Sáng lập Emerald – thương hiệu tiếp thị số hàng đầu Việt Nam – từ năm 24 tuổi, 28 tuổi lại đưa công ty tiếp cận với giới truyền thông quốc tế, rồi chính thức gia nhập Isobar (Công ty tiếp thị số toàn cầu thuộc Dentsu Aegis Network, với hơn 70 trụ sở trên 45 quốc gia) 2 năm sau đó, Thi Anh Đào đã trở thành “hiện tượng” thường xuyên được nhắc đến trong làn sóng khởi nghiệp gần đây ở Việt Nam… Đồng sáng lập ra Emerald là Nguyễn Khoa Hồng Thành – bạn đời của cô.
Nói về động lực ra đời của Emerald, Thi Anh Đào cho rằng nó liều lĩnh và… lãng mạn.
Liều lĩnh bởi chỉ với 60 triệu vay từ gia đình, cô gái 24 tuổi đời và chàng trai 28 tuổi đã lập nên Emerald. Ra trường, Thi Anh Đào làm tự do trong ngành truyền thông và chạm ngõ với thế giới tiếp thị.
Đến khi đi du học ở Anh, nhận thấy thế giới có quá nhiều mô hình tiếp thị hiện đại và ưu việt, Anh Đào đã nghĩ ngay đến việc mang chúng về Việt Nam, muốn thực hiện 1 mô hình truyền thông đồng hành với đối tác từ chiến lược kinh doanh, trong phương thức phát triển bền vững chứ không đơn thuần là cung ứng những dịch vụ tiếp thị thông thường.
Đam mê và sự liều lĩnh của Thi Anh Đào không khiến người khác ngạc nhiên bởi ngay từ nhỏ cô đã là một đứa trẻ khá “nhoi”. Thời học lớp 11 ở trường Lê Hồng Phong, Anh Đào đã tham gia cùng bạn bè… buôn điện thoại cũ.
Thời học đại học ở Học viện Quan hệ quốc tế Hà Nội, cô vận động lập ra Ban Tuyên truyền chuyên phụ trách truyền thông các hoạt động cho sinh viên, rồi lại phụ trách cả Ban Tài trợ chuyên đi liên hệ tìm tài trợ cho hoạt động của Ban Tuyên truyền.
Bởi thế với niềm tin muốn mang mô hình tiếp thị hiện đại ưu việt của thế giới về Việt Nam, Thi Anh Đào đã biến thành hành động khởi nghiệp liều lĩnh.
Lãng mạn bởi Emerald là một dự án tình yêu của Thi Anh Đào và Nguyễn Khoa Hồng Thành. Trong gần một năm làm freelance cùng nhau, có những đêm ngồi trước nhà hát TP sau sự kiện, Anh Đào từng tâm sự với anh Thành về sự ngưỡng mộ của mình đối với một cặp vợ chồng doanh nhân khi nhìn họ khởi nghiệp, cùng nhau phát triển công ty. Không ngờ, anh Thành lại ghi nhớ chi tiết ấy để đến khi yêu nhau lại quyết tâm “cùng nhau làm điều gì đó”. Emerald chính là điều ấy.
Tất nhiên, không có con đường nào trải đầy hoa hồng, Thi Anh Đào cũng gặp khá nhiều chông gai gập ghềnh, có thất bại, cùng rất nhiều bài học để có được thành công hiện nay.
Ngay trước Emerald, Anh Đào cùng Hồng Thành và 3 người bạn khác nữa thành lập một công ty truyền thông không kém lý tưởng. Tuổi trẻ tự hào “đồng đội” mình toàn những người giỏi, nhưng rồi với nhiều trục trặc do thiếu kinh nghiệm, nhóm của cô tuyên bố phá sản.
Lúc mới thành lập Emerald, Anh Đào chỉ quản lý công ty gián tiếp vì đang học cao học ở Anh. Tốt nghiệp, về Việt Nam, Anh Đào va chạm với một guồng quay công việc quá lạ lẫm trong chính công ty mình đã lập ra.
Cô nhận ra có quá nhiều điều khác biệt: anh Thành kiên nhẫn, tình cảm; cô bộc trực, thẳng thắn, lại đam mê cái mới. Mọi nỗ lực của tôi lúc ấy như bị bật tung ra khỏi guồng quay công việc đã vận hành theo cách của anh bấy lâu.
Sự bất đồng trong công việc khiến mối quan hệ của hai người cũng bị ảnh hưởng. Cũng có lúc Anh Đào hoàn toàn lạc loài, rồi dần rơi vào trạng thái “bi kịch hóa vấn đề”: “Mình khởi nghiệp để làm gì? Tại sao mình không làm cho một công ty lớn, nhận lương cao, rồi sống cuộc đời phóng khoáng như những cô gái 25 tuổi khác?”…
Cũng có thời gian bố Anh Đào mất, cộng với tình yêu trục trặc, cô đã nhìn sang và so sánh mình với những người bạn cũng giỏi giang nhưng đang sống thong thả hơn chỉ vì… không khởi nghiệp.
Tuy nhiên, suy sụp và buồn khổ là vậy, nhưng Anh Đào vẫn theo đuổi đam mê đến cùng. Cô nhận ra khi làm một người phụ nữ khởi nghiệp thì bạn buộc phải đánh thức người đàn ông trong mình dậy, đôi khi là để… tự làm người đàn ông của chính mình.
Rồi, khi gặp trục trặc, tâm lý bi kịch hóa vấn đề, tự thấy mình bất hạnh… là những phản ứng tự vệ thường thấy ở phụ nữ. Nhưng vấn đề lúc ấy đâu phải mình là đàn ông hay phụ nữ. Vấn đề nằm ở chỗ mình đang khởi nghiệp, bạn có cam kết với cả một công ty lập ra, bạn buộc phải vượt ra mọi vấn đề của một người nam hay người nữ mà hành xử đúng cho vị thế của mình.
Thành công của Anh Đào hôm nay được cô cho rằng mình may mắn tìm được một người bạn đồng hành tuyệt vời trong cả công việc lẫn gia đình – một người đủ hiểu biết và tình cảm để chia sẻ cùng cô những “chênh lệch” giữa gia đình của một nữ doanh nhân và một người vợ làm một nghề nghiệp khác. Anh luôn hiểu, chấp nhận và đồng hành cùng cô.
Nhắn nhủ đến những người đang có dự định khởi nghiệp, Thi Anh Đào cho rằng: Khi có cảm hứng với một dự định nào đó, bạn đừng kiềm mình lại với câu hỏi: “Làm để làm gì?” mà hãy dấn thân để tìm hiểu xem sẽ “Làm như thế nào?”. Nếu không, chúng ta sẽ loay hoay mãi với câu hỏi – mà cũng là xuất phát điểm của loài người, rằng: “Sống để làm gì?”.