Vài năm trước, trong cuộc thảo luận đầu tư đưa định giá của startup chia sẻ văn phòng WeWork lên 20 tỷ USD, tỷ phú Masayoshi Son của SoftBank đã hỏi Adam Neumann – người đồng sáng lập WeWork, rằng: “Trong một cuộc chiến, người khôn ngoan hay người ‘điên’ sẽ thắng?”.
Neumann mất khoảng một phút để suy nghĩ và trả lời: “Người điên”. Masayoshi sau đó đáp lại: “Đúng rồi. Nhưng anh…chưa đủ ‘điên'”. Và mới đây, Neumann đã buộc phải rời khỏi vị trí điều hành WeWork – thuộc công ty mẹ The We Company – sau khi giá trị công ty này “bay hơi” 32 tỷ USD trước thềm IPO.
Neumann là nhà sáng lập startup tỷ “đô” mới nhất gia nhập câu lạc bộ những người bị “hất cẳng” khỏi công ty của mình – gồm nhiều tên tuổi như Steve Jobs của Apple, Travis Kalanick của Uber…, theo Forbes.
Steve Jobs
Tài sản: 7 tỷ USD (thời điểm qua đời)
Nguồn tài sản: Apple, Pixar
Quyết định sa thải Steve Jobs – người đồng sáng lập công ty – của Apple vào năm 1985 có lẽ là vụ sa thải nổi tiếng nhất trong lịch sử. Từ vài năm trước, Apple đưa CEO John Sculley của Pepsi vào công ty để bắt đầu tiếp quản vị trí điều hành. Công ty này đầu tiên loại Jobs ra khỏi bộ phận phụ trách máy tính Mac thế hệ thứ hai, sau đó sa thải ông khỏi vị trí chủ tịch công ty.
“Khi đó, ông ấy không phải là một quản lý tốt”, Sculley nhớ lại vào năm 2013.
Chia sẻ về việc bị sa thải khỏi công ty do mình sáng lập, Jobs từng nói: “Ở tuổi 30, tôi bị sa thải. Theo cách vô cùng ồn ào. Những gì từng là trọng tâm cả cuộc đời tôi đã biến mất và điều này thật tàn khốc”.
Jobs đã rời Apple và “biến đau thương thành hành động” khi thành lập hai công ty khác (NeXT và Pixar). Tới năm 1996, ông trở lại Apple và bắt đầu đặt nền móng cho công ty có vốn hoá gần 1.000 tỷ USD ngày nay.
“Ông ấy đã học được rất nhiều điều trong những năm rời khỏi Apple”, Sculley cho biết. Những bài học đó đã biến ông trở thành “Steve Jobs vĩ đại mà chúng ta biết ngày nay”.
Jack Dorsey
Tài sản: 3,9 tỷ USD
Nguồn tài sản: Twitter, Square
Jack Dorsey là CEO của hai startup công nghệ lớn: Square và Twitter. Ông nổi tiếng là người đồng sáng lập Twitter năm 2006. Tuy nhiên, năm 2008, việc kinh doanh không suôn sẻ khiến Jack bị sa thải khỏi công ty mạng xã hội do mình sáng lập. Trong thời gian ông vắng mặt, Twitter trải qua nhiều khủng hoảng và cổ phiếu đang trên đà lao dốc đã tăng trưởng trở lại ngay sau khi người đồng sáng lập quay về vào năm 2015.
Travis Kalanick
Tài sản: 3,5 tỷ USD
Nguồn tài sản: Uber
Kalanick được biết đến là người đồng sáng lập Uber – ứng dụng chia sẻ ôtô mà sau này mở rộng sang nhiều mảng khác như giao hàng, giao đồ ăn… và thậm chí đang tham vọng phát triển dịch vụ chia sẻ trực thăng. Dưới thời Kalanick, Uber phát triển mạnh mẽ nhưng cũng trải qua nhiều khủng hoảng về văn hoá doanh nghiệp, trong đó phần nhiều xoay quanh vị CEO “lắm tài nhiều tật”. Năm 2017, năm nhà đầu tư lớn của Uber yêu cầu Kalanick phải từ chức. Vốn đang trong thời gian nghỉ phép sau cái chết của mẹ, Kalanick chính thức từ chức.
“Tôi yêu Uber hơn bất kỳ thứ gì trên đời và vào thời điểm khó khăn nhất cuộc đời, tôi chấp nhận rút lui theo yêu cầu của các nhà đầu tư, để Uber có thể phát triển trở lại thay vì bị phân tán bởi một cuộc chiến khác”, Kalanick chia sẻ khi từ chức.
Sean Parker
Tài sản: 2,7 tỷ USD
Nguồn tài sản: Napster, Facebook
Parker không chỉ bị sa thải khỏi một mà nhiều công ty do ông đồng sáng lập hoặc giúp huy động vốn, bao gồm Napster vào năm 2001 và Plaxo năm 2004. Nhưng trường hợp nổi tiếng nhất là ở Facebook. Trong vòng chưa đầy 12 tháng, ông tìm ra Facebook, kết bạn với Mark Zuckerberg, giúp công ty này huy động vốn ban đầu, trở thành chủ tịch đầu tiên của công ty và rồi từ chức khỏi startup này sau khi cảnh sát North Carolina tìm thấy cocaine trong căn biệt thự bên biển được thuê dưới tên ông. Sau đó, Parker chuyển tới New York và tìm kiếm niềm an ủi với người bạn lâu năm là người soạn nhạc.
“Khi ai đó bảo bạn hãy nghỉ ngơi thêm đi, đó là động thái đầu tiên để chuẩn bị sa thải bạn”, Parker chia sẻ sau những lần bị sa thải khỏi các công ty do mình đồng sáng lập.
Richard Schulze
Tài sản: 3,8 tỷ USD
Nguồn tài sản: Best Buy
Schulze là một nạn nhân của chọn và bao che nhầm người. Năm 2009, ông đưa Brian Dunn, cựu thư ký kinh doanh của Best Buy, trở thành CEO của công ty. 2 năm sau đó, Schulze bị phát hiện không báo cáo với hội đồng quản trị việc Dunn có quan hệ tình cảm với một nữ nhân viên 29 tuổi. Theo đó, Dunn bị sa thải và Schulze bị buộc từ chức. Là người sáng lập Best Buy, hiện ông vẫn là chủ tịch danh dự và một nhà đầu tư lớn của công ty này. Từ tháng 12/2012 đến nay, giá cổ phiếu Best Buy đã tăng gấp 6 lần.
Chip Wilson
Tài sản: 4,2 tỷ USD
Nguồn tài sản: Lululemon
Những mẫu quần tập yoga nổi tiếng thế giới của Lululemon cũng không thể giúp Chip Wilson – người sáng lập công ty – thoát khỏi rắc rối do những bình luận khiếm nhã ông đưa ra sau khi Lululemon phải thu hồi loạt quần yoga xuyên thấu vào tháng 11/2013. Thay vì đổ lỗi cho chất vải khiến quần bị rách, Wilson lại nói rằng “cơ thể của một số phụ nữ không thực sự phù hợp với loại quần này”. Hai năm trước đó, ông đã thôi giữ chức CEO của công ty. Và một tháng sau những bình luận khiếm nhã trên, ông buộc phải rút khỏi vị trí chủ tịch công ty. Ông đã dành nhiều năm sau đó để tìm đường quay lại điều hành Lululemon, tới mức lên kế hoạch cho một thương vụ thâu tóm.
“Tôi đã hành động để thắng, còn các giám đốc của công ty do tôi sáng lập đã hành động để không bị thua”, Wilson chia sẻ sau khi rời cương vị điều hành Lululemon.
Steve Wynn
Tài sản: 3,1 tỷ USD
Nguồn tài sản: Các sòng bạc
Tháng 1/2018, tờ Wall Street Journal đăng tải một bài viết trong đó cung cấp chi tiết hàng chục người tố cáo rằng đã bị Steve Wynn – CEO, cổ đông lớn nhất của Wynn Resorts – quấy rối tình dục. Ông phủ nhận mọi cáo buộc và cho rằng đây là chiến dịch bôi nhọ do vợ cũ của ông khởi xướng. Nhưng lời bao biện này không cứu được ông. Chưa đầy hai tuần sau bài viết của Wall Street Journal, ông từ chức khỏi Wynn Resorts. Trong vòng một tháng, ông đã bán toàn bộ cổ phần tại Wynn Resorts.
Theo NGỌC TRANG
VnEconomy