Làm sao một người bán bánh nóng hấp vẫn bán được hàng vào mùa hè, thậm chí còn tăng được doanh thu?
Tôi chưa bao giờ học MBA, nhưng điều đó không ngăn tôi trở thành CEO của một công ty bảo hiểm lớn ở Ấn Độ. Những bài học về quản lý của tôi không đến từ sách vở chuyên ngành kinh doanh mà từ những thứ xung quanh tôi. Tôi cố gắng học được những thứ mới mẻ từ mọi người xung quanh, từ những người tôi gặp. Tôi đã học những bài học về nơi làm việc và những thách thức nhiều nhất từ đâu? Chính là từ những người bán hàng rong trên đường.
Những người bán hàng rong đã tồn tại, sống sót và phát triển qua nhiều thời kỳ khủng hoảng của kinh tế. Môi trường họ hoạt động rất năng động và liên tục thay đổi, tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, bạn sẽ thấy họ luôn biết điều chỉnh món ăn theo yêu cầu của khách hàng, thay đổi đồ dùng của họ để phù hợp với xu hướng hiện tại và thể hiện xuất sắc trong dịch vụ khách hàng.
Bán hàng rong cũng rất giống với nơi làm việc – thách thức, thay đổi liên tục và thúc giục chúng tôi phải linh hoạt và kiên cường. Điểm mấu chốt ở đây là quan sát mọi thứ xung quanh bạn, đối phó với những thay đổi liên tục này và làm mới lại bản thân để luôn hợp thời. Đó chính xác là những gì những người bán hàng rong làm – họ thích nghi, phát triển và cuối cùng vượt qua thử thách, không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi phải lặp đi lặp lại chu kì này.
Dưới đây là cách thức áp dụng 3 chiến lược bán hàng rong quan trọng cho cuộc sống và sự nghiệp của bạn:
1. Thích nghi
Một món ăn đường phố nổi tiếng của Ấn Độ mà tôi lúc nào cũng thích là vada pav hấp nóng hổi (khoai tây chiên bánh bao – vada, đặt bên trong một chiếc bánh mỳ kẹp thịt – pav, ăn kèm với tương ớt).
Tuy nhiên, mùa hè ở Ấn Độ nóng như lửa đốt và điều này có thể làm cho doanh số của vada pav có thể bị giảm vì lúc đó người ta chỉ thèm một chai soda hoặc nước chanh ướp lạnh. Vào một ngày nắng nóng như vậy, khi đang trên đường đi làm, tôi tình cờ gặp một người bán hàng vada pav, người đã tìm ra giải pháp khéo léo cho vấn đề này. Ông phục vụ cả nước chanh ướp lạnh kèm với vada pav. Như vậy, bạn lại có 2 thứ không thể cưỡng lại! Sau đó, tôi nhận ra rằng ông ấy thay đổi đồ uống tùy thời tiết. Vào mùa đông hay những đợt gió mùa, ông thay thế nước chanh bằng trà nóng.
Tương tự như vậy, việc luôn nắm bắt thời cơ và thích nghi với các điều kiện xung quanh đóng một vai trò quan trọng trong thành công của bạn tại nơi làm việc. Là những nhà lãnh đạo, bạn cần đối mặt với những thay đổi và thích nghi với chúng.
Đó có thể là một sự thay đổi trong cấu trúc tổ chức hoặc vai trò của bạn trong một dự án cụ thể. Bạn cần xác định cơ hội trong từng rào cản đó, hiểu được rằng người ta mong đợi ở bạn điều gì, sửa đổi cách tiếp cận của bạn và ứng xử cho phù hợp.
2. Phát triển
Với sự ra đời của Trí tuệ nhân tạo và sự tích hợp vào công việc, chúng ta liên tục lo sợ mình sẽ thành kẻ dư thừa. Nếu bạn không có những kỹ năng mà thị trường cần, có lẽ bạn sẽ khó có được công việc mà bạn mong muốn. Những người bán hàng rong cũng vậy, chẳng hạn họ lo sợ sự thay đổi liên tục trong thời trang. Họ liên tục thay đổi mặt hàng của mình dựa trên những xu hướng mới nhất. Bạn có thể tưởng tượng việc đi bộ đến đến những chợ nổi tiếng và không tìm thấy những bộ quần áo thời trang mà người nổi tiếng yêu thích của bạn đã mặc tuần trước không?
Tương tự như vậy, bạn cũng phải bắt kịp những thứ mới mẻ và nâng cấp các kỹ năng của bạn để tồn tại trong công việc, điều này rất quan trọng. Bạn không cần phải chi trả quá nhiều cho việc học. Bạn có thể học hỏi từ việc tham dự các hội thảo, kết nối với mọi người, đọc các tạp chí và blog nổi tiếng hoặc tham gia các khóa học trực tuyến khác nhau.
3. Khắc phục
Những người bán hàng rong phải đối mặt với quá nhiều nghịch cảnh ngày này qua ngày khác. Đôi khi, họ thậm chí còn không chắc chắn được liệu họ có thể bán hàng vào sáng hôm sau không (nếu thời tiết quá xấu thì sao?!). Và nếu họ không thể bán hàng trong một ngày nào đó, thì ngày hôm sau bạn sẽ lại thấy họ. Đôi khi còn bị tính phí nhiều hơn để doanh thu tốt hơn và cắt giảm lỗ vì ngày trước họ không thể bán.
Hãy tưởng tượng deadline dự án của bạn được dời lên hoặc nhóm trưởng của bạn đột nhiên gọi báo ốm và hôm đó lại đến ngày deadline: Bạn sẽ làm gì?
Thay vì hờn dỗi và đổ lỗi, hãy tìm cách để mọi việc đều có hiệu quả. Nếu deadline đã được dời lên, hãy điều chỉnh lại với team và dời những chuyện khác khi cần thiết để phân bố công việc của bạn.
Nếu nhóm trưởng của bạn bị ốm, hãy chịu trách nhiệm và “lấp đầy” chỗ trống ấy. Có thể bạn sẽ phải làm việc thêm một vài giờ, nhưng nó không đáng để bạn chứng minh năng lực của mình hay sao?
Bài học quý giá nhất trong việc quản lý công việc sẽ không đến từ các nguồn học thuật. Kinh nghiệm của bạn sẽ dạy cho bạn những gì giáo dục không thể dạy được – đặc biệt là khi nói đến các cơ chế đối phó, thái độ làm việc, khả năng thích ứng và cả sự nhiệt tình của bạn.
Mai Phương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế/HBR