Mùa tết 2018, nhiều chiến dịch truyền thông trên social media bị đóng băng vì thành tích bất ngờ của đội tuyển U23 Việt Nam. Tuy nhiên năm nay, các thương hiệu có thể làm tốt mà vẫn tiết kiệm chi phí nếu biết bắt đúng “trend” khi bóng đá đang lên.
Việc đội tuyển Việt Nam vượt qua Jordan để đi tiếp vào vòng Tứ kết Asian Cup 2019 đã mang lại niềm hạnh phúc, tự hào cho những người yêu bóng đá nói riêng và người Việt nói chung.
Tuy nhiên về phía các nhãn hàng, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho những kịch bản chiến thắng sau này, các chiến dịch truyền thông đẩy mạnh thương hiệu họ kỳ công chuẩn bị vào mùa Tết 2019 sẽ bị giảm tác dụng rõ rệt. Bởi khi đội tuyển quốc gia chiến thắng, người tiêu dùng sẽ chỉ hướng đến các thông tin xoay quanh đội tuyển, quanh các cầu thủ mà gần như bỏ qua những thông tin khác.
Minh chứng rõ nhất là thời điểm Tết 2018, U23 Việt Nam chiến thắng liên tiếp và giành Á quân tại giải Giải vô địch Bóng đá Châu Á lứa tuổi 23. Theo Buzzzmetrics, chiến thắng của U23 Việt Nam khi đó đã bùng nổ bất ngờ trên các phương tiện truyền thông xã hội (social media), trở thành một Fad topic trong ngôn ngữ chuyên ngành – Sự kiện đặc biệt và tạo ra sự ảnh hưởng lớn đến toàn bộ thảo luận trên social media.
Kết quả là hàng loạt chiến dịch được chuẩn bị kĩ lưỡng trở nên “bị động”, bị người tiêu dùng “ngó lơ” vì tất cả sự chú ý đã dồn về AFC U23 Championship 2018 .
“Fad topic như một quả bom, mỗi khi Fad topic xảy ra nó sẽ ảnh hưởng và phân phối lại tất cả sự chú ý và lượng thảo luận về các chủ đề khác – gần như sẽ chiếm áp đảo mọi sự quan tâm của người tiêu dùng. Tất cả sự kiện khác đều phải chia sẻ sự chú ý của người tiêu dùng cho sự kiện nón”, Buzzmetrics nhận định.
Trong trường hợp của U23 Việt Nam năm ngoái, tổng lượng thảo luận về sự kiện này thậm chí gấp khoảng 20 lần lượng thảo luận về Tết 2018 – chủ đề mà đáng ra sẽ giành nhiều sự chú ý nhất trong thời điểm cận Tết. Không dừng ở đó, sự quan tâm về Tết đã giảm 3 lần so với trước khi trận đấu diễn ra.
Ngay khi lượng thảo luận về Tết giảm, lượng thảo luận của các chiến dịch về Tết 2018 cũng bị ảnh hưởng. Các thương hiệu tận dụng Tết gặp thử thách lớn, hàng loạt chiến dịch Tết đang chạy bị “khựng lại” bởi cơn sốt U23 Việt Nam.
Để tránh tình trạng “bi kịch” khi Fad topic nổ ra, Buzzmetrics nhận định các thương hiệu phải hòa vào không khí chung, đồng điệu với tiếng nói chung và mối quan tâm chung của người tiêu dùng. Từ đó, thương hiệu sẽ được quan tâm, chú ý nhiều hơn và kết nối hơn với người tiêu dùng.
Trong mùa tết này, nếu đối tuyển Việt Nam tiếp tục thắng lợi và vào đến những vòng sâu hơn, Buzzmetrics gợi ý một số kịch bản mà các thương hiệu có thể nghĩ đến.
1. Khuyến mãi lớn/sốc
Một thương hiệu thường xuyên thực hiện nhiều đợt khuyến mãi trong năm, thì sự kiện khuyến mãi đó có thể sẽ không đủ “hấp dẫn” để người tiêu dùng phải tham gia ngay. Họ có thể có tâm lý “chờ đợt khuyến mãi sau” hoặc “để lần sau” mà không hành động tức thời. Nhưng nếu khuyến mãi vào 1 dịp đặc biệt, thì khuyến mãi đó sẽ trở nên đặc biệt, người tiêu dùng sẽ cảm thấy đây là một cơ hội “độc đáo” mà khó có thể xuất hiện lần tiếp theo, tâm lý này sẽ thôi thúc người tiêu dùng phải hành động ngay thay vì chờ đợi.
2. Minigame
Là chiêu thức tuyệt vời để thương hiệu tương tác với khách hàng trong thời điểm nóng. Cũng như khuyến mãi đặc biệt, minigame dựa trên Fad topic cũng sẽ trở nên”thú vị” hơn trong tâm trí khách hàng, nếu nội dung đủ đặc biệt và đồng điệu không khí chung thì sẽ tương tác tốt hơn rất nhiều minigame bình thường.
3. Tạo kết nối giữa thương hiệu với sự kiện nóng
Kết nối trực tiếp chủ đề nóng với thương hiệu bằng cách tạo ra các câu nói, slogan liên quan sẽ giúp thương hiệu nhanh chóng tạo sự kết nối với chủ đề nóng, qua đó tạo sự kết nối với mối quan tâm của người tiêu dùng. Điều cần lưu ý là tông giọng trong nội dung phải là sự cân đối hoàn hảo giữa không khí chung của sự kiện và tính cách đặc trưng của thương hiệu.
Tuy nhiên Buzzmetrics cho biết mỗi sự kiện nóng dù lớn và hấp dẫn thế nào cũng không thể phù hợp cho tất cả các thương hiệu. Nếu khách hàng mục tiêu là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự kiện nóng, thì thương hiệu nên nhanh chóng tận dụng sự kiện này để tránh chậm chận so với đối thủ. Còn nếu có hình ảnh và tính cách hoàn toàn không liên quan, các thương hiệu tốt nhất nên kiên nhẫn “đợi cơn bão đi qua”. Không nên cố gắng tận dụng để biến mình thành “kẻ ăn theo”, thậm chí trở nên xa lạ trong mắt người dùng.
“Như trường hợp của U23 Việt Nam, đối với các thương hiệu nhắm đến các bạn nam trẻ tuổi yêu bóng đá, đây gần như là cơ hội vàng để thương hiệu gắn mình với hình ảnh bóng đá, vừa dễ dàng mà còn tiết kiệm chi phí”.
Nhật Anh (tổng hợp)
Theo Trí Thức Trẻ/Buzzmetrics