Từ một thức uống vỉa hè, thậm chí đã từng rơi vào lãng quên, năm qua, trà chanh trở lại trong diện mạo mới, tạo thành cơn sốt trên thị trường F&B Việt Nam.
Sự thật là trà chanh không phải thứ đồ uống gì mới mẻ. Từ những năm 2012, trà chanh đã xuất hiện tại Hà Nội và được lòng giới trẻ bởi hương vị dễ uống và mức giá rẻ. Tuy nhiên sau này, các quán trà chanh vỉa hè dần dần bị thu hẹp do khó cạnh tranh với cà phê, trà sữa.
Tưởng rằng trà chanh rồi cứ thể chìm vào quên lãng thì năm 2019, loại đồ uống này quay trở lại với một diện mạo hoàn toàn mới. Trà chanh giờ đây không chỉ gắn liền với những địa điểm vỉa hè quen thuộc như khu Nhà thờ, Đào Duy Từ, hay các ngã tư lớn… mà được nâng lên phiên bản cao cấp hơn với nhiều biến tấu về hương vị.
Từ chỗ là một vài quán vỉa hè khá đơn sơ, trà chanh dần phát triển bùng nổ và cá biệt có những chuỗi gây dựng tới hàng trăm địa điểm. Phạm vi phân bổ cũng không còn giới hạn ở những thành phố lớn như Hà Nội hay HCM mà nhanh chóng mở rộng ra nhiều tỉnh thành phía bắc.
Vì sao vốn là một thức uống đã từng đi xuống, các chuỗi trà chanh lại có được sự hồi sinh đáng khâm phục như trên?
1. Vốn đầu tư cửa hàng thấp hơn so với cà phê và trà sữa
Nếu với mô hình kinh doanh cà phê, trà sữa… chủ đầu tư cần một nguồn vốn lớn, lên tới cả tỷ đồng thì với trà chanh, số vốn ban đầu chỉ vài trăm triệu đồng. Nguyên nhân là bởi trà chanh không quá cầu kỳ trong thiết kế không gian hay thực đơn đồ uống, chỉ cần một vị trí ngồi thoải mái để khách hàng có thể quây quần trò chuyện.
Theo chia sẻ của các chủ cơ sở, chi phí để mở một quán trà chanh dao động từ 100 đến 200 triệu đồng, tùy theo vị trí và diện tích. Trong đó, phí nhượng quyền thương hiệu dao động 50-70 triệu. Nếu thu phí nhượng quyền 0 đồng, các cơ sở sẽ trả 5-8% phí quản lý hằng tháng trên tổng doanh thu, hoặc sử dụng nguyên liệu, trang thiết bị từ đơn vị nhượng quyền.
Trong khi đó, kinh doanh trà sữa, cà phê, chỉ riêng chi phí nhượng quyền đã dao động từ vài trăm triệu đồng cho tới cả tỷ đồng. Đó là chưa kể các chi phí về thuê mặt bằng, thiết kế cửa hàng, đầu tư trang thiết bị kinh doanh,… Như vậy, số vốn chủ đầu tư bỏ ra với một quán kinh doanh cà phê, trà sữa nhượng quyền có thể không dưới một tỷ đồng.
2. Lợi nhuận hấp dẫn, thu hồi vốn nhanh
Không chỉ vốn đầu tư thấp, trong điều kiện hoạt động ổn định, các quán trà chanh có thể đem về nguồn thu lớn với lợi nhuận lên tới 25-30%.
Chủ một cơ sở kinh doanh trà chanh trên phố Xã Đàn (Hà Nội) cho biết, những ngày đông khách số lượng bán ra có thể đạt 2.000-3.000 cốc, doanh thu cao nhất 15 triệu đồng một ngày. Trung bình, với mức đầu tư 450 triệu đồng ban đầu, cơ sở có thể thu hồi vốn sau 2-3 tháng.
Tương tự, đồng sáng lập thương hiệu trà chanh Bụi Phố, chuỗi đang sở hữu khoảng 400 cửa hàng trong hệ thống, cũng thừa nhận thời điểm bùng nổ nhất, nghĩa là vào khoảng tháng 8, 9/2019, doanh thu tại các cửa hàng của Bụi trung bình mỗi cửa hàng khoảng 10 – 15 triệu đồng/ngày, cao nhất lên đến 30 triệu đồng.
Đến giờ, vì yếu tố cạnh tranh, doanh thu không còn ở mức “một vốn bốn lời” nhưng đa số các cửa hàng đều đang duy trì ở mức ổn định, tốc độ tăng trưởng trung bình của hệ thống vẫn đạt 30%.
3. Đánh trúng tâm lý khách hàng trẻ
Nếu quán trà sữa phù hợp với giới trẻ nhưng lại không phù hợp lắm với túi tiền của họ, quàn cà phê có không gian đẹp nhưng lại khiến nhiều người ngại vì phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” thì các chuỗi trà chanh giải quyết đồng thời cả 2 vấn đề này. Với mức giá chỉ từ 10.000 đến 20.000 đồng, tầng lớp học sinh, sinh viên có thể thưởng thức đồ uống trong không gian rộng rãi lại vẫn được trò chuyện thoải mái.
Chưa kể, nhiều chuỗi hiện nay cũng chú trọng đến thiết kế, và có trang bị cả wifi để đáp ứng nhu cầu check-in, truy cập internet của giới trẻ.
Với một mô hình có thương hiệu, được chuyên nghiệp hóa quy trình giống như những cửa hàng cà phê, trà sữa, lại không phải lo lắng về việc đang ngồi sẽ bị tịch thu bàn ghế vì vi phạm việc lấn chiếm lòng lề đường như thời còn ngự trị vỉa hè, chuỗi trà chanh dễ dàng được lòng giới trẻ vì hội tụ nhiều ưu điểm của các mô hình khác cộng lại.
Tạm kết
Thực tế, chuỗi trà chanh đang là mô hình kinh doanh hợp thời và rủi ro không quá cao. Bằng sự thay đổi bài bản và chuyện nghiệp, các chuỗi trà chanh là lựa chọn tối ưu của nhiều đối tượng khách hàng trẻ. Tuy nhiên, chặng đường phía trước, các chuỗi trà chanh sẽ đủ sức đánh bật trà sữa hay chỉ là một trào lưu ngắn hạn như thời điểm 2012, không phải là câu hỏi dễ trả lời.
Chỉ có một điều chắc chắn, nếu bản thân mỗi quán không liên tục gia tăng giá trị trải nghiệm cho khách hàng, ngoài giải quyết những nhu cầu như giải khát, nơi chia sẻ trò chuyện hoặc thỏa mãn sự tò mò về ‘phiên bản’ nâng cấp của trà chanh trước đây, thì họ sẽ khó thành công, chưa nói đến việc tồn tại đến thời điểm thị trường trở nên bão hòa.
Nhật Anh
Theo Trí Thức Trẻ