“Một trong những câu hỏi doanh nhân Việt thường đặt ra là “Tại sao công ty Việt Nam không lớn, không to, trong khi bên Tây rất nhiều?” Câu hỏi này rất hay, nhưng đầu tiên phải hỏi là “Lúc xây thì ông có muốn làm to không?”. Và trong số ít ỏi những người muốn xây to, lại loay hoay với cách xây. Đừng nói Mỹ, Nhật, Thụy Điển… làm cái này, cái kia! Mấy câu chuyện đó chỉ có tác dụng truyền cảm hứng, không áp dụng được”, cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam chia sẻ.
Thuộc lứa doanh nhân 6x, ông Nguyễn Thành Nam kinh qua nhiều vị trí. Ông từng ngồi ghế Tổng Giám đốc tập đoàn FPT, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Software, Phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT, hiện ông là Founder FUNiX – Tổ chức Giáo dục Trực tuyến của FPT.
Học chuyên Toán, làm lập trình, làm CEO, rồi dạy học, ông Nam cho rằng nếu để chọn một lĩnh vực mình nhiều kinh nghiệm nhất, thì đó là một việc khá lạ ở Việt Nam – Xây công ty.
Ông Nam ví von việc xây công ty cũng giống như xây một ngôi nhà, và người xây công ty là người tìm cách làm sao xây một công ty to được, và không đổ.
* Theo quan điểm của ông, xây công ty và xây nhà giống nhau ở điểm nào?
Yếu tố giống nhau cực nhiều. Hàng ngàn năm trước, người ta đã có thể xây những ngôi nhà, những công trình mà đến giờ vẫn còn tồn tại.
Trong lĩnh vực “xây công ty”, người ta cũng rất trân trọng những công ty xây hàng trăm năm mà giờ vẫn tồn tại và to lớn. Có quyển sách nổi tiếng tôi nghĩ các bạn làm nghề “xây công ty” nên đọc là cuốn “Xây dựng để trường tồn” (tên tiếng Anh: Built to Last) của Jim Collins. Trong đó, đưa rất nhiều so sánh về việc xây công ty sao cho trường tồn.
* Ở Việt Nam dường như không có nhiều kiến trúc sư trong lĩnh vực “xây công ty”. Vậy các ông “xây công ty” thế nào?
Tôi học Toán, sau chuyển sang lập trình thì học Lập trình, nghĩ mình sẽ là chuyên gia lập trình, nhưng rồi được giao nhiệm vụ xây công ty, và xây càng to càng tốt.
Rất lúng túng. Thực sự khái niệm này quá mới.
Nếu xây nhà thì bạn thuê kiến trúc sư, chọn đất, thiết kế… Nhưng xây công ty thì có ai làm kiến trúc sư? Và chúng ta bắt buộc lựa chọn phương pháp: Vừa thiết kế, vừa xây, vừa xem xét, mà hóa ra cũng có phương pháp như thế.
Trong ngành xây dựng công ty, chúng ta có thể xây một công ty rất to, chỉ cần chúng ta có khát vọng, còn cách làm phải từ từ. Nếu so sánh như vậy, chúng ta hiểu ngay, quan trọng nhất khi xây công ty là xây móng.
* Móng của công ty cụ thể là gì, thưa ông?
Tôi nghĩ văn hóa doanh nghiệp chính là cái móng rất quan trọng. Ngoài ý tưởng kinh doanh đặc sắc, đội ngũ Founders phù hợp cùng nhau xây dựng giá trị nền tảng nhất của công ty trong tương lai, đó chính là móng.
Rất may mắn, chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức làm những việc này ngay từ đầu, từ những cái rất đơn giản như viết ra sứ mệnh, tầm nhìn… – những yếu tố mà giờ tôi thấy rất nhiều bạn làm hời hợt. Cái đấy là móng, làm mất thời giờ lắm, mất vài năm là bình thường. Phải thử mới biết môi trường đặc hiệu như làm móng nhà phải đào đất phải xem loại đất đấy là gì, làm móng công ty phải hiểu thị trường như thế nào thì mới tìm ra sứ mệnh cốt lõi – công ty mình tại sao tồn tại? Lập công ty để làm gì? Nếu để tự sống được, để kiếm tiền thì thiếu gì cách?
Những câu hỏi như vậy, team ấy, thị trường ấy, thời điểm ấy, ngồi với nhau thật kỹ. Những giá trị đấy sẽ theo mãi. Công ty có thể tồn tại 100 năm, nhưng giá trị ấy vẫn còn. Còn ngành nghề kinh doanh lúc ban đầu, thì trăm năm sau đã khác lắm rồi. IBM thành lập cách đây 100 năm thì hiển nhiên thuở ấy làm gì có máy tính, nhưng giá trị ban đầu vẫn còn.
* Ông ví von xây công ty giống xây nhà, vậy làm thế nào để công ty xây xong không đổ trong gió bão? Nền móng có phải một yếu tố?
Chắc chắn. Móng vững thì dù đổ nhà vẫn xây lại được.
Gọi “gió bão” là cạnh tranh đi, cạnh tranh to quá thì cũng chết. Làm gì có cái nhà nào mãi mãi không đổ? Nhưng có móng tốt chúng ta sẽ xây lại. Bất cứ một công ty nào cũng sẽ trải qua những giai đoạn rất khó khăn…
* Ở Việt Nam, thường doanh nhân xây công ty nhỏ, làm thế nào để các CEO Việt xây được công ty to?
Đấy là câu các doanh nhân Việt rất hay hỏi. “Tại sao công ty Việt Nam không lớn, không to, trong khi bên Tây rất nhiều?” Câu hỏi này rất hay, nhưng đầu tiên phải hỏi là “Lúc xây thì ông có muốn làm to không?”.
Cũng như xây nhà, rất nhiều người chỉ muốn xây nhà đẹp, xinh xắn, vừa 2 vợ chồng ở, hạnh phúc. Vậy việc gì phải làm to? Cái chính là ông thấy nhà mình đẹp, xinh xắn, nhà bên cạnh rất to, ông lại cảm giác bức bối, khó chịu, chứ nếu hạnh phúc với cái nhà nhỏ thì không có vấn đề gì.
Quan điểm cá nhân của tôi, thì tôi thấy việc các doanh nhân Việt không xây to là hợp lý. Có những chỗ xây nhà to không đẹp, vùng này xây nhà bé đẹp hơn nhiều, thỉnh thoảng điểm xuyết một cái nhà to. Kiểu như có người thích thành phố như Hongkong, cao ốc chi chít; có người thích làng quê. Và có vẻ như hệ sinh thái doanh nghiệp Việt Nam thì mô hình làng quê hợp hơn, đấy là ý kiến cá nhân tôi. Tức, chúng ta không phải những người quá tham vọng.
Chúng ta mong muốn xây dựng một cuộc sống tốt đẹp nhưng chúng ta không quá tham vọng, không quá mong xây được một tòa nhà phải trăm tầng, phải gây ấn tượng với làng xóm. Không ham muốn không có gì là xấu. Giả sử trong 100 ông có một vài ông thích và mong muốn xây một cái nhà thật to, ví như ông Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT FPT – PV), cái đấy cũng tốt. Nhưng số đấy chỉ là ngoại lệ.
* Với những “ngoại lệ” có khát vọng xây công ty to ấy, thì cách xây thế nào?
Lúc này, câu hỏi sẽ khó hơn rất nhiều, bởi trong một văn hóa không phù hợp lắm về chuyện xây nhà to, mà ông vẫn muốn xây nhà to, đòi hỏi ông có những phương pháp rất đặc biệt. FPT chúng tôi tranh luận với nhau rất nhiều. Chúng ta không thể học theo kiểu như IBM. Họ có kỹ thuật, máy móc trong xây công ty, mình không có máy móc ấy, không được đào tạo…
Mình phải nhìn vào lịch sử. Có thể thấy chúng ta không có công trình nào rất lớn, thế nhưng chúng ta cũng có những công trình rất kỳ vỹ. Ví như trong chiến tranh chống Mỹ, chúng ta có công trình được đánh giá là công trình kỳ vỹ nhất trong lịch sử loài người – hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh (*). Cách làm rất khác, với rất nhiều hệ thống chằng chịt. Người ta gọi đó là chiến tranh nhân dân, chúng ta phân phó để rất nhiều người được quyền ra quyết định, và hệ thống đấy linh hoạt, không cứng nhắc.
Mãi sau, đến tận cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, IBM mới đưa ra một concept khá giống với điều chúng tôi đã nghĩ: “Con voi cũng có thể khiêu vũ” (Elephant can dance).
Quay lại câu chuyện vì sao doanh nghiệp chúng ta không to, bởi văn hóa mình khác. Cá nhân tôi không thấy đó là xấu, mà đó là điều chúng ta nên làm. Tính số người đi, công ty quy mô cỡ 100 – 200 người, lúc đấy chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Rất nhiều ngôi nhà xinh xắn tạo thành một ngôi làng rất đẹp, không cần có cao ốc.
Còn nếu quyết tâm xây bằng được cao ốc, thì phải tìm được cách xây cao ốc rất khác biệt, mà kinh nghiệm của chúng tôi là hãy nhìn vào lịch sử.
Đừng nói Mỹ, Nhật, Thụy Điển làm cái này, cái kia, không áp dụng được đâu. Có thể những câu chuyện ấy truyền cảm hứng cho mình, làm cho mình tin rằng mình có thể làm được, nhưng làm thế nào thì phải dựa vào thổ nhưỡng ở đây, con người ở đây, văn hóa ở đây. Đấy là bài học tôi học được.
Chúng tôi đã nhìn hết Ấn Độ làm thế nào, Mỹ làm thế nào, Nhật làm thế nào, và cuối cùng chúng tôi chọn làm theo cách của chúng tôi.
* FUNiX hiện là ngôi nhà như thế nào? Và ông có tham vọng xây FUNiX thành ngôi nhà to?
Tất nhiên là muốn nhà to. Chúng tôi thường nói với nhau nó phải to cỡ trăm ngàn người, triệu người học. Trường phải to, hàng triệu người học mới gọi là trường cho sướng. Nhưng giai đoạn này đang ngổn ngang, ví với xây nhà thì FUNiX đang trong giai đoạn động thổ, giải phóng mặt bằng, rồi làm móng.
Cụ thể là suốt ngày chúng tôi trao đổi, bàn bạc với nhau xem nền tảng của FUNiX là gì… Giờ chúng ta đang dạy lập trình lấy bằng đại học, nhưng có thể 5 năm nữa chúng ta không dạy lập trình và cũng không lấy bằng đại học, mà có thể chúng ta dạy âm nhạc, nghệ thuật, chưa biết được… Cho nên, đó không phải nền móng.
Vậy nền móng của FUNiX là cái gì? Giá trị cốt lõi của FUNiX là gì? Chúng tôi gọi là “FUNiX Way”, tức cách học – Đặt ra một cách học mới. Cách học ấy cũng như học ở trường đời. Bạn học ngoài đời thế nào? Ngoài đời đâu có thầy, có lớp, có giáo trình. Ngoài đời chỉ có thách thức. Học ở đây cũng thế. Concept của FUNiX thiết kế giống trường đời, phải có thách thức. Khi đối diện với thách thức, chẳng ai biết phải làm thế nào và cũng không có người chỉ cho bạn cách làm. Phải đi tìm tài liệu, đọc rồi đi hỏi, hỏi xong phải thử…
Về lý thuyết là vậy, nhưng phải biến nó thành hiện thực, phải có quy trình, làm thế nào, nếu gặp vấn đề thì xử lý ra sao… Chúng tôi đang hình thành những bước đó. Tôi tin rằng mình đang đi đúng hướng. Cách đấy giúp các bạn trẻ có thể tự xây dựng con đường học tập của mình.
* Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ khi “xây nhà”?
Đa phần chúng ta không xây nhà, giờ chúng ta đi mua béng cái nhà. Thực ra, xây dựng cuộc đời của mình cũng không khác gì xây nhà.
Nếu coi cuộc đời mình là một cái nhà, thì giai đoạn trẻ là xây móng, nhưng cái khó nhất là chúng ta không biết cái nhà sẽ thế nào trong tương lai.
Tôi chỉ có lời khuyên thế này: Những gì các bạn làm bây giờ, sau này đều có vai trò rất quan trọng trong cuộc đời bạn. Ở Tây có khái niệm “Building your CV” – xây CV của bạn làm sao để người khác nhìn vào đánh giá bạn.
Các bạn cần luôn nghĩ rằng tại sao các bạn làm như thế. Ví như hôm nay làm công ty này, rồi chuyển sang công ty khác, hãy bỏ chút thời gian tự hỏi mình tại sao lại làm việc này, ghi lại. Rất nhiều câu hỏi tại sao ấy sẽ giúp bạn đi đúng đường. Và bạn luôn nhận thức được bạn đang đi đúng con đường ấy.
* Giờ có rất nhiều chuyên gia đưa ra các lời khuyên khác nhau cho các bạn. Vậy theo ông, các bạn trẻ nên tiếp nhận các lời khuyên đó thế nào?
Phải quay lại cách học của FUNiX: Khi nào thì chúng ta hỏi? Không lẽ giờ gặp ai cũng hỏi? Chúng ta phải có khó khăn thật. Và khi có vấn đề thì đầu tiên phải đi tìm hiểu, sau đó hỏi chuyên gia trong nghề, và bao giờ cũng phải biết cách kiểm tra các lời khuyên ấy.
Quan trọng nữa, bản năng chúng ta hay hỏi những người giỏi trong nghề, nhưng thực ra những người ấy là “cờ ngoài, bài trong”. Phải hỏi cả những người không liên quan đến chuyên môn, nhưng rất quan tâm đến ta, họ sẽ nghĩ cho mình. Lời khuyên của họ sẽ xuất phát từ việc muốn điều tốt nhất cho mình.
“Mỗi tuần một chuyên gia” với Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam.
Còn sau đó, quyết định cuối cùng vẫn là bạn quyết, chứ không ai thất bại lại bảo “vì bạn em bảo thế”. Quay lại câu chuyện lời khuyên của người đi trước, tìm lời khuyên từ người khác là rất tốt, nhưng chỉ nên tìm lời khuyên khi thực sự bạn có vấn đề thật, chứ đừng vì phong trào, thấy chuyên gia nào nói chuyện cũng ngồi nghe, hóng, hỏi rồi quên.
* Xin cảm ơn ông!
(*) Theo văn bản lịch sử chính thức của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (National Security Agency), đường mòn Hồ Chí Minh hay đường Trường Sơn được quân đội Hoa Kỳ coi là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20.” (nguyên văn: “…the Ho Chi Minh Trail is one of the great achievements in military engineering of the twentieth century” – trích cuốn “Spartans in Darkness”, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ xuất bản năm 2002, trang 94)
Bài: Thủy Trương
Thiết kế: Hùng Nam
Ảnh – Video: Kingpro
Thủy Trương
Theo Trí Thức Trẻ