Tổng giám đốc nhượng quyền Pepsico Vietnam Huỳnh Thị Xuân Liên nói về cuộc cách mạng thân tâm của chính mình, với bảy thói quen mà chị đã đúc kết sau một quãng đời dài kinh doanh đầy thăng trầm và thử thách.
Luôn nhắc mình không phải là… phụ nữ để làm việc như mọi người. Vươn lên vị trí cao trong một tập đoàn đa quốc gia, người phụ nữ gốc Huế xinh đẹp và giàu lòng trắc ẩn ấy đã chọn cách đền đáp cuộc đời bằng việc không ngừng tạo cơ hội mới cho lớp trẻ, không ngừng chia sẻ cả kiến thức và tình yêu thương đến cộng đồng xã hội.
Hơn 10 năm đồng hành cùng Suntory Pepsico Việt Nam, chị đã thành công trong việc dẫn dắt các nhãn hàng của Suntory Pepsico vượt qua bao thách thức, trở thành dẫn đầu thị trường, với sự quyết liệt, táo bạo, và khả năng thấu hiểu khách hàng của một thiên tính nữ.
Tốt nghiệp sư phạm Huế, chị quyết định Nam tiến lập nghiệp. Khát vọng đầu tiên là phải thay đổi chính cuộc đời mình, và phải là người có trách nhiệm thay đổi cả gia đình mình, để cha mẹ bớt khổ. Lúc ấy gia đình bán vật liệu làm bia, tiền đếm từng bao. Nhưng đến năm thứ hai, gia đình bị vỡ nợ, nhà hết sạch tiền. Thế là vừa đi học, vừa đi dạy kèm tiếng Anh khan hơi rát cổ để kiếm tiền mưu sinh.
“Tôi nhớ mãi căn nhà ở nhờ, hễ mưa cái là nước ngập đến tận gối, một mình tát cả nước cống nước mưa suốt đêm đến sáng, nước ngọt cũng rất khan hiếm, rửa rau xong còn để dành rửa bát. Từ đó tôi biết quý những gì mình có được, và chẳng bao giờ sợ cực. Mọi việc trong nhà của đàn ông mình đều tự làm hết, tính xông pha quen rồi. Chồng tôi cứ bảo kiếp trước tôi là đàn ông, người ta chưa kịp làm mình đã xông vào rồi, chẳng ngại gì cả”, chị kể.
Bắt đầu với LG, rồi chuyển qua Dutch Lady, sau đó đi Mỹ định cư, qua sáu tháng thấy không thích nữa lại bỏ về. Nhiều người nói chị khùng, nhưng chị chưa bao giờ thấy hối tiếc quyết định của mình khi về Việt Nam.
Với Pepsico, yếu tố con người là quan trọng nhất. Chuẩn giá trị của Pepsico không treo trên tường, mà đi vào cuộc sống hàng ngày, làm việc dựa trên sự giao quyền, tôn trọng lẫn nhau, và tôn trọng cả đối thủ cạnh tranh, tôn trọng tất cả những gì đang có ở Pepsico.
Chị Liên cảm thấy con đường sự nghiệp của mình khá may mắn, giống như hai tay đồng điệu, tay trái là nỗ lực của bản thân, tay phải là sự ủng hộ, yêu thương của mọi người, công ty cho mình cơ hội. Khi được đề bạt lên chức Phó Tổng giám đốc trong Suntory Pepsico ở tuổi 35, mọi người thường hay nói đùa rằng chị làm cho độ tuổi trung bình của ban giám đốc giảm đi. Chị vui với những gì mình đạt được.
Quản trị bằng yêu thương
“Ở Pepsico, tôi có được sự trải nghiệm, cộng thêm văn hóa cực kỳ tốt của sự hỗ trợ, thông hiểu, để cùng nhau làm tốt hơn. Trong phát triển con người, khi người ta tin ai có khả năng thì không ngại trao cơ hội, dù lúc đó họ chỉ đạt 80%. Mình tri ân người sếp như anh Phạm Phú Ngọc Trai, và những người sếp sau anh, luôn trao công việc và trao cơ hội”, chị tâm sự.
Giờ giữ vị trí cao, chị làm y như vậy với các nhân viên của mình. Nếu thấy tương lai của người khác, chị sẵn sàng trao cơ hội để họ phát triển. Khi tin ai đó sẽ đặt trọn niềm tin, trao quyền, rồi đứng sau để cùng dắt tay họ, “thả” từ từ khi họ đã vững vàng, giống như dìu đứa bé khi mới biết đi. “Cách sống đó thực sự tốt đẹp”, người đẹp Pepsico chia sẻ.
Coi trọng nguyên tắc quản trị bằng yêu thương, đối với sếp hay chị lao công, chị đều cùng một cách yêu thương. Theo chị, sự chính trực nằm ở đó, không phân biệt đối xử. Để vươn lên vị trí cao nhất nhì trong một tập đoàn đa quốc gia với một phụ nữ không đơn giản. Dựa trên nguyên tắc cái gì đúng là làm, không bị những cảm xúc yếu đuối dẫn dắt, để họ thấy “con nhỏ” này không nhỏ. Họ biết chị là con gái, nhưng không vì thế mà đối xử với chị khác đi.
“Các sếp hay nói về mình là rất mở lòng để đón nhận những điều người khác nghĩ về mình mà không …xù lông nhím. Điều đó giúp ích mình rất nhiều. Nếu mình xù lông chẳng bao giờ đón nhận được điều gì, cũng chẳng ai chia sẻ với mình nữa. Đón nhận người khác nói về mình như một món quà, nếu họ nói mình chưa tốt đôi khi chạnh lòng, nhưng phải ngồi xuống nghĩ lại tại sao họ nghĩ mình như thế.”
“Mình đón nhận những lời chỉ trích của người khác một cách tích cực, và đặt hết công sức và tâm huyết vào công việc của mình, nhờ đó được mọi người yêu thương, vì nhỏ này không “phùng mang trợn má” mà biết lắng nghe. Sau này mấy Phó tổng khác cũng đi tìm mình học hỏi kinh nghiệm, dù lớn tuổi hơn mình, thậm chí có người còn không dám nhận chức. Mình đã khuyến khích anh ấy, giờ anh là Phó tổng hai năm rồi.”
“Khi đã cố gắng hết sức rồi thì đón nhận thành công hay thất bại cũng nhẹ nhàng hơn, không bị đắm chìm vì thất bại, cũng không “bay” quá sức khi thành công, cho mình sự cân bằng”, chị kể.
Là một nhà lãnh đạo thiền, chị thiền khoảng nửa tiếng mỗi ngày, nhờ đó có sức làm việc hiệu quả hơn. Có ngày họp tới bảy, tám cuộc, đến cuộc thứ 6 chị không biết nói gì nữa, nhưng chỉ ngồi thiền 10 phút thấy đầu sáng ra liền. Chị mong có tiền để tài trợ cho các thầy mở nhiều hơn các lớp thiền cho giới trẻ, cho nữ doanh nhân để giúp các em và bạn bè vượt qua áp lực cuộc sống, cân bằng thân tâm.
Một điều chị luôn đau đáu là muốn lãnh đạo được người khác, thì trước tiên phải hoàn thiện chính mình, lãnh đạo được chính mình: “Khi nói đến lãnh đạo, một câu hỏi thường đặt ra là “làm sao lãnh đạo công ty, đội nhóm thành công?”. Có bao giờ ai đó đặt câu hỏi “làm thế nào để người khác muốn được bạn lãnh đạo?”
“Chúng ta thường có khuynh hướng nhìn ra bên ngoài, ít ai chịu nhìn vào bên trong mình. Làm sao có thể truyền cảm hứng cho người khác nếu không có cảm hứng từ chính bản thân? Trước tiên phải tin vào chính những điều mình nói. Muốn thế, trước tiên phải nói sự thật, đúng với chúng ta, tốt cho chúng ta. Muốn được người khác tôn trọng mình, trước tiên phải tôn trọng bản thân mình”, chị Liên chia sẻ.
Nhưng làm thế nào để có thể biến những điều đó thành hiện thực?
“Đó chính là nghệ thuật quản trị bản thân”, chị chia sẻ.
Bảy bài học quản trị bản thân
“Chúng ta đôi lúc là nô lệ cảm xúc của mình, đôi lúc thần thánh hoá cảm xúc của chúng ta. Tâm của chúng ta là một nhà ảo thuật vĩ đại, có thể biến những thứ rất nhỏ trở thành rất lớn, những thứ bình thường trở thành quá sức tồi tệ. Nếu tôi đeo chiếc kính màu xanh, thế giới sẽ xanh hơn, nếu tôi đeo kính lúp, mọi thứ đều được phóng to ra. Khi quá vui, quá hạnh phúc, ta nhìn mọi thứ tươi sáng. Khi quá tồi tệ, mọi thứ ta nhìn đều xấu xí.”
“Tôi là người rất thích ôm con gái, một ngày về nhà, vừa ôm con gái đẩy mình ra… tôi rất buồn nói với con: “con không yêu mẹ nữa à?”. Tôi đang đồng hoá chuyện không thích ôm của con với chuyện yêu thương. Con trả lời đơn giản: “Vì con đang nóng!”, nhưng mình quy chụp cho con vì không yêu mình. Đó là lúc tôi nhận ra tâm mình thật sự là nhà ảo thuật vĩ đại.”
Và chị có bảy thói quen để quản trị bản thân.
“Bắt đầu bằng việc nhận biết bản thân tôi giỏi gì, không giỏi gì? Khi nào tôi vui, khi nào tôi buồn. Tôi đeo kính xanh vì tôi biết đường đang nắng, phải đeo để mắt mình dịu lại. Cứ thoải mái với những gì không thoải mái, tôi biết tôi không hoàn hảo, đó là điều đầu tiên.
Thứ hai, tôi biết đặt mình vào vị trí người khác, để biết và hiểu điều người khác đang nghĩ, biết tại sao họ làm điều đó. Ai cũng có điều mình cho là đúng, không ai giống ai.
Thứ ba, cần làm gì với vấn đề này, thay vì cứ đặt câu hỏi tại sao việc này xảy đến với mình? Đó là thói quen thứ ba của tôi.
Thói quen thứ tư, cứ cho người khác có ý định tích cực với mình đi. Có lần tôi mới đi Malaysia về, bên đó họ bán rất nhiều áo đen in hoa. Tôi mặc vào công ty, một cô bạn nói: “Ôi chị giống mẹ em ghê”. Tự dưng mình sựng lại, “Giống mẹ em có nghĩa là mình… quá già ư?” Cô ấy nói thêm: “Ồ không, mẹ em cũng thích mặc áo in hoa giống chị.”
Hãy đừng “phùng mang trợn mắt” với những gì người khác nói về mình.
Thứ năm, xem phản hồi như món quà để thực sự hoàn thiện mình, nên tôi nghe lời phê bình rất thoải mái, suy nghĩ cho bản thân, biết mình sai chỗ nào, chưa đúng chỗ nào, và hoàn thiện mình
Thứ sáu là biết mình muốn gì? Sau khi làm quá nhiều thứ, phải biết cuối con đường mình muốn gì, để không lạc lối trên con đường đang đi.
Cuối cùng là đừng bao giờ từ bỏ bất cứ công việc và mối quan hệ nào trong giai đoạn tâm, thân tồi tệ nhất, chán chường nhất. Vì lúc đó cảm xúc của chính ta là người quyết chứ không phải bản thân mình là người quyết định. Nói gì thì nói, phải nhớ mình là mình, và mình là người bình thường. Đừng đặt mình là ai đó khác”, chị nhấn mạnh.