Job vs. Task (Công và Việc)

0
1168

Bài viết của anh Vũ Thế Dũng đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.

Bài viết sẽ phân biệt giữa task vs. job và xem xét 1 vài biểu hiện kém lành mạnh của team từ phân biệt này.

Biểu hiện 1: Team ngồi cạnh nhau nhưng liên tục gửi các email dài, cc cho nhiều người, cãi nhau qua lại những chuyện tiểu tiết, chỉ để nói là mình đúng, người khác sai…

Biểu hiện 2: các thành viên cố gắng kể ra những gì mình làm một cách chi tiết, lý sự, nhưng lại không thể chỉ ra kết quả cuối cùng là gì.

Biểu hiện 3: họp cực nhiều để lập kế hoạch, phân công và kiểm soát công việc.

1.

Tình huống: nấu bữa tối. Chị X họp mọi người và giao việc: Bạn A: đi chợ, Bạn B: lặt rau, Bạn C: vo gạo, Bạn D: cho gạo vào nồi và bấm nút, Bạn F: lau bàn…

Dọn nhà: chị tiếp tục họp và phân công: Bạn A: lấy xô nước, Bạn B: lau phòng khách, Bạn C: Chùi cửa kính, Bạn D: đổ rác…

Còn chị thì đứng kiểm tra, la hét đến mệt lả.

2.

Task là các công việc nhỏ, lặt vặt, góp phần tạo ra sản phẩm cuối cùng. Trong ví dụ trên là lặt rau, vo gạo, bật bếp, lau bếp… Job là một công việc hoàn chỉnh, bao gồm nhiều task, mà kết quả của nó thường hướng đến 1 sản phẩm cuối cùng có giá trị. Trong trường hợp trên là 1 bữa tối ngon lành. Tập hợp cơ học của task không chắc tạo ra job.

Ví dụ để nấu ra 1 nồi thịt kho mà chia thành 20 tasks và do 5 người phụ trách thì có thể ra nồi canh thịt chứ không ra nồi thịt kho. Mà nếu để ra nồi thịt thì sự đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của chị X.

Task và job đều quan trọng. Ai cũng đã từng thực hiện các task bé xíu rồi mới đến các job lớn hơn. Tuy nhiên, cùng 1 job, người giỏi có lượng task ít hơn, nhanh hơn, và chất lượng hơn. Người kém tạo ra nhiều task hơn, chất lượng thấp hơn, mất công sức nhiều hơn.

Do vậy, cùng 1 job, có người thấy sao đơn giản thế, dễ thế, người lại thấy khó quá, nhiều việc quá!

3.

Phân công theo (1) thì

Khó đánh giá hiệu quả công việc. Mọi người chỉ làm task được giao. Và khi job không hoàn thành thì sẽ ra sức cãi nhau, lý sự, là mình đã vo gạo, đã cho gạo vô nồi, đã bật điện… Nhưng không ai chịu trách nhiệm cuối cùng về việc bữa cơm đã bị nấu sống và không đúng giờ. Chị X cũng chẳng chịu vì chị sẽ đưa ra bằng chứng là chị đã phân công công việc cho từng người và đã kiểm soát họ rất chi tiết. Thế nên nếu cơm không chín là do mọi người ai cũng đang làm quá nhiều việc nên không thể đáp ứng được yêu cầu.

Đó nhìn mà xem ai cũng đầy những tasks! Ai nghe chị này ca thán thì cũng thua. Ngược lại nếu lỡ nấu được nồi cơm ngon và được thưởng thì ai cũng đòi công việc mình là vất vả nhất và quan trọng nhất. Đổ thừa và vơ vào có cùng nguồn gốc là thế.

Tạo ra những nhân viên thụ động, kém chịu trách nhiệm, và hay đổ thừa

Tạo ra việc cho chị X, người tạo ra task, phân công và kiểm soát.

Tạo ra các cuộc họp, các email, các file excel, các google share, để phân chia công việc, để đánh giá, để kiểm soát…

Đây chính là một nguyên nhân gây ra 3 biểu hiện ở đầu bài.

3.

Giao job thì khác. Bạn C sẽ phụ trách bữa tối. Kết quả cần là bữa cơm cho 5 người, 3 món, đúng 7g tối. Bạn C sẽ tổ chức công việc của mình. Khi đó Bạn C nhận thấy việc của mình có giá trị, bạn không nề hà các task vì mỗi chi tiết đều quan trọng để có bữa cơm ngon. Nếu cần sự giúp đỡ, bạn C sẽ nhờ nhưng vẫn chịu trách nhiệm chính. Có kinh nghiệm, bạn sẽ bỏ các task thừa và cơm vẫn ngon.

Người nhân viên làm được job thường đa kỹ năng, có trách nhiệm, không đổ thừa và tháo vát. Nếu không làm được họ cũng tâm phục khẩu phục.

4.

Nhiều người hay chê nhân viên trẻ bây giờ không chịu lăn xả, làm việc nhỏ… mình nghĩ có lẽ do giao task lặt vặt mà không giao job (hoặc không thấy không gian của job).

PS. Nhân viên cấp thấp, thiếu kinh nghiệm có thể phải giao tasks, nhưng sau này thì cần phát triển thành job, và job ngày càng lớn.

Giao job lớn thể hiện sự tin cậy và là cách để phát triển đội ngũ mà sếp thì không bận rộn kiểm soát họ. Sếp chỉ ăn cơm và khen ngon.

Đừng thấy sếp chỉ ăn cơm, khen ngon, mà nghĩ sếp dở. Cao thủ đó.

Job vs. Task (Công và Việc)
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here