Theo đó, các khoản thưởng nói trên chỉ dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động, không được luật pháp quy định.
Dịp cuối năm cận kề, khoản lương tháng thứ 13 cũng như thưởng Tết âm lịch đang trở thành mối quan tâm của nhiều người lao động. Tuy nhiên, bản chất thật sự của những khoản tiền này thì không phải ai cũng hiểu được.
Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP HCM gần đây có chia sẻ trên VnExpress rằng pháp luật hiện hành không có quy định chi tiết về tiền lương tháng 13, tiền thưởng Tết Âm lịch. Các khoản như tiền lương tháng 13, tiền thưởng Tết âm lịch gọi chung là “tiền thưởng”, theo điều 103 Bộ luật Lao động 2012.
Theo đó, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Như vậy, tiền thưởng nói chung, tiền lương tháng 13, tiền thưởng Tết Âm lịch nói riêng, không bắt buộc doanh nghiệp phải trả cho người lao động. Tuy nhiên, trong quy chế thưởng của công ty có quy định về điều kiện để người lao động được hưởng tiền lương tháng 13, tiền thưởng Tết âm lịch, khoản thưởng khác thì khi người lao động đáp ứng đủ, doanh nghiệp phải thực hiện
Ví dụ: Công ty quy định nếu năm 2019 tăng trưởng 15% lợi nhuận so với năm 2018, người lao động được nhận lương tháng 13 và thưởng thêm tiền Tết Âm lịch với mức một tháng lương. Kết quả, tăng trưởng đạt kế hoạch thì công ty có nghĩa vụ chi trả như “đã hứa”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Trí Thức Trẻ, Shark Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse từng tiết lộ tại công ty của ông, nhân viên sẽ có phần thưởng tháng 13 riêng và thưởng theo lợi nhuận riêng. “Thưởng tháng 13 được trích lập ngay trên doanh số, nghĩa là phần này luôn có, còn lại thưởng theo lợi nhuận phải có lợi nhuận mới được thưởng, không có đừng ai trông mong vào đó”.
Còn với nhiều doanh nghiệp khác, khoản lương tháng 13 có thể coi như khoản thưởng Tết và người lao động sẽ không nhận thêm khoản nào khác nữa.
Trên cơ sở điều 103 Bộ luật Lao động, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh, Đoàn Luật sư Tp Hà Nội cũng cho rằng, nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì không bắt buộc phải thưởng, trừ trường hợp có quy định về việc thưởng Tết và tháng lương thứ 13.
Theo luật sư, nếu muốn biết doanh nghiệp vi phạm trong việc nhập nhèm giữa thưởng Tết và lương tháng thứ 13 hay không thì cần phải xem xét trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế thưởng của người sử dụng lao động có quy định riêng rẽ từng khoản hay không?
Nếu có quy định lương tháng thứ 13 và cả thưởng Tết mà doanh nghiệp chỉ trả 1 trong 2 khoản là đã có sự vi phạm pháp luật.
“Nếu không có quy định gì thì việc người sử dụng lao động quyết định thưởng thế nào là việc họ căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc của người lao động và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh cho biết.
Nhật Anh (tổng hợp)
Theo Trí Thức Trẻ