Từ chính câu chuyện của bản thân, CEO Hoàng Tùng chia sẻ để thúc đẩy doanh số trong bối cảnh khó khăn do dịch, Pizza Home triển khai chiến lược gồm 3 bước.
Quay lại thời điểm cuối tháng 3/2020, trong bối cảnh toàn thế giới nín thở theo dõi tin tức về dịch Covid-19, giới kinh doanh gặp khó khăn thì một chuỗi pizza tại Việt Nam nổi lên như một hiện tượng truyền thông thú vị. Người tiêu dùng rất thích ý tưởng Burger Corona và truyền nhau câu nói vui: “Eat it to Beat it – Ăn nó để đánh bại nó” khi ăn và chụp ảnh với sản phẩm.
Các hãng truyền thông lớn từ CNN, BCC, Reuter cho đến mới đây là Forbescó những bài viết đánh giá rất cao ý tưởng sáng tạo hết sức độc đáo của ông chủ thương hiệu Pizza Home Hoàng Tùng khi bán sản phẩm burger hình virus corona thu nhỏ với giá bán 85.000 đồng/chiếc.
Theo tiết lộ của CEO Hoàng Tùng tới hiện tại theo tiết lộ của ông Tùng, sản phẩm đã được các kênh truyền thông tại cả 5 châu lục đưa tin. Dù không tiết lộ doanh số cụ thể nhưng mới đây trong buổi talkshow Đẩy số sau dịch do VMCC tổ chức mới đây, anh cho biết chuỗi Pizza Home có lợi nhuận bất chấp dịch Covid-19 phải đóng cửa hàng.
Từ chính câu chuyện của bản thân, CEO Hoàng Tùng chia sẻ để thúc đẩy doanh số trong bối cảnh khó khăn do dịch, Pizza Home triển khai chiến lược gồm 3 bước.
Thứ 1, cố gắng làm ra những sản phẩm để có thể định hướng được nhu cầu của khách hàng. Ví dụ như từ đầu dịch Covid-19 Pizza Home đã có những cái chiến dịch như phát khẩu trang miễn phí cho khách hàng. Đây cũng là đơn vị đầu tiên phát khẩu trang miễn phí cho khách hàng từ ngày mùng 3 tết.
Thứ 2, làm ra những sản phẩm mang tính thời sự như bánh pizza Thanh long, Burger Corona. Theo anh Tùng, việc tạo ra những sản phẩm mới có khả năng thu hút được người tiêu dùng. Điều CEO này luôn tâm đắc chính là quan điểm của Peter Krucker: “Innovation & Marketing”.
“Mình sẽ không chạy Marketing khi mà mình không có sản phẩm mang tính chất cải tiến. Sản phẩm không có tính chất đặc biệt thì mình sẽ không chạy. Cho nên mình sẽ cố gắng tạo nên những sản phẩm nó mang tính chất đặc biệt hơn một chút thì mình mới đẩy truyền thông marketing vào như bán Burger Corona”, anh chia sẻ.
Thực tế trước Burger Corona, Pizza Thanh Long, Pizza Home từng làm những sản phẩm như Bánh mỳ Hoa cúc Sầu riêng, Pizza Dưa hấu, Cookie Corona, tuy nhiên không phải sản phẩm nào cũng đạt được hiệu quả về truyền thông, thậm chí có những sản phẩm thất bại nặng. Tuy nhiên theo anh Hoàng Tùng, những lần thất bại này là cần thiết để có những sản phẩm hiệu quả. Và khi có sản phẩm hiệu quả thì bạn có lợi thế lớn vì bạn sẽ không bị cạnh tranh về giá, có được truyền thông miễn phí và độ phủ về thương hiệu lớn với luồng doanh số mới từ tệp sản phẩm mới.
Ngoài sáng tạo, cải tiến, điều CEO này làm là đi theo hành trình của khách hàng. Trên trang cá nhân của mình, Hoàng Tùng cũng cho biết thực tế tất cả các sản phẩm Pizza Home đều đã có từ trước dịch, tuy nhiên trong thời điểm dịch, tùy theo sự dịch chuyển về hành vi tiêu dùng của khách hàng mà tập trung đẩy mạnh marketing vào nhóm sản phẩm nào để tạo hiệu quả tốt nhất.
“Ví dụ, mọi người sẽ nghĩ khách hàng đặt đồ về trong bối cảnh toàn bộ siêu thị bị vét sạch dự trữ. Sau đó mọi người mua đồ về và nấu ăn. Mình không thể chỉ dựa vào việc khách hàng gọi mang về được nữa mà tạo ra những sản phẩm mà khách hàng nấu ăn tại nhà ví dụ như pizza đông lạnh. Khách hàng có thể tự mang về tự nướng như mỳ tôm, mỳ gói.
Sau đó nữa là người ta ở nhà sẽ chán cho nên hoạt động nấu ăn làm sao phải thật là vui, mang tính giải trí thì bên mình làm ra sản phẩm khách hàng có thể tự làm bánh tại nhà. Bố mẹ làm cùng con. Đó là những sản phẩm không nổi như burger corona nhưng nó đem lại dòng tiền rất tốt trong thời gian vừa qua”, Hoàng Tùng lấy ví dụ về việc thích nghi trong kinh doanh dựa vào hành vi của khách hàng.
Thứ 3, nếu cần thiết có thể thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh. Đây là chiến lược cuối được Hoàng Tùng áp dụng trong đợt dịch vừa qua. Cụ thể với xưởng tranh Mopi, một startup mà anh tham gia trước đây bán sản phẩm thong qua cửa hàng, mạng xã hội Facebook thì ngay lập tức cắt giảm và chuyển hết sang thương mại điện tử. Thậm chí CEO Pizza Home còn dẫn chứng những động thái quyết liệt như không còn gửi link bán hàng Fanpage của Mopi cho khách hàng mà thay đó là địa chỉ Tiki, Shopee hay với Pizza Home là địa chỉ Grab Food, Now để họ có thể đặt hàng một cách nhanh nhất.
Từ câu chuyện burger Corona có thể thấy để doanh nghiệp thành công và tồn tại trong thách thức, sáng tạo và thích nghi là điều bắt buộc phải có. Giống như chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ trong một buổi hội thảo rằng “cuộc sống đòi hỏi mình phải làm”.
Theo đó sáng tạo là những dịch vụ khách hàng, những cách làm mới mà họ chưa từng làm trước đây hoặc thậm chí những nước xung quanh chưa từng làm. Nó bao gồm là cái gì đó thực sự mới, bao gồm cách làm từ trước đến giờ chưa ai nghĩ về nó. Ví dụ như tại Thế giới Di động chỉ một chi tiết đơn giản như điện thoại được trưng trên đế giá bằng điện tử để việc đổi giá nhất quán trong toàn bộ hệ thống nhờ một cú click chuột.
“Các bạn đi khắp thế giới đi, tôi đi Mỹ, Tây, Tầu bảo đảm không có cái đó đâu. Cái đó để làm gì? Cái đó để mỗi lần chúng tôi đổi giá điện thoại real time nhấn nút bảo đảm 1.100 shop (thời điểm năm cuối năm 2016) đổi giá trong 30 giây. Thiên hạ không làm được điều đó đâu.”, ông Tài chia sẻ.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ