Thức dậy sớm để học kiến thức mới từ internet, thiền và tập thể dục. Những thói quen tưởng dễ mà khó đó chính là một cách để Trần Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Vĩnh Tường rèn luyện tính kỷ luật và phục hồi năng lượng sau những bộn bề công việc mỗi ngày.
Trần Đức Huy là đại diện cho những doanh nhân thành công sớm với các giải thưởng Doanh nhân trẻ tiêu biểu và Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu. Từ vị trí nhân viên đại diện, chỉ sau năm năm, anh đã được bổ nhiệm làm giám đốc đại diện sân bay của Hãng hàng không Cathay Pacific tại TP.HCM. Trên cương vị mới, anh đưa Cathay Pacific TP. HCM lên vị trí đứng đầu trên bảng xếp hạng Cathay Pacific toàn cầu.
Về Công ty cổ phần Công nghiệp Vĩnh Tường năm 2006 với vị trí Giám đốc điều hành. Chỉ hai năm sau, anh đã được đề bạt làm tổng giám đốc. Trần Đức Huy đã góp phần đưa doanh nghiệp này trở thành công ty cung cấp giải pháp trần và tường thạch cao hàng đầu tại Việt Nam, chiếm thị phần lớn nhất ở thị trường trong nước.
Tư duy tích cực đến từ sự tự học hỏi, rèn luyện
Theo Trần Đức Huy, nghề CEO chịu trách nhiệm cho cuộc sống của nhiều người nên phải chịu áp lực lớn trong công việc, nhưng niềm vui có được cũng không nhỏ. Người giám đốc khi tạo ra được giá trị cho bản thân, nhân viên và xã hội thì niềm tự hào lẫn hạnh phúc đều rất lớn. Người bi quan thì chỉ nhìn thấy áp lực, người lạc quan sẽ nhìn thấy hạnh phúc. Là người có tư duy tích cực nên anh thường nhìn thấy ở nghề CEO nhiều cơ hội tạo thành quả lớn hơn là cái khổ.
Trong cuộc sống thường ngày, anh cũng tự cho mình là một người lạc quan và thấy đó là một sự may mắn. Bởi người luôn nhìn thấy mặt tích cực dễ tìm thấy hạnh phúc. Anh từng đọc thấy rằng tư duy tích cực ở mỗi người một phần do gen quy định, phần khác là do tự học hỏi. Người ham học thường tìm kiếm những cái hay, cái tốt từ cuộc sống để học nên tư duy cũng tích cực hơn.
Năm 2008, anh bị stress nặng khi mới được cất nhắc lên vị trí tổng giám đốc. Thời điểm đó, anh hay đau đầu và không thể tập trung để làm việc. Về nhà, anh đau bao tử và bị mất ngủ triền miên. Đỉnh điểm là một lần đi xem phim với vợ, anh đau đầu đến mức không thể nhìn màn hình, phải ra khỏi rạp chiếu phim ngay lập tức. Khi gặp bác sĩ mới biết mình bị stress, anh quyết định không uống thuốc mà dành thời gian tìm hiểu về stress để tự chữa bệnh cho mình.
Hóa ra, stress là phản ứng tự nhiên được cài đặt trong gen, có lợi cho con người. Bản chất, stress là cơ chế giúp tổ tiên chúng ta sinh tồn trong môi trường “chống hoặc chạy” khi đối mặt với các hiểm họa thú dữ và môi trường thiên nhiên hàng ngàn năm trước. Stress ở mức độ vừa phải sẽ là động lực giúp chúng ta tiến bộ, phát triển.
Ngày nay, do áp lực từ cuộc sống, công việc quá nhiều tác nhân kích thích thường xuyên khiến stress vượt ngưỡng nên mới gây ra những ảnh hưởng không tốt cho cơ thể. Chúng ta có thể “kéo” stress về ngưỡng an toàn bằng cách tập yoga, thiền, dành thời gian đi chơi cùng gia đình, bạn bè… anh mất khoảng hai, ba tháng để vượt qua giai đoạn stress nặng đó.
Có lẽ một vụ tai nạn khi còn nhỏ khiến trí nhớ của anh bị ảnh hưởng ít nhiều. Qua tuổi 35, thấy trí nhớ mình giảm sút đáng kể, anh bắt đầu tìm hiểu về cách phòng bệnh sụt giảm trí nhớ bằng cách tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày, thay đổi chế độ ăn uống, quản lý tốt stress, đảm bảo ngủ ít nhất bảy giờ mỗi ngày và duy trì tốt các mối giao tiếp xã hội.
Ngoài ra, anh còn tập thể dục cho não thông qua một ứng dụng trên điện thoại. Mỗi ngày chỉ cần dành thời gian cho não khoảng 15 phút nhưng có tác dụng cải thiện trí nhớ, tăng tốc độ xử lý của não cũng như tính linh hoạt, kỹ năng giải quyết vấn đề…
Theo anh, bất cứ điều gì muốn tạo kết quả lớn và lâu dài thì đều cần tạo thói quen mỗi ngày. Chẳng hạn như để tăng tuổi thọ thì nên ăn một trái táo mỗi ngày, muốn có sức khỏe tốt thì phải tập thể dục hằng ngày. Để cải tiến bản thân cũng cần một quá trình vì bản chất con người dễ lười biếng. Những người trẻ rất cần phải học về kỹ năng tự cải tiến để luôn tự tin và tăng khả năng thích nghi.
Cuộc sống hôm nay thay đổi liên tục, môi trường cũng không bền vững, chỉ có những thứ bên trong chúng ta mới bất biến. Người có thể hòa hợp với xu thế mới thì luôn sẵn sàng buông bỏ cái cũ để chấp nhận cái mới.
Phần lớn những người trẻ thường chỉ chú ý đến hai yếu tố bên ngoài là tài chính sự nghiệp và các mối quan hệ gia đình, bạn bè mà “bỏ quên” hai yếu tố quan trọng bên trong là sức khỏe và kiến thức. Kiến thức mới đang được thế giới cập nhật mỗi ngày, nếu không học thì chắc chắn sẽ lạc hậu rất nhanh. Doanh nhân lại càng phải cập nhật kiến thức mới, thông tin mới vì họ chính là “con gà đẻ trứng vàng” cho mỗi doanh nghiệp.
Ngoài tư duy tích cực thì việc quản lý hiệu quả thời gian mỗi ngày cũng giúp cho CEO của Vĩnh Tường có những giây phút thảnh thơi. Thông thường, con người thường sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên là việc quan trọng và khẩn cấp, việc quan trọng nhưng không khẩn cấp, việc không quan trọng nhưng khẩn cấp, cuối cùng là việc không quan trọng và không khẩn cấp.
Anh lại nghĩ rằng phòng cháy vẫn hơn chữa cháy, nên chọn làm việc quan trọng và không khẩn cấp hằng ngày. Anh học tập để nâng cao tri thức, tập thể dục để nâng cao sức khỏe, thiền định để giải tỏa stress.
Khi những việc quan trọng và không khẩn cấp này đã được hoạch định và giải quyết trước thì việc “chữa cháy”, “nước tới chân mới nhảy” rất ít khi xảy ra. Theo đó, hiệu quả công việc luôn ở mức cao, con người làm việc chính xác hơn, thăng tiến nhanh hơn, mục tiêu được hoàn thành sớm hơn.
“Tôi thức dậy từ 5 giờ sáng, dành khoảng 20 phút học kiến thức mới từ internet, thiền khoảng 20 phút và tập thể dục khoảng 30 phút. Nếu một ngày gặp nhiều chuyện không hài lòng ở nơi làm việc thì ít ra, tôi cũng đã làm điều hữu ích cho tâm trí, sức khỏe và tri thức của mình. Thiền giúp tôi trở về hiện tại.
Nhiều người hay trăn trở về quá khứ và lo lắng tương lai, đây là lý do khiến họ bị stress và không hạnh phúc. Quá khứ không thể thay đổi được, tương lai cũng không kiểm soát được, vì vậy thói quen thiền sẽ giúp chúng ta quan tâm đến hiện tại để nhận ra những giá trị mình đang có. Chúng ta sẽ cảm kích cuộc sống nhiều hơn và cảm thấy hạnh phúc dễ dàng hơn”, anh Huy chia sẻ.
Kỹ năng trao quyền
Ở Vĩnh Tường, dù là tổng giám đốc nhưng Trần Đức Huy cho biết mình không ôm đồm trong công việc mà phân quyền, giao việc cho nhân viên một cách rõ ràng. Theo anh, có thể giám đốc nghĩ mình sẽ làm tốt hơn nhân viên, nhưng tựu trung lại có hai điều: một là phải trao niềm tin trước, thứ hai là phương pháp trao quyền.
Trao quyền là kỹ năng cần phải học chứ không thể tự có. Anh thường nhắc nhở cấp quản lý không được can thiệp vào công việc của nhân viên khi họ chưa làm hết năng suất. Thông thường, một nhân viên chỉ làm việc hết hơn một nửa năng suất của mình. Người quản lý phải “khơi dậy” phần năng suất tiềm tàng để có thể tạo ra kết quả tốt hơn. Nếu nhân viên mới làm nửa hiệu suất mà quản lý đã làm thay thì coi như đã lãng phí một nửa năng suất của doanh nghiệp.
Quan trọng hơn nữa là ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc, làm tăng hiệu quả làm việc của con người. Số hóa các công cụ trong doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu. Công nghệ thông tin phát triển rất nhanh, tạo ra nhiều công cụ giúp cho cuộc sống lẫn công việc nhẹ nhàng và dễ dàng hơn rất nhiều so với cách đây mấy chục năm. Theo đó, nhân viên của Vĩnh Tường nhận được sự hỗ trợ nhiều từ công nghệ để làm việc hiệu quả và không phải “ôm” việc ngoài giờ.
Chẳng hạn giảm thiểu giấy tờ bằng việc tự động hóa các quy trình công việc, nhân viên kinh doanh sử dụng máy tính bảng để tăng cường sự linh động và kiểm soát hoặc tạo không gian tương tác qua mạng với khách hàng để tăng chất lượng dịch vụ…
Một trong những khóa học quản lý anh Huy từng trực tiếp giảng dạy cho nhân viên sắp tới là về tạo môi trường làm việc thông minh, hạnh phúc, học hỏi và phát triển. Ban lãnh đạo Vĩnh Tường đang cố gắng tạo ra một môi trường hạnh phúc cho nhân viên, nhưng để có được hạnh phúc, mỗi người cần tự nhận thức và tận hưởng. Nhân viên cảm thấy hạnh phúc sẽ chăm sóc khách hàng tốt hơn. Khách hàng hạnh phúc thì công ty sẽ phát triển hơn. Công ty phát triển thì sẽ chăm sóc nhân viên tốt hơn.
Mỗi ngày, thời gian con người ở công sở còn nhiều hơn thời gian ở nhà, nếu đi làm chỉ để kiếm tiền, không có niềm vui thì cuộc sống thật khổ. Nhiều người cho rằng cân bằng giữa công việc và cuộc sống nghĩa là dùng tiền để tận hưởng sung sướng bù đắp lại khoảng thời gian “cày” vất vả. Theo anh Huy, điều này không đúng, cân bằng nghĩa là phải có cả niềm vui trong công việc, gia đình lẫn cuộc sống. Như thế thì mỗi sáng thứ Hai đến văn phòng, nhân viên không thấy mệt mỏi mà chỉ thấy hứng khởi và hạnh phúc.
Ba cấp độ hạnh phúc
Trần Đức Huy quan niệm hạnh phúc có ba cấp độ. Hạnh phúc nhất thời và ngắn ngủi là khi chúng ta hài lòng về một điều gì đó như nhận một lời khen, được ăn một món ngon, mặc chiếc áo đẹp. Hạnh phúc lâu dài hơn là khi chúng ta làm việc có niềm đam mê, chẳng hạn như vẽ tranh hay nghề quản trị như tôi. Còn hạnh phúc lớn nhất là khi chúng ta làm những việc thực sự có ý nghĩa, tạo giá trị cho gia đình và xã hội.
Anh từng đọc thấy câu chuyện về một tỉ phú người Mỹ cho biết ông có nhà, có xe, thậm chí có máy bay riêng nhưng vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Đến khi theo đoàn trao tặng xe lăn cho trẻ tật nguyền ở châu Phi, nhìn đứa trẻ ngồi lên chiếc xe, quay lại cười và cảm ơn, ông mới cảm thấy một niềm hạnh phúc lớn lao mà trước đó ông chưa bao giờ có được. Quả thật, khi làm được điều gì có ý nghĩa cho gia đình và xã hội, niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ kéo dài hơn.
Đó là lý do mà Vĩnh Tường tổ chức chương trình “Mái ấm cho thợ thi công”, để nhân viên có cơ hội góp sức mình vào việc thiện nguyện. Hàng chục nhân viên của công ty tự nguyện đi đến các vùng sâu, vùng xa tìm hiểu về các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.
Khi đến những ngôi nhà rách nát ở vùng đất mà phải đi ghe, xuồng mới vào tới nơi, họ sẽ cảm nhận được ý nghĩa của việc ủng hộ xây nhà từ thiện mà mình chung tay. Từ đó, nhân viên sẽ vừa cố gắng làm việc hiệu quả vừa nỗ lực để xây nhiều ngôi nhà mới cho người nghèo hơn.
Để nhân viên có niềm vui nho nhỏ mỗi ngày, Vĩnh Tường tạo ra một bức tường cảm ơn gọi là Thank you Wall. Nhân viên trong công ty sẽ bày tỏ lòng biết ơn của mình đến người khác bằng cách viết lên bức tường này. Ngoài ra, mỗi thứ Sáu công ty lại có một chương trình giao lưu giữa các phòng ban với tên gọi Happy Friday. Công ty sẽ có nguồn ngân sách để mỗi phòng ban tự lên ý tưởng cho hoạt động này mỗi tuần.
Bài viết đã được đăng tải trên ấn phẩm đặc biệt DOANH NHÂN VIỆT: VÌ MỘT VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG. Để đặt mua đặc san, xin liên hệ Toà soạn TheLEADER.vn
Hà Nội: Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ
Điện thoại: 024 3244 4359
TP. HCM: 102D Lê Thị Riêng (Lầu 6), phường Bến Thành, Quận 1
Điện thoại: 08867 08817