Từng 5 lần khởi nghiệp với 3 lần thất bại, Peter Nguyễn trở thành tâm điểm thảo luận trên các diễn đàn khởi nghiệp hiện nay. Lần mạo hiểm gần đây nhất và cũng thành công nhất của Peter là với thương hiệu Buzzmetrics.
Peter Nguyễn – Nhà sáng lập/CEO của Buzzmetrics – là một doanh nhân với 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing, nghiên cứu thị trường và công nghệ/thương mại điện tử. Chàng Việt kiều này đã từng được vinh danh tại giải thưởng “Top 100 Pioneer Business Award 2013”. Peter có bằng cử nhân Tài chính – Kế toán và bằng thạc sĩ Marketing tại đại học Sydney.
Ham muốn làm chủ của Peter Nguyễn bắt đầu từ khi nào?
Đến Úc du học bằng học bổng của ĐH Hàng hải (Hải Phòng) vào năm 1998, Peter Nguyễn theo học ngành kế toán Trường ĐH Sydney.
Vào năm nhất đại học, Peter đang làm thêm công việc kế toán tại một công ty biên phiên dịch ở Sydney. Vào những năm 1990, các doanh nghiệp này vẫn còn sử dụng khá nhiều nhân viên ghi chép vào sổ tay lịch hẹn giữa biên dịch viên và khách hàng.
Suốt 6 tháng, ngoài làm kế toán, Peter đã mày mò tạo ra hệ thống quản lý lịch hẹn qua mạng và máy tính. Kết quả là ông chủ của anh đã cắt giảm được lượng nhân viên từ 8 xuống còn 3 người. Song, lương của Peter được nâng lên vỏn vẹn từ 8 USD lên 12 USD/giờ.
Peter thấm thía nhận ra rằng, khi làm thuê, dù có lao động cật lực, bạn không thể đòi hỏi cao hơn được nếu không sở hữu riêng doanh nghiệp đó. Từ đó ý nghĩ làm chủ của anh bắt đầu.
Sau khi tốt nghiệp năm 2002, ban ngày anh vẫn là kế toán viên toàn thời gian với mức lương 13 USD/giờ. Tối về, Peter mở thêm dịch vụ sửa chữa vi tính tại nhà.
Anh chia sẻ quãng thời gian khó khăn của mình: “Tiền công ban ngày là 110 USD. Còn buổi tối, số tiền tự kiếm thêm cao gấp 4 lần là 450 USD. Làm chủ đem lại mức thu nhập cao hơn hẳn, nên tôi chẳng bao giờ muốn làm thuê nữa”
Đầu năm 2008, Peter nảy ra ý tưởng khởi nghiệp là mở cửa hàng bán sôcôla. Nhờ thành công từ dịch vụ sửa chữa máy tính tận nhà Safemode của mình, anh nhảy ra kinh doanh nhà hàng vì suất lợi nhuận ngành này cao nhất tại Sydney. Lúc ấy, anh nuôi tham vọng mở chuỗi tiệm bánh sôcôla dọc phố King Cross.
Suốt 8 tháng, Peter đi khắp các tiệm bánh quanh vùng để học làm sôcôla. Tuy nhiên anh đã phải đóng cửa tiệm bánh mở được 8 tuần vì lỗ nặng. Thất bại này đã cuỗm sạch sự tự tin của anh. Anh nói “chẳng thể ngờ ra làm riêng lại khó đến vậy”.
Nhìn lại cú ngã nặng nề, Peter kết luận đó là sai lầm về cả 3 mặt mô hình, địa điểm và thời điểm. Anh đã bán sôcôla dựa theo mô hình kinh doanh thức ăn nhanh, mà quên rằng sôcôla chỉ dành cho không gian lãng mạn và chậm rãi. Tiệm mở ngay giữa phố King Cross, là khu vui chơi chứ không phải khu công nghiệp cần phục vụ nhanh. Và lúc ấy lại rơi ngay vào điểm bùng phát khủng hoảng kinh tế 2008, khi dân Úc hạn chế chi tiêu mua bánh kẹo xa xỉ.
Từ đó, Peter rút ra bài học đắt giá: “Muốn thành công thì phải chuẩn bị thật kỹ”.
Ý tưởng về Buzzmetrics
Khác với lần khởi nghiệp vội vã trước, Peter Nguyễn trở về Việt Nam đầu quân cho Tập đoàn Nielsen vào năm 2011. Tại đây, anh tham gia xây dựng mô hình Social Listening, ứng dụng đo lường phản ứng của người dùng đối với một thương hiệu qua các mạng xã hội. Vào năm 2013, Nielsen đóng cửa mô hình này, Peter lại quyết định ra riêng để thành lập Buzzmetrics.
Hai năm làm việc ở Nielsen, Peter đã học được 2 thứ: kiến thức và mối quan hệ. Dựa vào mối quan hệ, Peter tìm được nhà đầu tư và danh sách khách hàng có nhu cầu cao với Social Listening mà Nielsen chưa thể đáp ứng – SamSung và Coca Cola. Đây là yếu tố nền tảng cho sự phát triển Buzzmetrics.
Sau sự cố Tân Hiệp Phát (con ruồi trong chai nước) thì Social Listening đã trở thành mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp khi muốn theo dõi phản hồi của người dùng trên mạng. Từ mức vài khách hàng những ngày đầu, hiện Buzzmetrics đã có trên 1.000 khách hàng doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ theo dõi mạng xã hội mỗi ngày.
Sau 3 năm đi vào hoạt động, doanh thu của Buzzmetrics đã đạt đến nửa triệu USD, tăng trưởng ổn định ở mức 35% mỗi năm. Công ty này cũng trở thành đối tác của nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước, bao gồm Samsung, Coca Cola, Unilever và Mead Johnson.
Bài học từ con đường khởi nghiệp của Peter Nguyễn
Nhiều bạn trẻ không khỏi thắc mắc vì sao Peter Nguyễn toàn khởi nghiệp trong những lĩnh vực anh không hề được dạy, như làm bánh, sửa chữa máy tính hay viết phần mềm ứng dụng marketing. “Đó là sai lầm cơ bản khi bạn nghĩ học gì sẽ làm đó”, Peter chia sẻ.
Theo anh, khởi nghiệp cần nhiều hơn một kỹ năng chuyên môn và quan trọng nhất là kỹ năng quản lý. “Cho nên, nếu các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp trong công nghệ thì đừng lo bản thân mình không biết viết mã. Chỉ cần bạn tìm được anh chàng viết mã giỏi nhất là xong. Riêng bạn cần thu thập kiến thức về tất cả các mặt để đánh giá công việc của họ”, Peter nói thêm.
“Bí quyết khởi nghiệp không đặt nặng vào chuyên môn mà đi từ mối quan hệ. Hãy bước ra khỏi khu vực an toàn của bạn để trải nghiệm và kết nối nhiều hơn. Từ đó, bạn có thể tìm được nhà đầu tư để giải quyết vấn đề vốn. Và cả kinh nghiệm lẫn nhân lực để lấp đầy lỗ hổng chuyên môn”, anh nói.