Đó là nguồn kinh phí sẽ được dùng để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên các trường ĐH CĐ bắt đầu được thực hiện từ năm 2017 đến 2020 vừa được Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Ngày 24/2, tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho việc xây dựng Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành và đại diện các trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) trong cả nước.
Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp được xây dựng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên.
Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 có 100% các trường đại học, cao đẳng triển khai công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, hình thành đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; 100% dự án khởi nghiệp của sinh viên được hỗ trợ, 30% ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên được kết nối với các doanh nghiệp hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm; Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cấp Bộ và cấp trường sẽ được thành lập từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp” của Bộ GD ĐT cũng sẽ yêu cầu các trường ĐH CĐ mỗi trường phải có tối thiểu 1 – 2 cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Khái toán phí cho các hoạt động của đề án là 239,2 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Nhà nước cấp cho các bộ ngành trung ương là 140 tỷ; ngân sách xã hội hóa, nguồn vốn ODA là 99,2 tỷ.
Đây là Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, hỗ trợ đến từ nhiều nguồn chứ không phải Nhà nước bao cấp. Không nhằm mục đích sinh viên sẽ khởi nghiệp được ngay mà tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận kiến thức, kỹ năng, có những ý tưởng. Đề án này tập trung vào thúc đẩy cung cấp kiến thức, kỹ năng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.