh đạo cấp trung ương và các địa phương khi đến Lâm Đồng, đồng thời cũng là nơi các bạn trẻ khắp nơi tìm đến học hỏi, chia sẻ chuyện khởi nghiệp.
Duyên tình vũ nữ
Huỳnh Tấn Sơn vốn xuất thân từ gia đình kinh doanh vàng bạc, đá quý, nhưng do yêu nông nghiệp nên năm 31 tuổi ông chọn lĩnh vực này để khởi nghiệp. 4 năm sau, ông mở Công ty TNHH Hoa Mặt Trời để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ban đầu chưa có hướng đi cụ thể, ông trồng đại trà các loại hoa đồng tiền, cát tường, lily, hồng môn… nhưng do thị trường bấp bênh nên ông quyết đi tìm cây gì đó để trồng ổn định hơn và đến với lan hồ điệp, vũ nữ. Qua tài liệu trên mạng, cùng với chuyến sang Đài Loan tham quan, ông biết được nhu cầu lan vũ nữ ở Nhật Bản rất lớn, thế là ông về tập trung trồng với mộng xuất khẩu hoa.
Đến năm 2012, thấy vườn lan vũ nữ hơn 1 ha của mình khẳng định được chất lượng, ông chủ động mời đối tác Nhật sang thị sát để chào hàng. “Nhìn vườn hoa của tôi, người Nhật mê tít về chất lượng, nhưng họ không đặt hàng bởi sản lượng hoa quá ít, chi phí sẽ rất cao và họ bảo khi nào có vài triệu cành/năm thì họ sẽ mua. Càng suy nghĩ tôi càng thất vọng bởi 1 ha chỉ trồng được khoảng 400.000 – 500.000 cành, giờ kiếm đâu ra diện tích đất lớn, lấy vốn đâu mà đầu tư”, ông Sơn nhớ lại.
Mộng “xuất khẩu vũ nữ” tưởng chừng tan vỡ, thì cũng năm này ông lại có chuyến xuất ngoại thứ 2 sang Đài Loan. Lần này ông tìm hiểu vì sao bên họ nhiều người có diện tích lớn để sản xuất? Thế rồi bài toán nan giải đã được ông giải mã, đó là liên kết.
Trở về nước, ông mở hệ thống liên kết với nông dân tại địa phương để sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lan vũ nữ. Đồng thời, ông cũng xây dựng nhà xưởng trị giá 15 tỉ đồng để đóng gói, bảo quản hoa với công suất 7 triệu cành/năm; đầu tư phòng nuôi cấy mô, sản xuất 3 triệu cây giống/năm. Năm 2015, các “nàng vũ nữ” của ông chính thức xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản. Đến nay ông có tổng cộng 46 ha trồng lan vũ nữ (chi phí đầu tư 9,5 tỉ đồng/ha), trong đó 40 ha liên kết với 50 hộ nông dân khác. Hiện 20 ha đang cho thu hoạch, năng suất khoảng 8 triệu cành/năm và 50% trong số đó được xuất khẩu; doanh thu bình quân 5 – 6 tỉ đồng/ha/năm; giải quyết việc làm cho 300 lao động với mức lương khoảng
5 triệu đồng/người/tháng. “Phía công ty cung cấp giống cùng một số dịch vụ đầu vào thiết yếu, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật và là đầu mối tập trung sản phẩm, đóng gói, vận chuyển, thực hiện xuất khẩu. Phía hộ dân liên kết đầu tư cơ sở hạ tầng, trồng và chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển hoa về nhà xưởng của công ty để phân loại đóng gói”, ông Sơn giải thích hình thức liên kết.
Ngoài ra, công ty đã mời các chuyên gia Đài Loan, Nhật Bản về chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy mô, sản xuất hoa vũ nữ, quy trình xử lý, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển xuất khẩu bằng đường biển cho các hộ dân và đến nay đã mở gần 100 lớp như vậy. Đồng thời, ông Sơn cũng thường xuyên tổ chức thảo luận rút kinh nghiệm về kỹ thuật sản xuất, thông tin thị trường, nâng cao nhận thức về thương mại quốc tế cho nông dân.
Chuyên nghiệp để ra biển lớn
Ông Sơn cho biết: “Sau khi hoa đến Nhật sẽ được đưa lên sàn đấu giá, giá bán được bao nhiêu họ gửi về cho công ty, công ty công khai giá bán được của lô hàng cho hộ liên kết. Sau khi trừ các khoản chi phí vận chuyển, chiết khấu… còn lại các thành viên tổ hợp tác, hộ dân được hưởng theo số lượng hoa mình cung cấp. Diện tích trồng hoa của gia đình tôi cũng được hưởng lợi nhuận như các thành viên liên kết khác, tất cả đều được công khai. Đến nay lan vũ nữ của chúng tôi đã tham gia đấu giá trực tiếp tại 20 sàn đấu giá Nhật và chỉ có lan vũ nữ của chúng tôi là đến từ Việt Nam tham gia đấu giá ở các sàn này”.
“Hoa xuất khẩu và tham gia đấu giá bên Nhật thì yên tâm lắm, bởi luôn ổn định và tiền bạc thì không lo bị nợ. Bên họ có quy định rõ ràng, nếu sản phẩm nhiều và đẹp, duy trì ổn định thì người sản xuất được định giá; còn sản phẩm chất lượng, vẫn đẹp nhưng sản lượng thất thường thì sàn đấu giá định giá; tiếp nữa là chất lượng và hình thức xấu hơn thì người mua lẻ định giá. Bởi vậy, nếu chất lượng có tốt, có đẹp nhưng sản lượng ít, không đáp ứng nhu cầu là bị hạ cấp ngay”, ông Sơn cho hay.
Cũng theo ông Sơn, thị trường lan vũ nữ bên Nhật rất lớn, cần khoảng 100 triệu cành/năm, nên cần liên kết bền vững để ổn định và phát triển thêm diện tích, sản lượng. “Vấn đề quan trọng nhất là con người chứ kỹ thuật và quản lý không khó, kể cả chuyện xuất khẩu vào thị trường khó tính mình cũng đã chinh phục được rồi. Thực tế cũng có người trong liên kết của mình thấy tưởng “đủ lông, đủ cánh” liền tự rút khỏi liên kết, nhưng “ra riêng” đâu phải dễ bán được hàng. Nông dân cần hiểu là chuyện xuất khẩu và xuất khẩu ổn định phải có số lượng lớn, sản phẩm có nguồn gốc, có thương hiệu; giải quyết được chuyện “sản lượng, chất lượng” thì mới thắng. Làm ăn cần uy tín, giữ cam kết với khách hàng, nên cần bà con liên kết ổn định tư tưởng, nông dân đồng lòng thì nhất định thành công”, ông Sơn chia sẻ tâm tư.
Ông Sơn cho biết thêm, nhìn vào thị trường Nhật có thể thấy chất lượng lan vũ nữ Việt Nam hơn hẳn Đài Loan, vượt gấp đôi trọng lượng hoa của họ. Người Nhật cũng nhìn nhận lan vũ nữ trở về đúng thiên đường của nó là khi trồng ở vùng đất nam Tây nguyên này.