Cuộc chiến tranh giành thị phần trong thị trường thịt lợn càng ngày càng gay cấn nhờ xuất hiện tên tuổi của các ông lớn.
Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân liên tục cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao. Thị trường thịt lợn có giá trị hơn 10 tỉ USD là mảng lớn nhất trong ngành F&B.
Tuy nhiên, đây là thị trường chưa được chuẩn hóa khi hơn 90% sản phẩm thịt lợn trên thị trường không có thương hiệu. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc. Đây là điều kiện thuận lợi để nhiều doanh nghiệp trái ngành lấn sân sang lĩnh vực chăn nuôi. 2 trong số đó có sự gió mặt của 2 tập đoàn đình đám: Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và Hoà Phát của tỷ phú Trần Đình Long.
MEATLIFE của Masan tiến thẳng vào bữa cơm gia đình
Masan MEATLife (Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan) khởi đầu trong chuỗi cung ứng thịt bằng việc hợp nhất 2 công ty thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam là ANCO và Proconco vào năm 2015.
Công ty đầu tư vào phần còn lại của chuỗi cung ứng (trang trại, nhà máy chế biến, chuỗi bán lẻ trong 2 năm 2017, 2018) và hoàn thành chuỗi 3F với việc ra mắt người tiêu dùng thịt sạch MEATDeli. Đây là thương hiệu thịt đầu tiên tại Việt Nam được sản xuất theo công nghệ chế biến thịt mát châu Âu.
Sau gần 3 năm ra mắt thị trường, MEATDeli sở hữu hệ thống phân phối hơn 2.700 điểm bán tại Hà Nội, TP.HCM và các vùng phụ cận.
MML hiện sở hữu trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao tại Nghệ An với tổng diện tích trên 223ha, vốn đầu tư lên đến 1.400 tỉ đồng, có khả năng cung cấp cho 250.000 con mỗi năm. Tại đây, từ con giống đến nguồn thức ăn được các chuyên gia giàu kinh nghiệm theo sát quản lý chất lượng đến từng cá thể lợn.
Hình ảnh: Masanmeatlife
Cùng với đó, MML đầu tư hơn 2000 tỉ đồng xây dựng hai Tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn – nơi chế biến ra sản phẩm thịt mát MEATDeli và các sản phẩm thịt chế biến.
Hai tổ hợp có tổng công suất chế biến 2,8 triệu con/năm. Nguồn lợn khỏe cung ứng cho MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn phải trải qua 3 tuyến kiểm dịch nghiêm ngặt.
Đây chính là điểm mạnh của Masan khi đưa trực tiếp sản phẩm đến được bữa cơm của gia đình Việt qua các sản phẩm đã sơ chế hoặc chế biến sẵn như mọc sống, nem, chả, thịt kho,… thông qua lợi thế tận dụng mặt bằng kinh doanh siêu thị, giống như Masan gọi là “phát huy sức mạnh cộng hưởng”.
Kết quả kinh doanh mảng thịt heo của Masan trong 2 năm gần đây và 3 tháng đầu năm 2022
Tổng hợp từ số liệu doanh nghiệp
Theo thông cáo của Masan thịt heo có thương hiệu đạt doanh thu 351 tỷ đồng trong Quý 1/2022, giảm nhẹ 3,8% so với cùng kỳ do giá thịt heo thấp nhưng khối lượng thịt heo bán ra lại tăng 7,8%.
Doanh thu từ thịt dự kiến tăng mạnh trong năm 2022 nhờ việc mở rộng danh mục sản phẩm sản phẩm và gia tăng phân phối qua kênh WCM và các kênh thương mại hiện đại khác. MML dự kiến tiếp tục mở rộng kênh phân phối trên cả kênh thương mại hiện đại và truyền thống, bao gồm cả kênh chợ truyền thống, giúp thay đổi hành vi người tiêu dùng trong việc mua thịt heo chất lượng cao.
Doanh thu heo trang trại của Masan cũng đạt 197 tỷ đồng trong Quý 1/2022, giảm 57,1% so với cùng kỳ do giá thịt lợn heo giảm khoảng 25% so với cùng kỳ. Theo Masan giá thịt heo đã tiến vào vùng ổn định trong Quý 1/2022 và được kỳ vọng sẽ tăng về cuối năm do tác động của lạm phát.
Hòa Phát chủ yếu bán con giống và lợn thương phẩm
Được thành lập năm 2015, Công ty Cổ phần phát triển chăn nuôi Hoà Phát chuyên cung cấp heo giống và heo thịt chất lượng cao cho thị trường. Hệ thống trại chăn nuôi heo của Hoà Phát hiện diện tại các tỉnh Yên Bái, Hoà Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Bình Phước. Trang trại heo Hòa Phát áp dụng chăn nuôi theo quy mô lớn, hiện đại, khép kín và được chứng nhận quy trình chuẩn VietGAP.
Khác với Masan, có nhà máy chế biến và tạo ra giá trị gia tăng cao nhất cho thịt heo (thông qua các sản phẩm chế biến), Hòa Phát cũng không có được lợi thế về hệ thống tiêu thụ tại các siêu thị, doanh nghiệp này chủ yếu cung cấp heo giống bố mẹ, heo giống thương phẩm, heo thịt chất lượng cao.
Hòa Phát bắt đầu cung cấp heo thịt, heo giống ra thị trường từ năm 2018 nhưng hiện nay mới chỉ thấy sản phẩm trứng gà Hòa Phát được bày bán phổ biến tại các cửa hàng, siêu thị, chứ người tiêu dùng chưa được tiếp cận các khay thịt lợn mang thương hiệu Hòa Phát bán lẻ rộng rãi.
Trang trại heo của Hòa Phát
Hòa Phát đã đầu tư cho chăn nuối trâu bò, hoạt động dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi sau thu hoạch đến cuối 2021 tổng cộng là 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ.
BC thường niên Hòa Phát 2021
Trong năm 2021, Hòa Phát đã đầu tư mở rộng chăn nuôi heo tại một số địa phương, sản lượng năm ước đạt gần 450.000 con.
Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu 5 năm tới sẽ phát triển doanh thu mảng nông nghiệp gấp đôi năm 2020, trong đó mục tiêu 750.000 con heo thành phẩm mỗi năm.
Do hạn chế về số liệu chi tiết của từng mảng riêng lẻ như bò, heo, gà, trứng gà, trong cơ cấu doanh thu, giá vốn của Hòa Phát nên không thể đánh giá được hiệu quả việc chăn nuôi heo của doanh nghiệp này thông qua số liệu.
Chỉ biết quý 4/2021 Hòa Phát vừa trải qua 1 kỳ kinh doanh không thuận lợi trong mảng nông nghiệp, khi mảng này ghi nhận lỗ trước thuế 104 tỷ đồng và lỗ sau thuế 98,3 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất lịch sử của Hòa Phát. Giai đoạn hoàng kim từ quý 4/2019 đến quý 2/2021, Hòa Phát đều đặn lãi trên dưới 400 tỷ đồng mỗi quý cho mảng nông nghiệp.
Ngoài những tên tuổi lớn như Masan hay Hòa Phát có sản phẩm thịt heo thì bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai cũng đã đưa ra thị trường sản phẩm heo ăn chuối hoặc trước đó tỷ phú Trần Bá Dương cũng định hướng tiến công sang mảng nông nghiệp: chăn nuôi bò, heo giống, thịt cho tập đoàn Thaco.
https://cafebiz.vn/khi-cac-ty-phu-viet-nuoi-heo-masan-co-meatdeli-do-bo-mam-com-dan-thanh-thi-hoa-phat-chi-ban-heo-giong-va-heo-hoi-20220429111854278.chn
An Vũ
Theo Nhịp Sống Kinh Tế